Quốc tế

Đối thủ 'giật mình' khi Ấn Độ thử nghiệm thành công tên lửa BrahMos bản đối đất?

Thông qua việc thử nghiệm thành công phiên bản đối đất của tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh PJ-10 BrahMos, Ấn Độ đã chứng minh rằng tiềm năng của vũ khí này vẫn còn rất lớn.

Tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh PJ-10 BrahMos là sản phẩm hợp tác liên doanh giữa Nga và Ấn Độ, nó được coi là một trong những sát thủ tàu chiến đáng sợ nhất hành tinh vào thời điểm hiện tại.

Theo công bố của nhà sản xuất, tên lửa BrahMos có tầm bắn tối đa 290 km, vận tốc lớn nhất Mach 2,9, mang theo đầu đạn nổ giữ chậm trọng lượng 200 kg, đủ sức vô hiệu hóa chiến hạm cỡ lớn chỉ bằng 1 phát bắn.

Mới đây Nga và Ấn Độ còn đạt được thỏa thuận kéo dài tầm bắn cho tên lửa BrahMos lên trên 500 km để sánh ngang với bản nội địa 3M55 Oniks đang phục vụ trong biên chế hải quân Nga.

Bên cạnh đó hai đối tác còn công bố dự án nghiên cứu phát triển biến thể nâng cấp BrahMos 2 có nhiều nét tương đồng với tên lửa Zircon của Nga, vận tốc tối đa có thể lên tới Mach 7.

Tên lửa BrahMos có thể triển khai từ nhiều nền tảng mang phóng khác nhau bao gồm tàu mặt nước, tàu ngầm, xe tải việt dã và cả tiêm kích đa năng Su-30MKI.

Ngoài phiên bản chống hạm, như nhiều tên lửa hành trình khác, BrahMos cũng có cả biến thể tấn công mặt đất, tuy nhiên, khác với đạn 3M14T thuộc tổ hợp Kalibr-NK, tên lửa BrahMos bản đối đất vẫn giữ tốc độ siêu thanh.

Mới đây tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) công bố họ đã thử nghiệm thành công phiên bản đối đất của tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh BrahMos.

Tên lửa được phóng từ một bãi thử nghiệm ở phía Đông bang Odisha hôm 30/9, nó vượt qua quãng đường 290 km và bắn trúng mục tiêu, thời báo kinh tế Ấn Độ dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng nước này cho biết.

Dự kiến trong tương lai không xa, Ấn Độ sẽ triển khai các tên lửa BrahMos phiên bản đối đất tới khu vực giáp biên giới Trung Quốc hoặc Pakistan để sẵn sàng cho tình huống xấu nhất.

Trong trường hợp được sử dụng, tên lửa BraMos có thể gây ra cho đối phương những thiệt hại hết sức nặng nề vì vũ khí này được cho là cực kỳ khó đánh chặn.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng Ấn Độ sẽ cần phải hoàn thiện thêm vũ khí này nhiều hơn nữa thì nó mới có thể trực chiến một cách đầy đủ.

Khó khăn đầu tiên của tên lửa BrahMos bản đối đất đó là nó không thể thực hiện đường bay bám địa hình, luồn lách qua các khe núi như Tomahawk hay Kalibr do vận tốc quá cao, không điều chỉnh kịp.

Tốc độ lớn cũng khiến cho đầu dò của tên lửa BrahMos phải làm việc ở chế độ khắc nghiệt hơn, nó có ít thời gian xử lý thông tin về mục tiêu trong giai đoạn cuối, điều này rất dễ dẫn tới sai sót.

Cuối cùng, mặc dù có ưu thế về tốc độ nhưng tên lửa BrahMos lại không có khả năng âm thầm tấn công như loại cận âm vì quỹ đạo bay sẽ lớn, nó hoàn toàn có thể bị bắn hạ bởi các hệ thống phòng không tối tân như HQ-9 của Trung Quốc.

Theo Bạch Dương/An ninh Thủ đô
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo