Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 4/8
Dưới đây là những diễn biến chính đáng lưu ý trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 4/8/2023.
Cựu cố vấn của ông Trump nói về khả năng Mỹ rút khỏi NATO / G20 kêu gọi gây áp lực để Nga quay trở lại thỏa thuận ngũ cốc
Ukraine thừa nhận gặp khó khăn trên nhiều mặt trận: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 3/8 thừa nhận quân đội nước này đối mặt với nhiều khó khăn trên các mặt trận phía Đông và Nam.
Lính Ukraine ở Tây Bakhmut. Ảnh: Nytimes.
Trong một phát biểu ngày 3/8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Nga đang tấn công toàn tuyến miền Đông trong khi giao tranh ở miền Nam vẫn diễn ra khốc liệt.
Phía Nga đang dồn lực để ngăn chặn đà tiến công của lực lượng Ukraine. Ông Zelensky thừa nhận, tình hình ở các hướng Kupiansk, Lyman, Bakhmut, Maryinka, Avdiivka và hướng Nam đều rất khó khăn.
Nga chặn đứng cuộc tấn công vào căn cứ hải quân ở Novorossiysk: Ngày 4/8, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Ukraine tấn công một căn cứ hải quân của Nga ở thành phố Novorossiysk bằng 2 xuồng không người lái. Các phương tiện này đã bị các tàu tuần tra của Moscow phát hiện và phá hủy.
"Lực lượng vũ trang Ukraine đã cố tấn công căn cứ hải quân Novorossiysk bằng 2 xuồng không người lái", Bộ Quốc phòng Nga thông báo, đồng thời xác nhận các phương tiện này đã "bị phát hiện và phá hủy bởi hỏa lực từ các vũ khí tiêu chuẩn trang bị trên tàu Nga để phòng vệ trước các cuộc tấn công từ bên ngoài vào căn cứ hải quân".
Yếu tố giúp phòng tuyến kiên cố của Nga ngày càng mạnh hơn: Phòng tuyến vốn đã vững chắc của Nga ở Ukraine ngày càng trở nên mạnh hơn nhờ sự phát triển của cây cối khi mùa hè đến. Chúng tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng của Moscow ẩn nấp và ngụy trang, tình báo Anh cho hay ngày 3/8.
Theo cập nhật tình báo của Bộ Quốc phòng Anh: "Dưới điều kiện thời tiết ấm áp của mùa hè, hạt giống và cây bụi đã phát triển tại vùng đất nằm trong vùng chiến sự bị bỏ hoang 18 tháng qua". Cơ quan này cho rằng: "Lớp bảo vệ này giúp ngụy trang các vị trí phòng thủ của Nga và khiến việc dọn sạch các bãi mìn trở nên khó khăn hơn".
Đức từ chối cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine: Nhà chức trách Đức ngày 3/8 tiếp tục khẳng định sẽ không cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine do lo ngại xung đột Nga - Ukraine leo thang.
Phát biểu trong chuyến đi thăm một căn cứ tại bang Bavaria ở miền Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius bày tỏ sự thận trọng trước các đề nghị cung cấp tên lửa hành trình cho Ukraine và cho biết vấn đề này không nằm trong các ưu tiên của Đức. Đức hiện sở hữu tên lửa hành trình không đối đất Taurus với tầm bắn lên tới hơn 500km.
Nga có thêm 230.000 người đăng ký nhập ngũ: Theo hồ sơ của Bộ Quốc phòng Nga, kể từ đầu năm 2023 cho đến nay đã có thêm 230.000 công dân nước này đăng ký nhập ngũ.
Thông tin trên được Phó Chủ tịch hội đồng an ninh quốc gia Nga Dmitry Medvedev đưa ra trong một cuộc họp tại Moscow vào ngày 3/8, khi nhắc đến hoạt động tuyển quân của Bộ Quốc phòng Nga.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga thị sát vùng chiến sự ở Ukraine: Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 4/8 đã thị sát một sở chỉ huy và gặp gỡ các sĩ quan quân đội cấp cao tại khu vực chiến sự ở Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 4/8 đăng tải video Bộ trưởng Shoigu lên trực thăng tới thăm một khu vực chiến sự ở Ukraine, thị sát một sở chỉ huy và gặp gỡ các sĩ quan quân đội cấp cao. Thông báo của Bộ Quốc phòng Nga không đề cập đến thời điểm chuyến thăm diễn ra.
Nga nhận được 30 sáng kiến hòa bình cho việc giải quyết xung đột Ukraine: Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga cho hay, Nga đã nhận được khoảng 30 sáng kiến hòa bình để giải quyết xung đột Ukraine thông qua các kênh chính thức và phi chính thức.
Nhà ngoại giao Nga Maria Zakharova phát biểu bên lề thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ 2: "Chúng tôi biết ơn mọi người. Có nhiều sáng kiến như vậy. Cách đây một tháng đã có khoảng 30 sáng kiến do các nhân vật của công chúng đưa ra qua các kênh nhà nước hoặc thậm chí qua cả các cách thức cá nhân".
Các nước Baltic sẽ ngắt kết nối với lưới điện của Nga sớm hơn dự kiến: Các nước Baltic đã đồng ý ngắt kết nối với lưới điện của Nga, tăng tốc độ hội nhập vào hệ thống điện của Liên minh châu Âu sớm hơn gần 1 năm so với dự kiến.
Các nước Baltic (gồm Estonia, Latvia và Litva) sẽ cùng rút khỏi hợp đồng mua điện với Nga vào mùa hè năm 2024, nửa năm trước khi đồng bộ hóa với hệ thống của EU.
Nga phạt Apple vì nội dung 'không chính xác' về xung đột Ukraine: Một tòa án ở Nga đã phạt Apple 400.000 rúp (4.274 USD) hôm 3/8 vì không xóa nội dung “sai lệch” về xung đột ở Ukraine trên các ứng dụng và podcast.
Theo hãng thông tấn TASS, đây là lần đầu tiên Apple bị phạt vì vi phạm này. Hãng thông tấn Interfax cho biết gã khổng lồ công nghệ bị phạt là do không xóa các ứng dụng và podcast chứa thông tin không chính xác về cuộc xung đột ở Ukraine.
Interfax dẫn lời tòa án, cho biết nội dung vi phạm của Apple là "lôi kéo trẻ vị thành niên vào các hoạt động bất hợp pháp nhằm gây ra tình hình bất ổn chính trị ở Liên bang Nga".
Ba Lan cảnh báo Wagner gây bất ổn ở sườn Đông NATO: Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki ngày 3/8 cảnh báo, lực lượng quân sự tư nhân Wagner của Nga sau khi đến Belarus có thể sẽ tìm cách gây bất ổn ở sườn phía Đông NATO.
Phát biểu tại họp báo chung với Tổng thống Litva Gitanas Nausea tại Suwalki Gap ngày 3/8, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nói rằng, các đơn vị của Wagner đã được triển khai tới sườn phía Đông của NATO để gây bất ổn.
EU kêu gọi G20 gây áp lực để Nga quay trở lại thoả thuận ngũ cốc: Người đứng đầu chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell, kêu gọi các quốc gia G20 thuyết phục Tổng thống Putin quay trở lại thoả thuận ngũ cốc.
Theo Guardian, ông Josep Borrell đã viết thư cho các bộ trưởng G20 kêu gọi họ giúp Brussels thuyết phục Tổng thống Nga mở lại con đường xuất khẩu ngũ cốc chính của Ukraine sang các nước ở châu Phi và Trung Đông.
Nguy cơ mất an ninh lương thực toàn cầu do xung đột đang leo thang: Tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu ngày càng nguy hiểm, nguy cơ sắp diễn ra một cuộc khủng hoảng mới đe dọa các nhóm dân số dễ tổn thương. Thông tin được đưa ra tại phiên họp cấp cao hôm 3/8 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Trước nguy cơ khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhất trí đặt tình trạng mất an ninh lương thực và nạn đói do xung đột gây ra làm trung tâm chương trình nghị sự của mình.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo