Quốc tế

GLSDB - Chương trình vũ khí 'lai' độc đáo của Mỹ và Thụy Điển

Thành công của chương trình bom đường kính nhỏ bắn từ mặt đất (GLSDB) mang lại rất nhiều ưu thế cho Mỹ và đồng minh trong trường hợp xảy ra xung đột.

Bom GBU-39B SDB I

Bom đường kính nhỏ (small diameter bomb - SDB) GBU-39/B là loại bom lượn dẫn hướng chính xác bằng hệ thống định vị GPS và hệ thống điều hướng quán tính, được các tập đoàn Boeing và Lockheed Martin phát triển năm 2002, theo chương trình Miniature Munitions Demonstration Technology (MMTD) của quân đội Mỹ. Với khả năng đâm xuyên và công phá mạnh hơn các biến thể cùng loại như JDAM, SDB dùng để tấn công các mục tiêu cố định kiên cố hay được che phủ như kho nhiên liệu, hầm ngầm, nhà chứa máy bay...

Bom đường kính nhỏ GBU-39B SDB I; Nguồn: zamanalwsl.net.

SDB có khối lượng 130kg, lượng thuốc nổ 16-93kg (AFX-757), dài 1,80m, đường kính tương đương khoảng 0,19m, có sải cánh 1,6m khi mở và 1,9m khi đóng gói. GBU-39/B được tích hợp ngòi nổ thông minh xuyên mục tiêu cứng (Hard Target Smart Fuze), thuốc nổ mạnh, thiết kế đâm xuyên, điều khiển tối ưu, phóng - lái - tìm tự động (Robust Autopilot) định vị bằng quán tính có GPS bổ trợ và đầu dò tiên tiến trên cơ sở bộ nhận tín hiệu GPS Rockwell Collins, module chống nhiễu Harris, thiết bị dẫn đường quán tính Honeywell…

Độ xuyên của bom là 1m bê tông cốt thép dưới 1m đất; ngòi nổ có các chức năng an toàn và các tùy chọn nổ trên không hay giữ chậm. Sai số vòng tròn (CEP) của SDB I là 5-8m và có thể hạn chế bằng cách cập nhật số liệu GPS trước khi thả bom. SDB cũng được gắn loại cánh "DiamondBack" được bung ra sau khi thả để tăng thời gian lượn và đạt tầm bay tối đa. Kích thước và độ chính xác của SDB cho phép tạo ra một loại vũ khí hiệu quả gây ít thiệt hại các công trình cận mục tiêu. Hầu hết các máy bay của Không quân Mỹ sử dụng giá đỡ BRU-61/A có thể mang bốn quả bom loại này thay vì một quả loại 907kg.

Tháng 11/2014, phát triển phiên bản SDB I nhằm theo dõi và tấn công các nguồn gây nhiễu chiến tranh điện tử để vô hiệu hóa dẫn hướng vũ khí. Công cụ tìm kiếm nhiễu GPS hoạt động tương tự như AGM-88 HARM khi theo dõi nguồn gây nhiễu tần số vô tuyến để phá hủy nó được cải tiến, nâng độ chính xác lên 3m. Ngòi nổ dự bị AW phát triển cho M270 GMLRS nhằm không để tên lửa xịt bị lưu lại đã thử nghiệm thành công với SDB.

Hệ thống M270 MRLS Quân đội Hoàng gia Hà Lan; Nguồn: wikipedia.org.

Không quân Mỹ từng có kế hoạch mua 24.000 quả bom Boeing GBU-39/B để trang bị cho các máy bay chiến đấu. Trong số này, một nửa là phiên bản dùng để tấn công các mục tiêu cố định, nửa còn lại dùng để tiêu diệt các mục tiêu cơ động (GBU-53/B SDB II, được bổ sung công cụ tìm kiếm ba chế độ (radar, hồng ngoại và laser bán chủ động) vào dẫn hướng quán tính và GPS của phiên bản đầu. Năm 2006, các máy bay chiến đấu của Mỹ đã sử dụng loại vũ khí này trong các chiến dịch không trợ tầm gần trên lãnh thổ Iraq.

SDB hiện có thể được thả từ máy bay F-15E Strike Eagle, Panavia Tornado, JAS-39 Gripen, F-16 Fighting Falcon, F-22 Raptor và AC-130W. Trong tương lai, sự tích hợp được lên kế hoạch cho F-35 Lightning II, A-10 Thunderbolt II, B-1 Lancer, B-2 Spirit, B-52 Stratofortress và AC-130J. Các máy bay khác, bao gồm UCAV, sau được nâng cấp cần thiết có thể mang vũ khí này.

Tên lửa M26 của hệ thống tên lửa phóng loạt M270A

Đầu những năm 1970, Liên Xô có lợi thế so với Mỹ và NATO về pháo binh tên lửa. Chiến thuật của Liên Xô là bắn cấp tập số lượng lớn tên lửa để hủy diệt khu vực mục tiêu, gây tác động tâm lý. Tháng 3/1974, Quân đội Mỹ đã yêu cầu có một Hệ thống Tên lửa Hỗ trợ chung mới (General Support Rocket System - GSRS) cho nhiệm vụ phòng không và phản đòn đối phương, tạo điều kiện để các đơn vị pháo hỗ trợ chặt chẽ lực lượng mặt đất.

Các đồng minh NATO đã được tư vấn về dự án và tên của nó đã được thông qua là Hệ thống Tên lửa Phóng loạt (Multiple launch rocket system - MLRS). MLRS được bắt đầu phát triển vào tháng 9/1977 bởi Anh, Mỹ, Tây Đức, Pháp và Ý, từ hệ thống GSRS, nguyên mẫu do các tập đoàn Lockheed Martin và Diehl BGT Defense sản xuất được ra mắt tháng 8/1982. M270 MLRS là một bệ phóng tên lửa tự hành, đa năng, tích hợp trên xe thiết giáp bánh xích M993 - một phiên bản trên cơ sở khung gầm xe chiến đấu Bradley.

Ghép nối SDB và M26; Nguồn: defence24.pl.

Khẩu đội M270 đầu tiên được hình thành vào tháng 3/1983. Ban đầu, một phân đội bao gồm ba trung đội, mỗi trung đội có ba bệ phóng; trong những năm 1990, phân đội giảm xuống còn sáu bệ phóng. Cho đến nay, có khoảng 1.300 hệ thống M270, cùng với hơn 700.000 tên lửa đã được sản xuất tại Mỹ và châu Âu. Việc sản xuất M270 kết thúc vào năm 2003, lô cuối cùng được giao cho Ai Cập. MLRS đã tham chiến tại Iraq (1990-1991, 2003), Afganistan (2007). Do các hiệp ước giải trừ vũ khí chùm, M26 sẽ không được sử dụng kể từ 2018.

GLSDB - sự kết hợp độc đáo giữa bom và pháo phản lực

Hệ thống M270 có thể bắn tên lửa và rocket dùng cho MLRS, được một số nước sản xuất, trong đó có M26 (tầm bắn 32km), M26A1 và M26A2 (tầm bắn 45km). Tập đoàn Boeing (Mỹ) và Saab (Thụy Điển) đã sáng tạo khi ghép SDB và động cơ tên lửa M26 để tạo ra vũ khí lai có tên gọi Bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (Ground Launched Small Diameter Bomb - GLSDB) phóng từ các hệ thống tên lửa mặt đất như M270 MLRS.

GLSDB có chiều dài 3,9m, đường kính 0,24m, nặng khoảng 272kg, tầm bắn 150km và có thể bắn trúng mục tiêu hai bên ở khoảng cách 115km và phía sau giàn phóng ở khoảng cách 70km. Tính đến 22/3/2019, chương trình GLSDB đã được thử nghiệm gần 10 lần, cho kết quả khả quan. Trong một trình diễn năm 2017, GLSDB đánh trúng một mục tiêu di chuyển ở khoảng cách 100km và trong một thử nghiệm năm 2019, nó đã đánh đúng mục tiêu trên biển ở cự li 130km.

GLSDB khi được phóng; Nguồn: tu.no.

Khi được động cơ đưa lên đủ độ cao và đạt tốc độ cần thiết, đôi cánh sẽ mở và SDB lượn tới mục tiêu nhờ đầu tìm laser bán chủ động (SAL). Sử dụng đầu đạn nhỏ hơn, GLSDB có thể lấp đầy phân khúc trống của hỏa lực tầm xa chính xác nhằm tiết kiệm đạn tên lửa lớn hơn cho các mục tiêu chiến lược. Trong khi các tên lửa MLRS kinh điển bay theo một quỹ đạo đạn đạo, các SDB phóng bằng tên lửa có thể lượn theo quỹ đạo đã chọn.

Khác các loại pháo khác, GLSDB có khả năng bao quát 360 độ tính từ điểm phóng với các góc tấn công cao và thấp, bay quanh địa hình để công kích mục tiêu sau lưng núi, hoặc quay vòng quanh để nhắm vào phía sau xe phóng với sai số 1m - điều mà không một loại đạn pháo nào làm được. Nhờ đó, bom có thể tấn công với mọi góc độ, tiêu diệt mục tiêu gián tiếp được che chắn bằng địa hình, và xuyên phá chống lại các mục tiêu kiên cố, có khả năng tấn công cả các mục tiêu di động trong mọi điều kiện thời tiết cả ban ngày và ban đêm.

Các loại đạn pháo thông minh như Excalibur có khả năng điều chỉnh để có góc tiếp cận mục tiêu cao hơn so với đạn pháo truyền thống, gần như vuông góc với mặt đất thay vì góc 45 độ, cải thiện khả năng tấn công mục tiêu được che chắn, như phía sau các ngọn đồi hay công trình. Tuy nhiên, khả năng bay theo đường vòng để tấn công mục tiêu một cách gián tiếp thì chưa từng xuất hiện trong các loại pháo.

Thử nghiệm GLSDB tại Thụy Điển; Nguồn: defence24.pl.

Một ưu điểm nữa của GLSDB so với tên lửa có lái dẫn GMLRS và đạn pháo Excalibur là khả năng xuyên phá. SDB được thiết kế tối ưu để chống lại các mục tiêu kiên cố, hình dáng thuôn và mũi xuyên từ thép cứng cho phép nó có khả năng xuyên thủng bê-tông cốt thép dày hơn 1m, gần tương đương với loại bom xuyên một tấn trước đây. Do đó, GLSDB cũng thích hợp hơn GMLRS hay Excalibur khi chống lại các mục tiêu kiên cố. Đây là các công nghệ đã được ứng dụng từ trước, do đó, rủi ro về chất lượng của loại vũ khí này đã được giảm xuống. GLSDB được cho là có lợi thế ở yếu tố bất ngờ, chi phí mang phóng rẻ hơn so với phiên bản thả từ máy bay.

Hệ thống này có hiệu quả về kinh tế, sử dụng vũ khí hiện có kết hợp với động cơ tên lửa dự trữ, cũng như thiết bị nạp đạn trên hệ thống MLRS hiện đang được sử dụng bởi nhiều đồng minh của Mỹ, không đòi hỏi phải chế tạo một hệ thống mới, sẽ là một lựa chọn giá phải chăng đối với các khách hàng muốn sở hữu vũ khí có độ chính xác cao để thay thế cho các loại bom chùm bị cấm theo Công ước về Bom chùm. Thành công của chương trình GLSDB mang lại rất nhiều ưu thế cho Mỹ và đồng minh trong trường hợp xảy ra xung đột.

Theo Lê Ngọc/VOV

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo