Đã rõ lý do vì sao Nga gọi chiến dịch quân sự ở Ukraine là "đặc biệt": Có thứ rất khác?
Khủng hoảng năng lượng không chừa một ai: Cường quốc lớn thứ 3 thế giới kêu gọi người dân tiết kiệm điện tối đa / VZ: Tròn 1 tháng sau ngày Nga nổ súng ở Ukraine, giai đoạn 2 chiến dịch QS sẽ như thế nào?
Vì sao Nga gọi là chiến dịch "đặc biệt"?
Khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine bước sang tuần thứ tư, đã có tranh cãi về khả năng chấm dứt xung đột, hướng tới hoà bình.
Các cuộc đàm phán song phương giữa Nga và Ukraine vẫn diễn ra bền bỉ, bất chấp việc Moscow vẫn tiến hành các hoạt động quân sự tại các thành phố của Ukraine Nhưng bất ngờ, Mỹ đã "dội một gáo nước lạnh" vào hy vọng về một giải pháp ngoại giao, theo Al-Jazeera.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần trước lên tiếng cáo buộc Tổng thống Vladimir Putin bằng từ ngữ nhạy cảm khi gọi ông là "tội phạm chiến tranh", đồng thời chỉ thị cấp dưới điều tra "tội ác chiến tranh" của Nga, một nỗ lực gây tổn hại đến cuộc đàm phán hiện tại.
Lập trường diều hâu của Mỹ có thể làm mất lòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và chắc chắn sẽ làm mất lòng cả giới lãnh đạo Nga.
Bị ép giữa áp lực tối đa của Nga và Mỹ, người thiệt thòi nhất vẫn là Tổng thống Zelensky – nhân vật không còn hoặc còn rất ít lợi thế cho các hoạt động ngoại giao.
Tất cả những điều này mở ra những kịch bản mới cho chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Kịch bản đầu tiên liên quan đến việc Nga triển khai thêm lực lượng và nhiều vũ khí sát thương hơn để đạt được chiến thắng toàn diện nhanh chóng, đồng thời giành quyền kiểm soát Kiev.
Nhưng cho đến hiện tại, người Ukraine vẫn thể hiện sự kháng cự mạnh mẽ với sự hỗ trợ của phương Tây, không có ý định nào cho thấy sẽ muốn đầu hàng.
Điều này mở ra khả năng cho một kịch bản thứ hai: Ukraine biến thành một "Afghanistan thứ hai", điều mà các nhà sử học coi đó là thất bại của Moscow vào năm 1989, phần nào mở đường cho sự sụp đổ của Liên Xô về sau.
Thế nhưng, tình thế bây giờ đã khác. Tổng thống Putin là người thấu hiểu câu chuyện ở Afghanistan và dường như đã học được từ sai lầm trong quá khứ của Moscow (cũng như của chính Washington), tức là tránh việc cố gắng kiểm soát hoàn toàn một quốc gia rộng lớn khác như Afghanistan, ngay cả khi Ukraine không có địa hình đồi núi hiểm trở như vậy.
Theo Al-Jazeera, đó là lý do tại sao chiến lược của Tổng thống Putin được gọi là "hoạt động quân sự đặc biệt".
Đặc biệt ở chỗ, cho đến nay, chiến dịch này vẫn chỉ xoay quanh các mục tiêu hạn chế, gói gọn trong mục đích ban đầu, đó là đảm bảo sự thay đổi lập trường của chính quyền Kiev và thay đổi tình hình ở miền đông Ukraine, bao gồm cả Crimea, theo hướng có lợi cho Nga về lâu dài.
Dù tình hình có thay đổi thế nào, Nga sẽ không để bị"sa lầy" vào một cuộc chiến bất tận, không hồi kết.
Nhưng một lần nữa, không có chiến lược quân sự nào là hoàn hảo.
Chiến lược của Tổng thống Putin đã bị xô lệch bởi ít nhất 3 vấn đề: Năng lực và hiện đại hóa quân sự của Nga trên thực tế, năng lực và sự sẵn sàng kháng cự của Ukraine, sự đoàn kết và quyết tâm trừng phạt của phương Tây.
Bất kể chiến dịch của Nga có đúng kế hoạch hay không, nước này đã phải trả một cái giá khá đắt về mặt quân sự, kinh tế và ngoại giao so với dự đoán ban đầu.
Chiến thuật thay đổi
Theo CNN, gần một tháng tiến hành chiến dịch ở Ukraine, các bước tiến của quân đội Nga đang bị cản trở, buộc nước này phải thay đổi chiến thuật.
Có nhiều bằng chứng cho thấy người Nga đang áp dụng nhiều cách tiếp cận hơn, đặc biệt nổi bật trong số đó là bắt đầu tăng cường sử dụng tên lửa phóng từ bên ngoài vào Ukraine.
Trong một tuyên bố cuối tuần trước, Bộ Quốc phòng Nga cho biết các tàu chiến ở vùng biển Caspi đã phóng tên lửa hành trình Kalibr và máy bay nước này đã phóng tên lửa siêu vượt âm Kinzhal từ không phận Crimea nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine.
Giới quan sát đánh giá màn phô diễn hỏa lực tốn kém này không chỉ tạo lợi thế trên chiến trường mà còn mang ý nghĩa quảng bá vũ khí của Nga hoạt động thực tế hiệu quả như thế nào.
Bộ Quốc phòng Anh cho rằng việc Nga sử dụng tên lửa Kinzhal "rất khó có thể ảnh hưởng đến kết quả trên thực địa". Nhưng các nhà phân tích quân sự lo lắng về một hệ quả khác trong giai đoạn mới của chiến sự.
Khi lực lượng trên bộ của Nga đạt được ít tiến bộ mới, quân đội nước này có thể chuyển hướng sang tăng cường các đợt tấn công bằng hoả lực tên lửa nhằm bẻ gãy ý chí chống cự của đối thủ.
Thêm vào đó, các quan chức Ukraine bắt đầu cảnh báo "khả năng xảy ra rất cao" về một mặt trận mới sắp mở ra, đó là một cuộc tấn công từ Belarus theo hướng tây bắc Ukraine.
Vùng Volyn phía tây bắc của Ukraine giáp với Belarus và Ba Lan. Về mặt lý thuyết, nơi đây có thể đóng vai trò như một cửa ngõ cho các lực lượng tấn công từ phía bắc tiếp cận Lviv, một thành phố chiến lược ở miền tây Ukraine, trung tâm cho các nỗ lực cứu trợ và hậu cần của chính phủ.
Không rõ liệu Belarus có chủ động tham chiến hay không. Tuy nhiên, Bộ Tổng tham mưu Ukraine đã cảnh báo rằng Nga hiện đang tìm cách đưa lực lượng dự bị đến gần biên giới nước này, có khả năng chiến sự sẽ rẽ sang một hướng đi khác.
End of content
Không có tin nào tiếp theo