Điều gì làm nên thương hiệu 'Thần Sấm' K9 Hàn Quốc?
Thần Sấm K9 Hàn Quốc - “Vua pháo binh Châu Á”
Từ năm 1989, Hàn Quốc bắt đầu nghiên cứu chế tạo pháo tự hành K9 Thunder (Thần Sấm) nhằm bổ sung và thay thế pháo tự hành K55 155mm (biến thể từ M109 của Mỹ) để đối đầu với giàn pháo đông đảo nhất thế giới của Triều Tiên. Yêu cầu đặt ra đối với K9 là tốc độ bắn nhanh, tầm bắn xa, độ chính xác cao, thời gian triển khai và thu hồi đội hình chiến đấu ngắn, hoạt động tốt trên những miền núi gồ ghề của khu phi quân sự với Triều Tiên. Năm 1998, dự án được nghiệm thu và năm 1999, K9 được sản xuất hàng loạt trang bị cho quân đội nước này.
K9 có trọng lượng 47-51,7 tấn (phiên bản T-155 Firtina của Thổ Nhĩ Kỳ nặng 56 tấn); dài 12m; rộng 3,4m; cao 2,73m; kíp xe năm người, gồm chỉ huy, lái xe, pháo thủ và hai nạp đạn viên. Toàn bộ khung gầm xe và tháp pháo được bọc giáp dày 19mm, có khả năng chống lại mảnh đạn pháo và súng máy hạng nặng cỡ nòng đến 14,5mm. Trang bị tiêu chuẩn bao gồm hệ thống bảo vệ chống vũ khí hủy diệt hàng loạt, hệ thống sưởi ấm, thông tin liên lạc, hệ thống báo cháy và các thiết bị nhìn đêm.K9 do công ty Samsung Techwin sản xuất, sử dụng khung gầm xe tăng M1 của Mỹ, động cơ diesel MTU 881 Ka-500 8 xi lanh, làm mát bằng nước, công suất 1.000 mã lực (735 kW) và hộp số tự động XI 100 4AZ với 4 số tiến và hai số lùi, cho phép xe pháo di chuyển trên đường nhựa với tốc độ tối đa 67 km/h, tầm hoạt động lên tới 480 km. Nhờ sử dụng hệ thống treo bằng dầu và khí nén, xe có khả năng cơ động cao và di chuyển rất êm. Đến nay, đã có hơn 1.100 khẩu K9 (trong tổng số 1.136 K9 và 179 xe tiếp đạn K10 đã đặt hàng) được cung cấp cho Lục quân và Thủy quân lục chiến Hàn Quốc, được bố trí gần khu phi quân sự hoặc các vùng giáp ranh với Triều Tiên.
K9 sử dụng pháo 155 mm L52, chiều dài nòng gấp 52 lần cỡ đạn; góc nâng hạ của pháo từ -2,5° đến +70° với tháp pháo xoay 360°. Nòng pháo có loa giảm giật nhằm hạn chế ảnh hưởng khi bắn đạn tăng tầm, giá đỡ nòng pháo khi xe di chuyển hay dừng nghỉ. Trên thân pháo chính có gắn thiết bị cảm biến để truyền thông tin sơ tốc đầu nòng đến máy tính. K-9 có cơ số đạn chiến đấu 46 viên, đạn được nạp tự động hoặc bằng tay. K9 có tầm bắn tối đa 40km với đạn thông thường, 56km với đạn tăng tầm ERFB-HE, và có thể bắn cả đạn pháo hạt nhân. K9 còn được trang bị một súng máy 12,7mm để đối phó với bộ binh hoặc trực thăng tầm thấp.
Ngoài 48 quả đạn pháo 155mm trong xe, trong chiến đấu K9, có thể được tiếp tế từ xe tiếp đạn tự hành K10 - được phát triển trên khung gầm K9 - tận dụng ưu thế về đảm bảo hậu cần trên chiến trường, lẫn tính kinh tế khi phát triển. Với cầu chuyền tải đạn độc đáo, kíp lái không phải ra ngoài mà vẫn chuyển được đạn dự trữ cho pháo, tăng khả năng sống sót cho pháo thủ. K10 có thể mang tối đa 140 đạn pháo các loại, tốc độ tiếp đạn 12 viên/phút. Hàn Quốc đang tích cực phát triển biến thể K9 với tháp pháo tự động, kíp chiến đấu giảm từ 5 xuống còn 2 người.
Tiền đề làm nên thương hiệu
K9 đã qua thực chiến trong Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ dưới phiên bản T155 Firtina ("Storm") trong cuộc tấn công xuyên biên giới nhằm vào lực lượng người Kurd ở Iraq năm 2007 và phiến quân IS trên khắp khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria (dù 3 pháo Firtinas đã bị các tay súng IS hạ gục tại Gaziantep bằng tên lửa chống tăng Metis, vào tháng 4/2016). K9 đã giúp tăng cường đáng kể sức mạnh của pháo binh Hàn Quốc, trong các cuộc đấu pháo giữa hai miền Triều Tiên những năm 2000 hầu như đều có sự góp mặt của K9 và nó thực sự là nỗi khiếp sợ trên chiến trường.
Với giá thành 10 triệu USD (kèm xe tiếp đạn K-10), 4-6 triệu USD chỉ riêng pháo, K9 đang là một trong những vũ khí đắt khách của Hàn Quốc nhờ các tính năng chiến-kỹ thuật đỉnh cao cũng như giá cả tương đối hợp lý. Năm 2004, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận lô K9 và giấy phép sản xuất tại nhà máy trong nước (T-155 Firtina), với kinh phí lên tới tới 1 tỷ USD. Hiện nước này sở hữu ít nhất 300 chiếc T155 và đã xuất khẩu 36 chiếc sang Azerbaijan - nơi chúng được sử dụng trong cuộc chiến với Armenia.
K9 đã vượt qua đối thủ pháo tự hành nâng cấp M109 do công ty RUAG của Thụy Sỹ và Panzerhaubitze 2000 của Đức chào hàng cho Na Uy - nước đã mua 24 K9 từ Hàn Quốc vào 2017 và có quyền mua bổ sung thêm 24 khẩu trong tương lai. Tháng 2/2017, Phần Lan mua 48 hệ thống K9. Ba Lan đang đầu tư vào một biến thể nội địa của K9 với tên gọi AHS Krab, sử dụng tháp pháo AS90M Braveheart (Anh) cho kế hoạch sở hữu 5 trung đoàn với tổng cộng 129 hệ thống Krab.
Trong các bài thử nghiệm hôm 30/9/2015 tại Ấn Độ, K9 của Hàn Quốc đã giành chiến thắng trước 2S19 MSTA-S trên khung gầm xe tăng T-72 của Nga. Theo hợp đồng ký năm 2017, Ấn Độ nhập 100 khẩu K-9 VAJRA - phiên bản cải tiến từ K-9, chuyên dùng cho tác chiến trong môi trường sa mạc và thay thế cho những khẩu pháo tự hành Abbot và 2S1 đã lỗi thời, trong đó,10 khẩu K-9 được sản xuất tại Hàn Quốc, 90 khẩu còn lại sẽ được sản xuất tại Ấn Độ dưới sự hỗ trợ công nghệ của Hàn Quốc, với khoảng 50% linh kiện do Ấn Độ sản xuất. Ngày 19/1/2019, hai đối tác đã tổ chức lễ khánh thành nhà máy sản xuất pháo tự hành K-9 VAJRA (VAJRA-T) tại bang Gujarat (Ấn Độ); nước này có thể mua tổng cộng 250 pháo K-9.
Estonia vừa quyết định mua thêm 6 pháo K9 của Hàn Quốc (phiên bản dành cho Estonia có định danh K9EST), bổ sung cho số lượng 12 khẩu đặt hàng trước đó, để bổ sung hoặc thay thế các khẩu pháo kéo FH-70 của Lữ đoàn Bộ binh số 1, tất cả sẽ được triển khai sát biên giới Nga, sẽ được bàn giao muộn nhất vào năm 2026. Estonia dự kiến, K9sẽ phục vụ tốt trong khoảng 30 năm nữa. Hợp đồng với Estonia đánh dấu thành công mới nhất của hệ thống K9 Thần Sấm.
Theo chuyên gia Roblin trên Tạp chí National Interest, khả năng cơ động, thời gian triển khai ngắn, hỏa lực mạnh, khai hỏa nhanh theo chế độ MRSI, … khả năng nhanh chóng tái triển khai tới những vị trí khai hỏa mới để tránh bị đối phương phản công là những tính năng đặc biệt khiến K9 được NATO ưa chuộng. Trên chiến trường, tốc độ bắn được coi là một trong những yếu tố quyết định sự thắng bại trong đấu pháo và K9 nguy hiểm nhất ở thời khắc mở màn - có khả năng gây thiệt hại lớn khi các mục tiêu còn chưa nhận biết được nguy cơ bị tấn công.
Chế độ bắn loạt độc đáo MRSI của K9 - khả năng bắn 3 viên đạn trong vòng 15 giây với các quỹ đạo khác nhau và chạm đích cùng lúc (dựa trên viên đầu tiên, máy tính trên xe sẽ tính toán đường đạn của viên thứ 2 và thứ 3 và tự động chỉnh bắn hai viên này), gây ra sức công phá khủng khiếp, hạ gục mục tiêu ngay loạt đầu tiên. Sở hữu tầm bắn xa với độ chính xác cao, có thể bắn đạn hạt nhân, sức công phá mạnh, phản ứng nhanh, tính cơ động cũng như khả năng bảo vệ vượt trội, K9 được các chuyên gia quân sự đánh giá là một trong những lựu pháo tự hành hiện đại nhất thế giới, đáp ứng các yêu cầu cao của pháo binh trong thế kỷ 21.
K9 có khả năng hoạt động trong nhiều điều kiện thời tiết khác nhau - bằng chứng là nó đã được xuất khẩu cho nhiều quốc gia với nhiều kiểu thời tiết, trong đó bao gồm các quốc gia khí hậu lạnh (Estonia, Phần Lan, Na Uy) và có khí hậu nóng khắc nghiệt (Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ) ... Đây được xem là loại pháo tự hành tốt bậc nhất châu Á hiện nay, hiện đại tương đương với nhiều loại pháo tự hành khác của châu Âu, Mỹ dù giá thành rẻ hơn rất nhiều so với các tổ hợp pháo tự hành khác do Mỹ hoặc Đức sản xuất.
Với các quốc gia có biên giới tiếp giáp với kẻ thù tiềm ẩn, pháo binh được xem là một lực lượng đáp ứng nhu cầu phản ứng nhanh, hiệu quả và giá rẻ, trong đó, pháo tự hành là một lựa chọn không thể bỏ qua. Nghiên cứu thị trường của pháo tự hành, Công ty nghiên cứu và phân tích thị trường vũ khí Forecast International đưa ra dự báo, trong mười năm tới, một trong những loại pháo tự hành được ưa chuộng và trở nên phổ biến nhất sẽ là “Thần sấm” K9 của Hàn Quốc, chiếm tới 21,76% thị trường pháo tự hành thế giới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo