Quốc tế

Đan Mạch lên tiếng sau tin ông Trump muốn mua đảo lớn nhất thế giới

Đảo Greenland của Đan Mạch đã khẳng định họ sẽ không bán đảo sau khi có thông tin rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn mua hòn đảo lớn nhất thế giới.

Ông Trump: Ông Kim Jong-un "gửi lời xin lỗi nhỏ" về các vụ thử tên lửa / Ông Trump nói Trung Quốc “khao khát” thỏa thuận thương mại với Mỹ

1

Đảo Greenland (Ảnh: Reuters)

CNN ngày 15/8 dẫn nguồn tin nói rằng ông Trump đã nhiều lần nêu ra vấn đề mua đảo Greenland từ chính phủ Đan Mạch và văn phòng luật sư của Nhà Trắng đang xem xét khả năng này.

Giới chức Greenland ngày 16/8 đã bác bỏ ý tưởng rằng họ sẽ “bán mình”. Người đứng đầu cơ quan ngoại giao của hòn đảo tự trị thuộc Đan Mạch nhấn mạnh với Reuters rằng: “Chúng tôi cởi mở với các cơ hội kinh doanh, chúng tôi không tự bán mình”.

Ông Trump dự kiến sẽ có chuyến công du tới thủ đô Copenhagen của Đan Mạch vào tháng 9 và Bắc Cực sẽ nằm trong chương trình nghị sự của ông chủ Nhà Trắng khi gặp gỡ các quan chức cấp cao của Đan Mạch và Greenland.

Wall Street Journal là bên đầu tiên đưa tin về ý tưởng mua đảo của ông Trump. Reuters sau đó dẫn 2 nguồn thạo tin cho biết, một số cố vấn được cho đã nghĩ ý tưởng này của ông Trump là một câu nói đùa nhưng số khác lại tỏ ra khá nghiêm túc.

 

Các chính trị gia Đan Mạch ngày 16/8 đã có phản ứng với thông tin này. “Chắc đó là trò đùa Cá Tháng 4 mà thôi”, cựu Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen nhận định.

“Nếu ông ấy (ông Trump) tính đến chuyện này thì đây có lẽ là bằng chứng ông ấy đã nghĩ chưa thông. Ý tưởng Đan Mạch bán 50.000 dân cho Mỹ thật sự nực cười”, một phát ngôn viên của đảng Nhân dân Đan Mạch cho hay.

Greenland, hòn đảo tự trị của Đan Mạch nằm giữa Bắc Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương, phụ thuộc vào sự hỗ trợ kinh tế của Đan Mạch. Hòn đảo này tự chủ trong các vấn đề đối nội trong khi Copenhagen quan tâm tới quốc phòng và chính sách đối ngoại.

Theo Reuters, Greenland đang thu hút sự quan tâm từ các nước lớn như Trung Quốc, Nga và Mỹ vì lợi thế địa chiến lược và nguồn khoáng sản phong phú. Mỹ và Đan Mạch năm 1951 đã ký hiệp ước quốc phòng cho phép cho quân đội Mỹ đồn trú tại căn cứ không quân Thule ở phía bắc Greenland.

Hiện thời, chưa có bằng chứng nào cho thấy việc mua Greenland sẽ nằm trong chương trình nghị sự của ông Trump khi tới thăm Đan Mạch vào tháng tới.

 

Theo Đức Hoàng/Dân trí
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm