Cuộc đua 'điền vào chỗ trống' Mỹ để lại Afghanistan
USS Zumwalt: Chiến hạm đến từ tương lai / Quan tài bằng đồng nghìn năm tuổi vừa được tìm thấy, chính quyền địa phương đã làm điều khiến chuyên gia 'rất sốc'
Quyết định rút toàn bộ binh sĩ Mỹ về nước của Tổng thống Joe Biden đã thúc đẩy bất ổn nội bộ ở Afghansitan. Bạo lực đang leo thang ở quốc gia này khi Taliban giành được nhiều chiến thắng hơn trên chiến trường trước quân đội chính phủ Afghanistan,Nikkei Asianhận định.
Trong khi đó, một số cường quốc tìm cách thiết lập ảnh hưởng an ninh ở Afghanistan, lấp vào khoảng trống quyền lực mà Mỹ để lại. Bên cạnh nước láng giềng Pakistan, vốn là một phần của cuộc xung đột, các nước như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, thậm chí cả Ấn Độ đều muốn tìm chỗ đứng tại Kabul.
Cuộc cạnh tranh ngầm
Kinh tế, chính trị và quân sự của Afghanistan từ lâu đã bị ảnh hưởng bởi các nước láng giềng lớn mạnh hơn là Iran và Pakistan. Một số quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn thiết lập vai trò an ninh quan trọng thời hậu Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ không phải là nước láng giềng với Afghanistan, nhưng các nhà phân tích cho rằng Ankara đã nhìn thấy cơ hội kép ở đây.
Một thủy quân lục chiến Mỹ đang bảo vệ hai cha con người Afghanistan trước cuộc tấn công của Taliban. Ảnh: Reuters.
Đầu tiên, Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách tận dụng một số thiện chí trong mối quan hệ đã rạn nứt với Mỹ, bằng cách đề nghị bảo vệ sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul, một liên kết quan trọng giữa Afghanistan và thế giới.
Động thái này của Ankara diễn ra trước cuộc gặp cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ ở Brussels. Đề xuất này phù hợp với đường lối ngoại giao của Ankara về việc nâng cao vai trò của họ trên trường quốc tế.
Thứ hai, sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên duy nhất của NATO có đa số người Hồi giáo, có vẻ lành tính và phù hợp hơn để tránh khỏi sự nhạy cảm của người dân địa phương. Nhưng Taliban không nghĩ thế.
Ngay khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra đề xuất, phát ngôn viên Taliban lập tức lên tiếng cảnh báo rằng dù Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia Hồi giáo, nhưng là thành viên NATO, Ankara có nghĩa vụ phải tuân thủ thỏa thuận ký kết giữa Taliban và Mỹ năm 2020.
Thổ Nhĩ Kỳ không phải là quốc gia duy nhất quan tâm đến Afghanistan thời hậu Mỹ rút quân. Jason Campbell, nhà phân tích tại tập đoàn RAND (tổ chức tư vấn quốc phòng cho Lầu Năm Góc), nhận xét Trung Quốc đang nhìn thấy cơ hội của mình.
Trung Quốc có chung đường biên giới với Afghanistan, từ lâu đã để mắt đến quốc gia này như một cơ hội kinh tế, một hành lang sinh lợi cho kế hoạch Vành đai và Con đường. Nhưng vấn đề bất ổn an ninh ở Afghanistan là thách thức lớn cho các khoản đầu tư của Trung Quốc.
Trái ngược với Mỹ, Trung Quốc chỉ coi đây là cơ hội kinh tế. Vì vậy, Bắc Kinh đang thận trọng hợp tác với đồng minh chiến lược Pakistan - đất nước có ảnh hưởng nhất đối với Taliban - để tiến hành đối thoại riêng biệt với Kabul, Islamabad và Taliban.
Hướng về phía bắc Afghanistan, qua các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, nơi Moscow vẫn còn ảnh hưởng, các nhà phân tích cho rằng Nga cảm thấy nhẹ nhõm khi Mỹ không còn hiện diện ở sân sau của mình.
Nga đang huấn luyện cho lực lượng an ninh chính phủ Afghanistan, đồng thời tìm cách thiết lập mối quan hệ quốc phòng bền chặt hơn. Kabul đã đề xuất mua vũ khí, cũng như yêu cầu Moscow nâng cấp phi đội trực thăng của họ.
Hướng về phía đông, Ấn Độ từ lâu ủng hộ chính phủ Kabul bằng hỗ trợ ngoại giao và đầu tư, được cho là đang đảo ngược chính sách không đối phó với Taliban của họ. Tuy nhiên, sự can dự của Ấn Độ vào Afghanistan thường phản tác dụng, bởi ảnh hưởng quá lớn của Pakistan tại quốc gia này.
Gánh nặng cho Pakistan
Trong nhiều thập kỷ, Pakistan đã phải chịu cả gánh nặng và nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến ở Afghanistan.
Islamabad đã mở cửa biên giới với nước láng giềng, cho phép hơn 3 triệu người Afghanistan tị nạn chiến tranh. Quân đội Pakistan, ban đầu có sự hỗ trợ của Mỹ, nhưng sau đó thì không đã tác động đến cuộc xung đột ở Afghanistan.
Quân đội Pakistan ban đầu huấn luyện và hỗ trợ cho lực lượng phiến quân Mujahedeen Afghanistan chống lại Liên Xô những năm 1980. Đến những năm 2000, Pakistan lại hỗ trợ cho Taliban Afghanistan.
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đang đứng trước ngưỡng cửa khó khăn và đầy bất ổn khi Mỹ rút quân. Ảnh: Reuters.
Việc hậu thuẫn cho Taliban đã cuốn Pakistan vào cuộc xung đột ở Afghanistan, đồng thời khiến người dân Afghanistan căm ghét Islamabad. Nhưng khi Mỹ rút quân, ảnh hưởng và gánh nặng của Pakistan ở quốc gia láng giềng lại tăng lên.
Pakistan chắc chắn sẽ cảm thấy gánh nặng một lần nữa, giống như những gì từng xảy ra khi Afghanistan tan rã vào những năm 1990, sau khi Liên Xô rút quân. Hàng triệu người tị nạn Afghanistan đã vượt qua biên giới kiểm soát kém của họ, để tìm kiếm sự an toàn tương đối ở các thành phố và thị trấn của Pakistan.
Asfandyar Mir, một nghiên cứu sinh tại Đại học Stanford, Mỹ, cho rằng Pakistan có ảnh hưởng to lớn ở Afghanistan do ủng hộ Taliban. Islamabad muốn thấy Taliban trở lại nắm quyền.
Ông cho rằng Pakistan đang thực hiện từng bước đi chặt chẽ trong việc duy trì ảnh hưởng với Taliban và tránh sự bùng nổ bất lợi cho họ.
Madiha Afzal, chuyên gia về chính sách đối ngoại tại Viện Brooking, lo ngại khoảng trống quyền lực ở Afghanistan sẽ ngày càng mở rộng do cuộc đối đầu kiểu nội chiến giữa Taliban và chính phủ Kabul.
Ông lo ngại việc tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc bên ngoài tại Afghanistan càng làm cho cuộc khủng hoảng đây thêm trầm trọng. Mỗi nước đều có toan tính riêng của mình, thay vì hợp tác cùng nhau.
Trong cuộc cạnh tranh này, Pakistan có lợi thế lớn nhất. Đối với Mỹ, điều họ quan tâm nhất là ảnh hưởng của Trung Quốc, Nga và Iran tại quốc gia này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo