Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 28/6
Dưới đây là những diễn biến chính đáng lưu ý trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 28/6/2023.
Tuần dương hạm hạt nhân Đô đốc Nakhimov sắp trở lại trực chiến / Tuyên bố của SIPRI khiến thế giới bất an
Nga và Ukraine cận chiến ác liệt, giành giật từng chiến hào ở miền Đông: Ukraine ngày 27/6 công bố video cho thấy các lực lượng nước này đã giành quyền kiểm soát cứ điểm của Nga sau khi đẩy lùi cuộc tấn công bằng pháo binh của đối phương gần Bakhmut.
Đơn vị vận hành máy bay không người lái Sirko thuộc Lữ đoàn phòng thủ lãnh thổ 127 cho biết, các binh sĩ của họ đã chiếm được các vị trí của Nga ở làng Orikhovo-Vasylivka (Donetsk).
Hỏa lực lính dù Nga trên chiến trường Ukraine. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.
Binh sĩ Ukraine sử dụng UAV thương mại thả lựu đạn vào mục tiêu: Các binh sĩ Ukraine đã tiến hành huấn luyện thả lựu đạn vào mục tiêu bằng máy bay không người lái thương mại tại một địa điểm không được tiết lộ ở khu vực Donetsk, miền Đông nước này.
Theo Reuters, loại máy bay không người lái được sử dụng là Mavic 3 Pro do Trung Quốc sản xuất.
Mỹ tiếp tục viện trợ vũ khí và thiết bị quân sự trị giá 500 triệu USD cho Ukraine: Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 27/6 đã công bố gói viện trợ vũ khí và thiết bị quân sự mới trị giá nửa tỷ USD cho Ukraine.
Gói viện trợ an ninh mới của Mỹ nhằm trợ giúp chiến dịch phản công của Ukraine với các thiết bị quân sự nhằm đáp ứng nhu cầu của Ukraine trên chiến trường. Gói viện trợ này bao gồm các loại xe bọc thép, đạn cho hệ thống phòng không, các hệ thống phóng tên lửa đa nòng, vũ khí chống tăng, tên lửa chống radar, và các nguồn lực thiết yếu khác nhằm tăng cường khả năng chiến đấu của các lực lượng Ukraine.
Litva mua 2 hệ thống phòng không NASAMS cho Ukraine: Ngày 28/6, Bộ Quốc phòng Litva thông báo, nước này đã mua hai bệ phóng phòng không NASAMS cho Ukraine với giá 9,8 triệu euro (10,7 triệu USD), và sẽ giao chúng cho Kiev trong vòng 3 tháng.
“Các bệ phóng NASAMS sẽ được chuyển đến Ukraine trong tương lai gần”, Tổng thống Litva Gitanas Nauseda, người đang có chuyến thăm Ukraine, cho biết.
Ông Nauseda cho biết thêm, hợp đồng mua bệ phóng NASAMS đã được ký kết ngày 27/6 giữa Litva, Na Uy và Công ty Kongsberg của Na Uy.
Politico: Ukraine giải thích lý do tiến độ phản công chậm: Giới chức Ukraine cho rằng khả năng của lực lượng phòng không, các bãi mìn và thời tiết xấu đã cản trở bước tiến của quân đội nước này trên chiến trường.
Politico dẫn nguồn tin cho biết, các quan chức Ukraine nhấn mạnh rằng họ mong muốn chiến dịch phản công có thể tiến triển nhanh hơn, nhưng các yếu tố như hiệu quả của máy bay Nga, các bãi mìn và thời tiết xấu đã khiến lực lượng vũ trang của họ không đạt được tiến bộ đáng kể.
Quốc gia châu Âu thừa nhận chiến thắng của Ukraine là "bất khả thi": Ý tưởng sự hỗ trợ quân sự phương Tây sẽ giúp Ukraine đánh bại Nga trên chiến trường là sai lầm căn bản, Thủ tướng Hungary Viktor Orban nhận định.
"Tôi đang đứng trên lập trường thực tế. Thực tế là bản chất sự hợp tác giữa Ukraine và phương Tây là một sự thất bại", ông Orban cho hay trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Bild của Đức ngày 27/6.
Đề xuất rằng vũ khí, tài chính và thông tin tình báo mà Mỹ và EU cung cấp cho Ukraine sẽ đưa Kiev tới chiến thắng "là một sự hiểu sai về tình hình. Điều đó là bất khả thi", Thủ tướng Hungary đánh giá.
Tổng thư ký Stoltenberg: NATO không nên đánh giá thấp Nga: Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg vừa tuyên bố hôm 27/6 rằng khối quân sự này không nên đánh giá thấp Nga sau các sự kiện vừa xảy ra vào cuối tuần qua.
Tuyên bố trên được ông Stoltenberg đưa ra sau cuộc họp với lãnh đạo một số nước thành viên NATO ở La Hay (Hà Lan).
Ukraine gia nhập NATO là "lằn ranh đỏ" đậm nhất đối với Tổng thống Putin: Một quan chức hàng đầu của chính phủ Ukraine cho biết, đất nước của ông cần trở thành thành viên NATO, ngay cả khi điều này sẽ chạm tới “lằn ranh đỏ” đậm nhất đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Theo tờ European Pravda đưa tin hôm 27/6, Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Yevhen Perebyinis đã đưa ra tuyên bố này tại một hội nghị ở Ukraine, tập trung vào các vấn đề của Kiev có thể được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới của NATO.
Mỹ công bố các lệnh trừng phạt nhắm tới tập đoàn lính đánh thuê Wagner của Nga: Mỹ ngày 27/6 đã công bố các biện pháp trừng phạt nhắm tới tập đoàn lính đánh thuê Wagner của Nga và người đứng đầu tập đoàn này, ông Yevgeny Prigozhin. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm ngăn chặn kế hoạch đổi vàng lấy tiền nhằm cung cấp tài chính cho tập đoàn quân sự Wagner ở châu Phi và Trung Đông.
Thông báo của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, các biện pháp trừng phạt mới được công bố nhắm tới một mạng lưới các công ty khai thác và bán vàng, khoáng chất, và các loại đá quý từ các nước châu Phi - nơi Tập đoàn Wagner đang hoạt động. Các lệnh trừng phạt nhằm ngăn chặn nguồn tài chính cho các hoạt động quân sự của tập đoàn này ở Ukraine và châu Phi, qua đó, làm giàu cho thủ lĩnh của tập đoàn này là ông Yevgeny Prigozhin.
Cuộc nổi loạn của Wagner đã chấm dứt thế nào qua tiết lộ của Tổng thống Belarus: Belarus đã sẵn sàng gửi một lữ đoàn quân sự để giúp bảo vệ Moscow, Tổng thống Alexander Lukashenko tiết lộ.
Nga đã tập trung khoảng 10.000 quân để đẩy lùi cuộc hành quân của lực lượng quân sự tư nhân Wagner vào Moscow cuối tuần trước, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ngày 27/6 cho biết. Belarus cũng đã sẵn sàng gửi lực lượng tới Nga.
Người dân Nga vẫn ủng hộ Tổng thống Putin ở mức cao sau vụ Wagner: Nước Nga vẫn mạnh mẽ và sự ủng hộ của người dân Nga (lên tới hơn 79%) đối với Tổng thống Putin ngày càng được củng cố.
Đây là nhận định chung của dư luận Nga trước những nhận xét, bình luận gay gắt của phương Tây nhằm vào nước Nga và cá nhân Tổng thống Nga Putin, sau vụ bạo động do các thành viên của tập đoàn quân sự tư nhân Wagner thực hiện. Theo đánh giá của giới phân tích, chính sự ủng hộ của dư luận dành cho Tổng thống Nga và cách điều hành đất nước của ông được xem là bệ đỡ để nước Nga vượt qua các sóng gió.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo