Quốc tế

Điều gì sẽ xảy ra sau cái chết của trùm khủng bố IS?

Việc thủ lĩnh tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bị tiêu diệt được dự báo sẽ tạo ra những tác động đáng kể đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2020.

Ảnh minh họa.

Hôm 27/10, cho biết Abu Bakr al-Baghdadi - thủ lĩnh tổ chức khủng bố Nhà nước (IS) tự xưng bị tiêu diệt trong cuộc đột kích của lực lượng đặc nhiệm Mỹ tại khu vực Tây Bắc Syria. Sự kiện này không chỉ đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ và đồng minh mà còn được dự báo sẽ tạo ra những tác động đáng kể đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2020.

Màn thông báo đầy ấn tượng

Tối thứ Bảy (26/10), trên Twitter cá nhân của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ thông báo: "Vừa có biến lớn xảy ra!".

Trong khi tất cả còn đang đồn đoán về thông điệp bí ẩn này, 9h sáng Chủ nhật, nhà lãnh đạo Mỹ xuất hiện tại Phòng tiếp tân của Nhà Trắng để xác nhận một thông tin khiến cả thế giới phải chú ý, quân đội Mỹ đã tiêu diệt thủ lĩnh tối cao của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Abu Bakr al-Baghdadi trong chiến dịch ở Bắc Syria. Tổng thống Mỹ cho hay ông đã theo dõi chiến dịch này trực tiếp từ phòng Tình huống của Nhà Trắng như thể "đang xem một bộ phim".

Màn giới thiệu đậm ấn tượng và kịch tính, theo đúng phong cách Donald Trump, không khỏi khiến nhiều người liên tưởng đến một sự việc tương tự diễn ra cách đây 8 năm. Ngày 2/5/2011, Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama cũng bất ngờ xuất hiện giữa đêm tại căn phòng ở Cánh Đông của Nhà Trắng để thông báo về việc đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt thành công thủ lĩnh tổ chức khủng bố al-Qaeda Osama bin Laden - chủ mưu vụ tấn công khủng bố kinh hoàng 11/9/2001. Thậm chí, những bức ảnh chụp hai vị Tổng thống Mỹ cùng các quan chức cấp cao ngồi tại Phòng Tình huống trong thời gian diễn ra các chiến dịch cũng được đem ra so sánh.

Cú hích cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020?

Theo CNN, cái chết của Baghdadi đến vào thời điểm không thể thích hợp hơn, khi mà Tổng thống Donald Trump đang phải đối mặt với nhiều sức ép từ cáo buộc bỏ rơi lực lượng người Kurd tại Đông Bắc Syria, và nguy cơ bị phe Dân chủ luận tội. Việc tiêu diệt một trùm khủng bố khét tiếng, sẽ giúp nâng cao đáng kể uy tín của Tổng thống Trump, đặc biệt là khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 đang đến gần. Trong khi những đối thủ tiềm tàng như cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể thuyết phục cử tri về chính sách đối ngoại, hay Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren gây chú ý với các biện pháp hạn chế những ông lớn công nghệ, thành tích tiêu diệt al-Baghdadi rõ ràng là một lợi thế mà chỉ Tổng thống Trump mới có được.

Tờ The Independent chỉ ra rằng, hồi năm 2011, Tổng thống Barack Obama và Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng từng tận dụng chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden để vận động tranh cử. Ông Joe Biden thậm chí còn đưa ra thông điệp: "Osama bin Laden đã chết và General Motors còn sống" (ám chỉ các thành tích trong chống khủng bố và kinh tế của chính quyền Obama - PV) để kêu gọi sự ủng hộ của cử tri.

Với trường hợp của Tổng thống Trump, tác động tích cực từ việc tiêu diệt al-Baghdadi là điều gần như chắc chắn, bởi IS từ lâu đã được biết đến là một cái tên gieo rắc kinh hoàng cho người dân Mỹ với hàng loạt vụ khủng bố và video hành quyết con tin người Mỹ.

Thậm chí, theo trang mạng The Atlantic, chính quyền Tổng thống Donald Trump còn cố gắng gán cho chiến dịch này một vai trò quan trọng hơn so với chiến dịch tiêu diệt Osama bin Laden. Với Tổng thống Trump, tiêu diệt thủ lĩnh của một tổ chức khủng bố hàng đầu thôi là chưa đủ, đó còn phải là kẻ thù đáng sợ nhất mà nước Mỹ từng phải đối đầu, nguy hiểm hơn cả Osama bin Laden - "tác giả" vụ tấn công khủng bố kinh hoàng nhất lịch sử nước Mỹ.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến tỏ ra hoài nghi về việc thành tích tiêu diệt al-Baghdadi sẽ có tác động lớn tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào năm tới. Theo CNN, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Obama chỉ tăng lên trong vài tuần sau cái chết của bin Laden, trước khi quay trở lại mức bình thường. Một "tuần trăng mật" tương tự được dự báo cũng sẽ đến với Tổng thống Trump, thậm chí còn ngắn hơn, nếu tình hình xấu đi vì cáo buộc luận tội từ phe Dân chủ. Bên cạnh đó, với việc hầu hết người dân Mỹ đã định hình tương đối rõ ràng về Tổng thống Donald Trump sau nhiệm kỳ đầu tiên, số cử tri còn phân vân để ông có thể tranh thủ vận động là không quá nhiều.

Bước tiến mới trong cuộc chiến chống khủng bố

Trên phương diện cuộc chiến chống khủng bố, việc al-Baghdadi bị tiêu diệt có thể coi là thành công lớn nhất của quân đội Mỹ kể từ chiến dịch tấn công tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden hồi năm 2011. Lãnh đạo các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các đồng minh của Mỹ ở châu Âu đều lên tiếng chúc mừng Washington với thành công trong sứ mệnh tiêu diệt thủ lĩnh IS. Đăng tải trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan gọi cái chết của al-Baghdadi là "bước ngoặt trong cuộc chiến chống khủng bố", trong khi Thủ tướng Anh Boris Johnson mô tả đây là "thời khắc quan trọng". Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg kêu gọi các nước thành viên tiếp tục giữ vững cam kết trong cuộc chiến chống IS sau "bước tiến quan trọng" vừa đạt được.

Một số chuyên gia khẳng định, cái chết của Al Baghdadi sẽ khiến IS bị suy yếu đáng kể, bởi trùm khủng bố này là một nhân vật mang tính biểu tượng, kẻ đã biến một tổ chức với chưa đầy 1.000 tay súng, thành một lực lượng hùng mạnh, kiểm soát vùng lãnh thổ rộng lớn trải dài từ Iraq cho tới Syria. DW dẫn lời ông Guido Steinberg – chuyên gia về Trung Đông tại Viện nghiên cứu Quốc tế của Đức: "Chúng sẽ rất khó để tìm kiếm một ai đó đủ tàn nhẫn, có khả năng tổ chức tốt và có sức hút như al-Baghdadi".

Channel News Asia bình luận, sự kiện này xảy ra đúng vào thời điểm IS đang dễ tổn thương nhất. Việc al-Baghdadi có mặt tại Idlib - một địa điểm khá nguy hiểm với chính trùm khủng bố này, được cho là nhằm tiến hành thiết lập một liên minh chính thức với các nhóm khủng bố khác trong khu vực, qua đó hạn chế sự đào ngũ ngày càng gia tăng của các thành viên IS. Tuy nhiên, với việc al-Baghdadi bị tiêu diệt, những nỗ lực này vẫn còn dang dở, và khả năng các phần tử IS gia nhập các nhóm khủng bố khác vẫn là rất rõ ràng.

Cái chết của Al-Baghdadi có làm IS suy yếu?

Ông Michael Nagata - một cựu chỉ huy lực lượng đặc biệt của Mỹ tại Trung Đông hồi năm 2014, khi chiến dịch chống IS bắt đầu, nhận định nhóm chỉ huy trẻ, có quan điểm cứng rắn và kinh nghiệm chiến đấu, đang dần thay thế lớp lãnh đạo cũ trong mạng lưới khủng bố toàn cầu của IS.

"IS không phải là một tổ chức sẽ sụp đổ sau cái chết của al-Baghdadi. Theo đánh giá của tôi, chiều sâu và bề rộng của nhóm thủ lĩnh IS là chưa từng thấy đối với loại tổ chức khủng bố kiểu này", ông Michael Nagata cho hay.

Theo tờ The Times, sau 5 năm bị săn lùng, bộ máy của tổ chức khủng bố IS vẫn tỏ ra khá dẻo dai và đã dần thích nghi được với tình hình mới. Dù mất đi những lãnh thổ rộng lớn tại Iraq và Syria, tổ chức này vẫn còn một lực lượng đáng kể và đã mở rộng phạm vi hoạt động ra nhiều quốc gia. Thay vì chiếm giữ lãnh thổ như trước đây, IS quay trở lại với các hoạt động khủng bố truyền thống: phục kích, đánh bom và ám sát. Cũng giống như Al Qaeda, tổ chức khủng bố IS có thể dễ dàng thay thế những trùm khủng bố bị tiêu diệt, bằng những người mới. Sự thay thế này xảy ra đều đặn đến mức cộng đồng tình báo Mỹ coi việc tiêu diệt các chỉ huy khủng bố "giống như là cắt cỏ".

Sức mạnh của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo(IS) tự xưng

14.000 - 18.000 thành viên cam kết trung thành với al-Baghdadi

11.000 thành viên và người ủng hộ tại các trại giam ở Syria

14 nhánh khủng bố tại các quốc gia châu Á và châu Phi

Có thể nổi lên trở lại tại Syria trong vòng 6-12 tháng nếu không phải đối mặt với áp lực lớn

(Nguồn: Báo cáo của Văn phòng Tổng thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ)

Những lo ngại về làn sóng khủng bố trả thù

Trong khi tác động từ cái chết của al-Baghdadi lên sức mạnh của IS vẫn còn chưa rõ ràng, nỗi lo ngại về làn sóng tấn công khủng bố trả thù đang ngày càng tăng cao. Điều này là hoàn toàn có cơ sở nếu xét trên những gì đã xảy ra trong quá khứ.

"Khi Bin Laden bị tiêu diệt, al-Baghdadi đã phát động chiến dịch trả thù đầy bạo lực. Các cơ quan an ninh bây giờ phải chuẩn bị ứng phó với nỗ lực trả thù cho cái chết của hắn", ông Richard Kemp, cựu chỉ huy cơ quan tình báo chống khủng bố quốc tế thuộc Văn phòng Nội các Anh, chia sẻ.

Một số quốc gia, bao gồm Pháp hiện đã đặt tình trạng báo động cao sau cái chết của al-Baghdadi. Trong một lá thư gửi Cảnh sát Quốc gia, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner kêu gọi tăng cường cảnh giác để ngăn chặn các vụ tấn công có thể xảy ra. Còn tại Đông Nam Á. Người phát ngôn quân đội Philippines, Chuẩn tướng Edgard Arevalo cho biết các lực lượng an ninh nước này đang được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ trước bất kỳ mối đe dọa tấn công trả đũa nào từ các tổ chức khủng bố bị nhiễm tư tưởng của IS.

Theo Norman T.Roule - một cựu sĩ quan CIA từng có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Trung Đông, cái chết của một thủ lĩnh khủng bố, thường dẫn đến những xáo trộn nhất định, thậm chí là thay đổi hoàn toàn chiến lược hoạt động của một tổ chức khủng bố.

"Trong trường hợp của IS, cái chết của al-Baghdadi sẽ khiến các nhóm IS ở nước ngoài hoạt động theo những hướng khác nhau. Một số có thể quyết định hòa giải với al Qaeda, một số thậm chí sẽ tiến hành các hoạt động tấn công trả thù để chứng tỏ rằng chúng vẫn còn mạnh. Một số kế hoạch hành động sẽ được đẩy nhanh nếu những kẻ khủng bố tin rằng các tài liệu được tìm thấy ở chỗ Baghdadi có thể vạch mặt chúng", Norman T.Roule cho biết.

Những kịch bản này, nếu xảy ra, chắc chắn sẽ khiến cuộc chiến chống khủng bố trở nên phức tạp hơn.

Theo Thanh Hiệp/VTV
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo