Quốc tế

Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 13/7

Dưới đây là một số diễn biến quan trọng liên quan đến tình hình chiến sự ở Ukraine ngày 13/7.

Máy bay ném bom Tu-160M ​​hiện đại hóa của Nga bắt đầu thử nghiệm / Nga sử dụng đạn thông minh Krasnopol-M2 trong cuộc xung đột

Nga tuyên bố đánh chặn 4 tên lửa Storm Shadow ở Ukraine. Lực lượng phòng không Nga đã đánh chặn 4 tên lửa hành trình Storm Shadow và phá hủy 15 máy bay không người lái (UAV) của Ukraine trong 24 giờ, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết ngày 12/7.
“Trong khoảng thời gian 24 giờ qua, lực lượng phòng không Nga đã đánh chặn 4 tên lửa hành trình Storm Shadow. Ngoài ra, họ cũng đã phá hủy 15 UAV của Ukraine ở Zaporizhzhia, Cộng hòa Nhân dân Donetsk, Cộng hòa Nhân dân Lugansk, Kharkiv và Kherson”, Trung tướng Konashenkov cho biết.
Binh sỹ Ukraine bắn rocket về phía Bakhmut trong một chiến dịch ban đêm. Ảnh: NY Times.

Binh sỹ Ukraine bắn rocket về phía Bakhmut trong một chiến dịch ban đêm. Ảnh: NY Times.

Nga phá hủy một kho đạn của Ukraine ở khu vực Zaporizhzhia. “Gần khu định cư Malaya Tokmachka ở vùng Zaporizhzhia, một kho đạn dược của lữ đoàn cơ giới số 33 của quân đội Ukraine đã bị phá hủy”, ông Konashenkov nói.
Ngoài ra, Nga đã bắn hạ một trực thăng Mi-24 của Ukraine tại DPR trong ngày 12/7. “Máy bay chiến đấu của Lực lượng hàng không vũ trụ Nga đã bắn hạ một trực thăng Mi-24 của Không quân Ukraine ở khu vực định cư Cherevkovka thuộc Cộng hòa Nhân dân Donetsk”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga cho hay.
Tập đoàn Wagner giao nộp vũ khí hạng nặng. Công ty quân sự tư nhân Wagner đã giao nộp hơn 2.000 thiết bị quân sự cho Bộ Quốc phòng Nga. Quá trình chuyển giao đang diễn ra “theo đúng kế hoạch” và sắp hoàn tất.
Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các vũ khí mà Wagner giao nộp bao gồm hàng trăm vũ khí hạng nặng, trong đó có xe tăng chiến đấu chủ lực các loại, hệ thống phóng tên lửa đa nòng, pháo tự hành và pháo kéo, hệ thống phòng không và các phương tiện chiến đấu khác. Số thiết bị nói trên hiện đang được chuyển đến các địa điểm ở hậu phương để bảo trì. Sau đó, chúng sẽ được chuyển giao cho các đơn vị quân đội Nga để “sử dụng đúng mục đích”.
Liên minh phương Tây ký hiệp ước huấn luyện phi công Ukraine lái F-16. Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Romania, tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Litva, 11 nước đã ký Tuyên bố chung về việc chính thức hóa liên minh huấn luyện lực lượng không quân Ukraine vận hành máy bay F-16. Liên minh bao gồm Bỉ, Canada, Đan Mạch, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Thụy Điển và Vương quốc Anh.
Tham gia chương trình đào tạo có các phi công, kỹ thuật viên và nhân viên hỗ trợ Ukraine. Một số loại máy bay chiến đấu khác cũng có thể được đưa vào chương trình.
Nga: NATO đã quay trở lại các kế hoạch thời Chiến tranh Lạnh. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Nga ngay 12/7, kết quả của Hội nghị thượng đỉnh NATO chứng minh rằng, tổ chức cuối cùng đã quay trở lại các kế hoạch của Chiến tranh Lạnh, trên cơ sở hệ tư tưởng phân chia thế giới thành các nền dân chủ và chuyên quyền.
Kết quả của hội nghị sẽ được phân tích cẩn thận, cân nhắc các thách thức và mối đe dọa đã xác định đối với an ninh và lợi ích của Nga để phản ứng kịp thời và phù hợp bằng mọi phương tiện và phương pháp hiện có. Ngoài các quyết định đã đưa ra, Nga sẽ tiếp tục củng cố tổ chức quân sự và hệ thống phòng thủ của đất nước”.
Phản ứng của Nga trước việc G7, NATO cam kết hỗ trợ lâu dài cho Ukraine. Sau Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) đã thông qua tuyên bố chung với các đảm bảo an ninh lâu dài cho Ukraine.
Thư ký báo chí Tổng thống Nga Dmitry Peskov tuyên bố, "bằng cách cung cấp bất kỳ đảm bảo an ninh nào cho Ukraine, các quốc gia này thực sự đang phớt lờ nguyên tắc quốc tế về tính không thể chia cắt của an ninh. Tức là bằng cách cung cấp các đảm bảo an ninh cho Ukraine, họ xâm phạm an ninh của Liên bang Nga". Ông lưu ý rằng, quyết định này có thể gây ra "những hậu quả rất, rất tiêu cực trong trung, dài hạn và thậm chí là ngắn hạn"
Thủ tướng Hungary: Cần hòa bình hơn là chuyển giao vũ khí cho Ukraine. Phát biểu tại thủ đô của Litva, Thủ tướng Viktor Orbán nhấn mạnh cuộc chiến Nga-Ukraine là chủ đề quan trọng nhất trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh NATO kéo dài hai ngày tại thủ đô Lithuania.
Ông khẳng định lập trường mạnh mẽ của Hungary đó là vấn đề hòa bình chứ không phải chuyển giao vũ khí cho Ukraine. Trao đổi với các nhà lãnh đạo NATO, Thủ tướng Viktor Orbán kêu gọi ngừng bắn và nhanh chóng triển khai các cuộc đàm phán hòa bình.
Nga cảnh báo hoạt động của F-16 ở Ukraine sẽ là mối đe dọa hạt nhân. Trả lời phỏng vấn nhật báo Nga Lenta.ru, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, việc Ukraine sử dụng máy bay chiến đấu F-16 có khả năng mang vũ khí hạt nhân sẽ bị Nga coi là mối đe dọa của phương Tây trong lĩnh vực hạt nhân.
“Trong quá trình tác chiến, quân đội của chúng tôi sẽ không thể biết rõ liệu từng máy bay chiến đấu cụ thể có được trang bị vũ khí hạt nhân hay không. Chúng tôi sẽ coi việc lực lượng vũ trang Ukraine có những hệ thống như vậy là mối đe dọa từ phương Tây trong lĩnh vực hạt nhân”, Ngoại trưởng Nga cho hay. Ông cũng lưu ý rằng “Mỹ và đồng minh NATO đang tạo ra nguy cơ xung đột vũ trang trực tiếp với Nga, và điều này sẽ gây ra nhiều hậu quả thảm khốc”.
Hạm đội Biển Đen của Nga nhận tàu hộ vệ tên lửa mới nhất. Tàu hộ vệ tên lửa mới nhất thuộc Đề án 22800 lớp Karakurt Tsiklon đã chính thức gia nhập Hải quân Nga. Buổi lễ bàn giao chính thức đã diễn ra ngày 12/7 tại Nhà máy đóng tàu Zaliv ở thành phố Kerch, phía Đông bán đảo Crimea dưới sự chỉ đạo của Tổng tư lệnh Hải quân Nga, Đô Đốc Nikolay Yevmenov.
Ông Pyotr Grudkov, Nhà nghiên cứu tại KBP của Nga cho biết, tàu Tsiklon được chế tạo, xây dựng và thử nghiệm phù hợp với yêu cầu của chiến dịch quân sự đặc biệt. Hệ thống Pantsir-M lắp đặt trên tàu có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết và chống lại mọi loại vật thể tốc độ cao cỡ nhỏ - có thể là UAV Bayraktar, tàu không người lái trên mặt nước hoặc tên lửa chống hạm.
Giao tranh tăng nhiệt, Nga ồ ạt tập kích các mục tiêu Ukraine trên Đảo Rắn. Trong bản cập nhật về tình hình chiến sự, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, trong 24 giờ qua, quân đội Nga đã đẩy lùi một số cuộc tấn công của Ukraine ở các hướng Kupiansk, Lyman, Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson.
Đáng chú ý, các lực lượng Nga đã thực hiện cuộc tấn công lớn vào các mục tiêu trên đảo Rắn ở Biển Đen. Theo trang tin avia.pro. Đây là lần đầu tiên Nga quay trở lại tấn công hòn đảo này sau một thời gian dài, kể từ khi rút quân vào tháng 6/2022. Truyền thông Ukraine cho biết, hòn đảo đã bị máy bay chiến đấu và máy bay không người lái của Nga tấn công. Hai cuộc tấn công cách nhau chỉ trong vòng vài giờ. Điều này cho thấy phía Nga dường như đã phát hiện ra một số hoạt động quân sự của Ukraine trên hòn đảo này. Theo Avia.pro, Ukraine có khả năng triển khai các trạm radar thụ động trên đảo.
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm