Đằng sau quyết định của Ukraine khi sẵn sàng thảo luận về mô hình phi NATO
Đức và Israel xác định mục tiêu "chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine sớm có thể" / Nga thông báo tạm ngừng bắn ở Ukraine để mở hành lang nhân đạo
Mô hình phi NATO
Ukraine không sẵn sàng thỏa hiệp về sự toàn vẹn lãnh thổ của mình trong các cuộc đàm phán với Nga nhưng sẵn sàng thảo luận về "các mô hình phi NATO" cho tương lai của mình, một trong các nhà đàm phán của phái đoàn Ukraine nhận định với Fox News.
Ukraine đã theo đuổi việc gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và NATO, cả hai quyết định đều bị Moscow phản đối. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng việc Ukraine có khả năng trở thành thành viên NATO là bằng chứng cho thấy sự gây hấn của NATO với Nga.
"Câu trả lời mà chúng tôi nhận được từ các nước NATO là họ không sẵn sàng thảo luận về việc chúng tôi sẽ gia nhập NATO, thậm chí trong 5 - 10 năm tới", nhà đàm phán phía Ukraine - ông David Arakhamia cho hay.
"Chúng tôi sẵn sàng thảo luận về một số mô hình phi NATO. Chẳng hạn, có thể có những đảm bảo trực tiếp từ các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Anh và có lẽ là Pháp, Đức. Chúng tôi cởi mở với việc thảo luận về những vấn đề như vậy trong trong các cuộc trao đổi rộng hơn, không chỉ trong quan hệ song phương với Nga mà còn cả với các đối tác khác”.
Trước đó, ngày 14/2, Đại sứ Ukraine tại Anh Vadym Prystaiko từng nói với BBC rằng, Ukraine có thể từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO để tránh chiến tranh với Nga. Đại sứ Vadym Prystaiko cho biết, Ukraine sẵn sàng "linh động" trong mục tiêu gia nhập NATO.
Cánh cửa mở nhưng không dễ bước vào
Các chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo, sự mở rộng của NATO về phía Đông sẽ dẫn đến xung đột với Nga. Học giả Mỹ nghiên cứu về Nga George Kennan - "cha đẻ" của chính sách ngăn chặn của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh đánh giá, sự mở rộng của NATO về Trung Âu vào những năm 1990 là "một sai lầm định mệnh trong chính sách của Mỹ trong toàn bộ kỷ nguyên hậu Chiến tranh Lạnh". Ông cảnh báo sự mở rộng NATO sẽ hủy hoại quan hệ Nga - Mỹ sâu sắc đến mức Nga sẽ không bao giờ trở thành đối tác và vẫn là kẻ thù của Mỹ.
Ông John Mearsheimer – giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Chicago thì cho rằng tình hình hiện nay có căn nguyên "từ tháng 4/2008, tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Bucharest - khi NATO ra tuyên bố khẳng định Ukraine và Gruzia sẽ trở thành một phần của liên minh này" trong tương lai.
Theo học giả này: "Nga đã tuyên bố rõ ràng vào thời điểm đó, rằng họ coi điều này là một mối đe dọa hiện hữu và vạch rõ các lằn ranh".
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, một trong những nhà phân tích chiến lược của Mỹ, từng đánh giá trong một bài bình luận năm 2014 rằng: "Ukraine không nên gia nhập NATO" bởi điều đó sẽ khiến Ukraine trở thành mặt trận cho cuộc đối đầu Đông - Tây. Ông cho rằng, việc coi Ukraine là một phần của cuộc đối đầu Đông - Tây sẽ hủy hoại bất kỳ triển vọng nào đưa Nga và phương Tây - đặc biệt là đưa Nga và châu Âu, vào một hệ thống quốc tế mang tính hợp tác trong hàng thập kỷ".
Trước đó, ngày 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định rằng việc Ukraine gia nhập NATO sẽ làm mối đe dọa an ninh của Nga tăng đáng kể.
"Nếu Nga đối mặt với việc Ukraine gia nhập NATO, những mối đe dọa với đất nước chúng tôi sẽ tăng lên nhiều lần", ông Putin cho hay, đồng thời nhắc đến với nguyên tắc cuộc tấn công vào một thành viên là cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh. Tổng thống Putin cũng cho biết Nga đã yêu cầu NATO từ chối cho Ukraine gia nhập liên minh nhưng "không có câu trả lời nào cho câu hỏi của tôi về việc tại sao liên minh này lại làm như vậy".
Bên cạnh đó, như Tổng thống Putin đã nhiều lần khằng định, Ukraine có lịch sử và văn hóa gắn kết với Nga, rằng người dân Nga và người dân Ukraine là "một dân tộc".
Trên thực tế, triển vọng để Ukraine gia nhập NATO trong tương lai gần là điều hoàn toàn bất khả thi.
Mặc dù các nhà lãnh đạo Mỹ và NATO đã ký tuyên bố năm 2008 thông qua Kế hoạch Hành động Thành viên cho Ukraine và Gruzia - một phần của lộ trình trở thành thành viên chính thức, nhưng Đức và Pháp đã phản đối mạnh mẽ việc đưa Ukraine vào liên minh này và phần lớn quan điểm trong NATO là Ukraine sẽ phải hoàn thành những cải cách chính phủ, vốn còn lâu mới đạt được, để trở thành thành viên trong liên minh.
Bên cạnh dó, giữa bối cảnh xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, ngay cả khi cánh cửa NATO "vẫn mở" thì Ukraine cũng không dễ để sớm bước vào.
Ukraine trung lập?
Nga và Ukraine đã tổ chức 2 vòng đàm phán nhằm ngăn chặn cuộc chiến leo thang. Vòng đàm phán thứ ba dự kiến sẽ bắt đầu vào 15h ngày 7/3 (giờ Moscow). Trước đó, phía Nga cảnh báo Ukraine phải nhanh chóng chấp nhận yêu cầu của Nga về việc "phi quân sự hóa" và tự tuyên bố trung lập. Yêu cầu mang tính nguyên tắc của Tổng thống Putin về một Ukraine trung lập hoàn toàn bao gồm: không gia nhập NATO, không sở hữu vũ khí hay đặt các căn cứ quân sự của nước ngoài có thể đe dọa trực tiếp đến an ninh, sự ổn định và chủ quyền của Nga.
Học giả Dmitry Skorobutov chuyên nghiên cứu về quan hệ quốc tế và các vấn đề liên quan đến Nga cho rằng, mô hình tốt nhất cho Ukraine là Phần Lan - một quốc gia từng thuộc Đế chế Nga với lập trường trung lập kéo dài hơn 75 năm.
Học giả Mike Sweeney tại tổ chức Các Ưu tiên Quốc phòng Mỹ cũng nhận định, vị trí đặc biệt của Ukraine khiến nước này phải tìm kiếm một hướng tiếp cận thừa nhận những hạn chế đó và cân bằng trong mối quan hệ giữa Nga và phương Tây. Theo học giả này, đây sẽ là con đường khó khăn cho Ukraine nhưng lựa chọn từ bỏ tư cách thành viên NATO có thể dẫn đến những cuộc đối thoại mang tính xây dựng hơn trong nước này về việc xác định lập trường của mình theo một số mô hình như không liên minh về quân sự và chính trị.
End of content
Không có tin nào tiếp theo