Thông thường sau quá trình hiện đại hóa, số lượng máy bay chiến đấu của một quốc gia sẽ bị sụt giảm đi ít nhiều, nhưng đối với Nhật Bản thì tình trạng ngược lại hoàn toàn.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản vừa công bố bản kế hoạch đầy tham vọng nhằm hiện đại hóa và mở rộng lực lượng tác chiến trên không để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của chiến tranh hiện đại.
Có một điều đáng ngạc nhiên là mặc dù được đánh giá nằm trong danh sách những lực lượng không quân hiện đại hàng đầu thế giới nhưng Nhật Bản vẫn duy trì số lượng khá lớn tiêm kích F-4EJ Phantom II đã cao tuổi.
Mặc dù đã nâng cấp chúng bằng các thiết bị điện tử hàng không của tiêm kích thế hệ 4 nhưng nhìn chung các máy bay F-4 này đã hết tiềm năng khai thác và sẽ là đối tượng bị thay thế đầu tiên.
Cụ thể, toàn bộ 34 chiến đấu cơ F-4Ẹ lạc hậu sẽ được thay thế hoàn toàn bằng 42 tiêm kích thế hệ 5 F-35A Lightning II tối tân do Nhật Bản tự lắp ráp trong nước.
Tiêm kích hạng nặng F-15J được Nhật Bản chế tạo theo giấy phép của Boeing cũng là chủng loại chiến đấu cơ thu hút nhiều sự quan tâm của truyền thông quốc tế.
Theo thông báo, 102 chiếc F-15J có khả năng hiện đại hóa sẽ được nâng cấp để tiếp tục sử dụng, tính năng kỹ chiến thuật của chúng sau hiện đại hóa sẽ sánh nang phiên bản F-15SE Silent Eagle của Mỹ.
Bên cạnh đó 99 chiếc, F-15J khác không có tiềm năng nâng cấp sẽ được thay thế bằng 105 tiêm kích F-35A/B, Tokyo có thể sẽ bán rẻ các máy bay này cho đối tác tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trường hợp 91 tiêm kích hạng nhẹ Mitsubishi F-2 của Nhật Bản cũng khá đặc biệt, ban đầu có dự đoán cho rằng chúng sẽ được thay thế bởi chiếc F-35A Lightning II.
Tuy nhiên sau cùng Tokyo lại quyết định thay thế chúng bằng 90 tiêm kích tàng hình hạng nhẹ do nước này đang phát triển, qua đây cũng có thể nhận thấy quyết tâm của họ dành cho dự án tham vọng trên.
Tổng số lượng chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 F-35 Lightning II mà Nhật Bản sẽ mua sắm trong giai đoạn trước mắt đã lên tới con số 147, bao gồm cả 42 chiếc F-35B phiên bản cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL).
Như vậy sau khi hoàn thành quá trình hiện đại hóa thì quy mô cũng như chất lượng của không quân Nhật Bản đều sẽ gia tăng vượt bậc so với thời điểm hiện nay.
Động thái trên của Tokyo chắc chắn sẽ khiến cho Bắc Kinh phải "giật mình" vì họ thừa hiểu rằng đối tượng tác chiến chính của không quân Nhật Bản chính là bản thân mình.
Bên cạnh Trung Quốc, dự án hiện đại hóa không quân được Nhật Bản thực hiện còn có mục đích khác là răn đe Triều Tiên, nhất là khi Bình Nhưỡng đang triển khai nhiều chính sách ngày càng cứng rắn.
Nhiều chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá khi "người khổng lồ quân sự" Nhật Bản quay lại thì khác với thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai, môi trường an ninh và an toàn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ được bảo đảm hơn nhiều.
Theo Việt Dũng/An ninh Thủ đô
Theo Việt Dũng/An ninh Thủ đô