Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 7/7
24 giờ qua ghi nhận nhiều diễn biến quan trọng liên quan đến xung đột tại Ukraine, trong đó đáng chú ý là việc Nga và Mỹ bí mật trao đổi để tìm cách chấm dứt xung đột Ukraine và phản ứng của Nga khi Mỹ định gửi bom chùm cho Ukraine.
Nhà báo Mỹ nêu lý do Ukraine sẽ không được chấp nhận vào NATO / EU lên kế hoạch đưa ra luật tăng sản lượng đạn dược
Lựu pháo Ukraine dội mưa hỏa lực vào cứ điểm của Nga gần Bakhmut: Reuters dẫn nguồn tin từ Ukraine ngày 6/7, Lữ đoàn cơ giới số 57 của lực lượng này đã sử dụng các loại pháo theo tiêu chuẩn NATO, pháo do Ukraine sản xuất và các loại pháo có từ thời Liên Xô để bắn vào cứ điểm của Nga gần Bakhmut.
Các binh sĩ Ukraine từ Lữ đoàn 68 đã bắn vào các vị trí của Nga vào tuần trước gần làng Prechystivka ở miền Đông Ukraine. Ảnh: New York Times.
Chỉ huy đơn vị pháo binh của Ukraine, có biệt danh “Spets” cho biết: “Đôi khi chúng tôi bắn 40 quả đạn pháo trong vòng vài giờ. Chúng tôi thực hiện nhiệm vụ và chỉ bắn vào những mục tiêu nằm trong kế hoạch. Việc sử dụng ít hay nhiều đạn pháo phụ thuộc vào những gì xảy ra ở tiền tuyến”.
Còn Dmytro – một chỉ huy khác của đơn vị pháo tự hành Bohdana cho biết: “Từ nơi đồn trú ở đây, chúng tôi thậm chí có thể tiếp cận các mục tiêu xa hơn nhiều so với Bakhmut. Lợi thế lớn nhất của lựu pháo Bohdana, bắn đạn cỡ 155 ly là có tầm bắn xa”.
Nga "mổ" tên lửa Storm Shadow của Anh để tìm cách khắc chế: Ngày 6/7, Nga cho biết đã thu giữ được một số phần nguyên vẹn của tên lửa Storm Shadow bị bắn hạ ở Zaporizhzhia, có thể giúp Moscow tìm hiểu kỹ hơn vũ khí do Anh sản xuất đang tấn công các lực lượng của nước này ở Ukraine.
"Tên lửa Storm Shadow bị lực lượng Nga bắn hạ ở khu vực Zaporizhzhia đã được đưa về Moscow để nghiên cứu", hãng thông tấn nhà nước Tass đưa tin.
Phương Tây hụt hơi trong hỗ trợ vũ khí giữa lúc Ukraine phản công: Các đợt vận chuyển vũ khí cho Ukraine từ các nhà cung cấp chủ chốt như Mỹ, Đức và Anh không đáp ứng các cam kết mà những nước này đưa ra, thậm chí cả khi các lực lượng của Kiev cần đến chúng.
Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel tại Đức: "Nhìn chung, chỉ hơn một nửa vũ khí hạng nặng đã cam kết được cung cấp". Báo cáo của nhóm nghiên cứu chiến lược (think tank) này cũng cho biết các cam kết hỗ trợ mới cho chính quyền Kiev đã giảm trong suốt giai đoạn từ 25/2 - 31/5 từ thời điểm báo cáo trước đó.
Hé lộ trao đổi bí mật giữa Nga và Mỹ để tìm cách chấm dứt xung đột Ukraine: Các cựu quan chức an ninh quốc gia Mỹ đã tổ chức các cuộc trao đổi bí mật với Nga, trong đó ít nhất một lần có sự tham gia của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, để thảo luận về khả năng đàm phán nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine.
NBC dẫn lời các quan chức cho biết những cuộc trao đổi cấp cao này diễn ra bí mật. Ông Lavrov được cho là đã gặp các cựu quan chức Mỹ một vài tiếng ở New York hồi tháng 4.
Nga: Các bên cần hành động có trách nhiệm để tránh thảm họa ở Ukraine: Chia sẻ với Newsweek, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov bác bỏ những bài báo cho rằng Moscow đang lên kế hoạch khiêu khích "cờ giả" ở nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu tại Ukraine và cáo buộc Kiev đang sử dụng lập luận này để kéo NATO vào một cuộc xung đột thảm khốc.
Với việc các quan chức Ukraine ngày càng thất vọng về nhịp độ phản công, Đại sứ Antonov kêu gọi các nước hỗ trợ Kiev cần ngăn cản leo thang căng thẳng.
Ông Zelensky bất đồng với Tổng thống Bulgaria về yêu cầu vũ khí: Tổng thống Bulgaria Rumen Radev đã tuyên bố với người đồng cấp Volodymyr Zelensky rằng Sofia không còn vũ khí dự trữ để cung cấp cho Kiev. Trong khi đó, ông Zelensky công kích ông Radev vì đã ủng hộ giải pháp ngoại giao trong cuộc xung đột hiện nay.
"Tôi không nhất trí cung cấp đạn dược, đặc biệt từ các nguồn dự trữ của Bulgaria. Tôi vẫn duy trì quan điểm cuộc xung đột này không nên sử dụng giải pháp quân sự và việc cung cấp ngày càng nhiều vũ khí sẽ không giải quyết được nó", ông Radev nói với ông Zelensky.
Tổng thống Ukraine đã phản đối việc ông Radev sử dụng từ "xung đột" mà thay vào đó cho rằng "đây hoàn toàn là một cuộc chiến tranh".
Phản ứng của Nga khi Mỹ định gửi bom chùm cho Ukraine: Kể từ khi xung đột nổ ra, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine nhiều loại vũ khí. Hiện tại, Mỹ đang lên kế hoạch gửi bom, đạn chùm cho Ukraine nhằm giúp Kiev đối phó với Nga trong cuộc phản công.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia cho biết, việc Mỹ cung cấp bom, đạn chùm cho Ukraine là một động thái làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng.
Nga - Ukraine tiến hành đợt trao đổi tù binh mới: Nga và Ukraine vừa tiến hành một đợt trao đổi tù binh mới. Thời gian qua hai bên định kỳ trao đổi các nhóm tù binh trong bối cảnh xung đột đã bước sang tháng thứ 17.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, 45 quân nhân Nga đã được trả về từ lãnh thổ do chính quyền Kiev kiểm soát. Về phía Ukraine, ông Andriy Yermak, Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine xác nhận, 45 binh sĩ Ukraine và 2 dân thường cũng vừa được phía Nga trao trả cho Ukraine. Đợt trao đổi tù binh lớn nhất giữa Nga và Ukraine diễn ra hồi tháng 9/2022, với tổng cộng gần 300 người ở cả hai bên được trả tự do.
Tướng Ukraine nói cuộc phản công diễn ra theo đúng kế hoạch: Tổng tư lệnh các Lực lượng Vũ trang Ukraine, Tướng Valerii Zaluzhnyi, nói với Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley rằng cuộc phản công của Ukraine đang diễn ra theo đúng kế hoạch.
Trong thông báo đăng tải trên Facebook ngày 6/7, ông Zaluzhnyi cho biết: “Tôi đã có cuộc điện đàm với Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Mark Milley và thông báo cho ông ấy về tình hình hoạt động ở tiền tuyến. Các binh sỹ Ukraine tiếp tục tiến hành các hành động tấn công tích cực”.
Nga ném bom phá hủy cứ điểm của Ukraine gần cầu Antonovsky: Trang tin Avia.pro của Nga vừa công bố video cho thấy, quân đội nước này đã tấn công và phá hủy cứ điểm của lực lượng vũ trang Ukraine gần cầu Antonovsky, ngăn chặn cuộc tấn công của đối phương ở Kherson.
Sau khi quân đội Ukraine đổ bộ lên tả ngạn sông Dnieper và chiếm các vị trí phòng thủ dưới cầu Antonovsky, lực lượng không quân Nga đã tiến hành nhiều cuộc ném bom vào khu vực mà Ukraine chiếm đóng.
Nga tố Ukraine lôi kéo các quốc gia khác vào cuộc xung đột: Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 7/7 cho rằng, nỗ lực của Ukraine nhằm đảm bảo có thêm viện trợ quân sự nước ngoài và khiến các quốc gia khác can dự trực tiếp vào cuộc xung đột, sẽ không thay đổi được kết quả cuối cùng của cuộc chiến.
Khi bình luận về chuyến thăm Bulgaria của Tổng thống Ukraine Zelensky, nhằm thảo luận về việc hỗ trợ an ninh dành cho Kiev, ông Dmitry Peskov nói rằng: “Chính phủ Ukraine đang cố gắng hết sức để lôi kéo ngày càng nhiều quốc gia can dự trực tiếp vào cuộc xung đột”. Theo ông Peskov, nhiều nước đã bị lôi kéo ngay từ đầu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo