Quốc tế

Điểm mặt những máy bay không người lái ghê gớm nhất thế giới

Top những máy bay không người lái hàng đầu thế giới hiện nay do trang Army Technology xếp hạng, trong đó máy bay Mỹ chiếm số đông và Trung Quốc cũng đóng góp 1 cái tên.

TAI Anka: Máy bay bay không người lái (UAV) Anka được Lực lượng Không quân Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng kể từ năm 2017 nhằm đáp ứng các nhiệm vụ như trinh sát, giám sát và nhận diện mục tiêu. Anka có trọng lượng cất cánh tối đa (MTOW) là 1.600 kg, độ cao tối đa là hơn 9.000 mét và có thể hoạt động trong hơn 24 tiếng.

MQ-5B Hunter: Được thiết kế và phát triển bởi Northrop Grumman, máy bay không người lái đa nhiệm MQ-5B Hunter được sử dụng trong Không quân Mỹ trong 2 thập kỷ qua, đáp ứng mọi tiêu chuẩn của Bộ Quốc phòng nước này. Máy bay MQ-5B có thể mang nhiều loại cảm biến khác nhau như quang điện, hồng ngoại và hệ thống truyền thông tin, bên cạnh các vũ khí bên ngoài như đạn dẫn đường bằng laser Northrop Grumman Viper Strike. Trọng lượng cất cánh tối đa của MQ5B là 884,5 kg, độ cao tối đa là 5.500 mét và bay được trong 21 tiếng.

CAIG Wing Loong II: Máy bay không người lái Wing Loong II được thiết kế và phát triển bởi Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC). Thời gian hoạt động của Wing Loong II ở độ cao trung bình là 32 tiếng với trọng lượng cất cánh tối đa là 4.200 kg và độ cao tối đa là gần 10.000 mét.

MQ-1C Gray Eagle: Hệ thống máy bay không người lái MQ-1C Gray Eagle được phát triển như một phần trong kế hoạch hiện đại hóa Không quân Mỹ. MQ-1C Gray Eagle đáp ứng được các yêu cầu về trinh sát, giám sát và nhận diện mục tiêu. Máy bay không người lái này có thể mang theo 4 tên lửa Hellfire và có thể hoạt động trong thời gian 25 tiếng.

Yabhon United 40: Máy bay Yabhon United 40 MALE còn được biết tới là Smart Eye 2 hiện đang được Lực lượng Algeria sử dụng, là một UAV đa nhiệm có khả năng chở được khối lượng tối đa lên tới 1.000 kg, bao gồm các cảm biến, hệ thống giám sát, hệ thống radar tổng hợp (SAR) và thiết bị phát hiện tàu ngầm.

CH-5: UAV CH-5 còn được gọi là UAV Rainbow (Cầu vồng) do Tập đoàn Công nghệ và Khoa học Không gian vũ trụ Trung Quốc sản xuất. Máy bay không người lái này có khả năng tiến hành các nhiệm vụ chiến đấu, trinh sát, giám sát, tuần tra và định vị mục tiêu. Trọng lượng cất cánh tối đa của nó là 3.300 kg và có thể hoạt động trong 60 tiếng.

Predator B (MQ-9 Reaper): Hệ thống máy bay không người lái Predator B đang phục vụ trong Không quân Mỹ, NATO, Không quân Hoàng gia Anh và các lực lượng Không quân Tây Ban Nha, Pháp và Italy. Predator B có thể đạt được độ cao tối đa là hơn 15.000 mét và hoạt động liên tục trong 27 tiếng.

MQ-9B SkyGuardian: Máy bay không người lái này sẽ được Không quân Hoàng gia Anh sử dụng như một phần trong chương trình Protector RG Mk1 vào năm 2020, được thiết kế nhằm đáp ứng với các yêu cầu bay chuẩn STANAG 4671 của NATO cũng như các tiêu chuẩn bay và thiết kế Def Stan 00-970 của Anh. UAV này có trọng lượng cất cánh tối đa là 5.670 kg và có thể mang được bom dẫn đường bằng laser GBU-12 Paveway hoặc tên lửa AGM114 Hellfire.

Heron TP: Heron TP còn được biết tới là Eitan là một máy bay không người lái tích hợp tính năng cất/hạ cánh tự động (ATOL) do quân đội Israel thiết kế và phát triển. Trọng lượng cất cánh tối đa của Heron TP là 5.670 kg và thời gian hoạt động của máy bay không người lái này là hơn 30 tiếng.

Predator C Avenger: Trọng lượng cất cánh tối đa của máy bay không người lái này là 8.255 kg. Predator C Avenger có thể chở được nhiều loại vũ khí khác nhau như tên lửa Hellfire và các loại bom dẫn đường bằng laser. Máy bay Predator C Avenger có khả năng bay ở độ cao lên tới hơn 15.000 mét và hoạt động liên tục trong 20 tiếng.

Theo Kiều Anh/Zing
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo