Quốc tế

Gói trừng phạt thứ 4 của EU nhằm vào Nga là hàng hóa xa xỉ và sắt thép

Liên minh châu Âu sẽ công bố lệnh cấm bán cho Nga hàng hóa xa xỉ trị giá hơn 300 euro (329,58 USD), cũng như cấm mua nhiều sản phẩm thép và sắt của Nga. Đây là một phần của gói trừng phạt thứ 4 đối với Nga kể từ khi nước này thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Nga - Ukraine bước vào vòng đàm phán thứ 4: Vẫn còn dư địa cho đối thoại / Máy bay Su-25 của Nga trúng tên lửa Ukraine

Gói trừng phạt thứ 4 của EU nhằm vào Nga là hàng hóa xa xỉ và sắt thép

Ảnh minh họa

Các nhà ngoại giao EU hôm thứ Hai (14/3) đã đưa ra các biện pháp chặt chẽ hơn, bao gồm lệnh cấm các khoản đầu tư mới vào các dự án năng lượng của Nga, sau nhiều ngày tranh luận kín. Các biện pháp này có thể được chính thức thông qua vào sáng sớm thứ Ba (15/3).

Hiện EU đang cấm bán xe hơi, tàu thuyền và máy bay hạng sang có giá trị trên 50.000 euro, điều này sẽ áp dụng cho các mẫu xe của một số thương hiệu xe hơi châu Âu, bao gồm Audi, BMW, Mercedes, Ferrari và Porsche. Lệnh cấm cũng bao gồm xe máy trị giá hơn 5.000 euro, cũng như các bộ phận và phụ tùng. Nhiều nhà sản xuất ô tô châu Âu đã tự nguyện ngừng bán hàng cho Nga. Khối này cũng chặn quyền truy cập của Nga vào các dịch vụ xếp hạng tín dụng.

Bên cạnh đó, EU cũng sẽ trừng phạt những người giàu của Nga và tham gia cùng các đồng minh ủng hộ nỗ lực xóa bỏ quy chế tối huệ quốc của Nga tại Tổ chức Thương mại Thế giới. Nguyên tắc không phân biệt đối xử tối huệ quốc của WTO yêu cầu các thành viên của WTO đưa ra mức thuế suất như nhau cho tất cả 164 thành viên của tổ chức, khiến quy chế này trở thành nguyên tắc nền tảng của WTO và là lý do chính để các quốc gia tham gia.

Gói trừng phạt mới bao gồm một số trường hợp miễn trừ, đặc biệt liên quan đến năng lượng và kim loại. Ví dụ: EU sẽ không cấm các giao dịch cần thiết để mua hoặc vận chuyển nhiên liệu hóa thạch của Nga, và cũng miễn trừ các kim loại titan, nhôm, đồng, nickel, palladium và quặng sắt khỏi các hạn chế.

Mặc dù hầu hết các sản phẩm thép thành phẩm của Nga đều bị đưa vào các lệnh trừng phạt, nhưng các tiền chất như thép tấm và phôi thép thì không. Nhiều nhà máy ở EU phụ thuộc vào xuất khẩu của Nga đối với những nguyên liệu đó và sẽ rất khó khăn để thay thế chúng nếu nguồn cung của nước này bị hạn chế.

 

Tuy nhiên, các biện pháp này sẽ khiến thị trường thép EU bị thắt chặt hơn nữa sau khi đang bị mất đi nguồn cung từ Ukraine. Nga cung cấp khoảng 1/5 lượng thép nhập khẩu của khối.

Một nguồn tin từ cuộc họp kín của EU trong ngày 14/3 cho biết cuộc tranh luận giữa các đại sứ EU có những ý kiến rất trái chiều, trong đó Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic muốn một gói hình phạt nghiêm khắc hơn, nhưng các quốc gia do Đức dẫn đầu lại muốn loại trừ một số sản phẩm có giá trị khỏi danh sách của EU, và nhóm có Đức đã thành công.

Hàng hóa xa xỉ

Đối với hàng hóa xa xỉ, lệnh cấm áp dụng đối với việc bán một số sản phẩm nhất định có giá trị hơn 300 euro/1 sản phẩm cho bất kỳ ai ở Nga hoặc để sử dụng ở Nga. Danh sách các mặt hàng bị hạn chế bao gồm trứng cá muối, nấm cục, bia, rượu sâm banh, xì gà, nước hoa, túi xách, quần áo bằng da và lông thú, áo khoác ngoài, bộ quần áo, giày, áo sơ mi và các loại quần áo khác, ngọc trai, kim cương, vàng và đá quý.

Lệnh cấm xuất khẩu của EU nhắm vào danh sách gần 400 mặt hàng xuất khẩu của châu Âu sang Nga trị giá khoảng 25 tỷ USD mỗi năm, theo tính toán của Bloomberg dựa trên dữ liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế.

 

Các mặt hàng xuất khẩu có giá trị nhất của EU trong danh sách bao gồm: ô tô và phụ tùng, máy tính, máy móc, điện thoại thông minh, máy bay phản lực, đồ trang điểm, quần áo phụ nữ, rượu vang, rượu mạnh, giày và túi da.

Mức độ thiết lập ngưỡng giá trị là chủ đề của nhiều cuộc tranh luận giữa các quốc gia thành viên, với các nhóm vận động hành lang mong muốn một số chính phủ đồng ý cấm những sản phẩm có giá trị cao. Ngưỡng tổng thể 300 euro có nghĩa là một số danh mục sẽ hầu như không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm.

Cũng giống như các hình phạt thương mại trước đó áp dụng đối với Nga, các hợp đồng hiện tại được bảo vệ khỏi một số biện pháp trừng phạt trong gói thứ 4 này, và thời gian thực hiện lùi lại vài tháng.

Một số động thái mang tính biểu tượng hơn là kinh tế. Ví dụ, Nga chiếm khoảng 2% doanh số toàn cầu cho các thương hiệu xe sang lớn của châu Âu, và nhu cầu mạnh mẽ trên toàn cầu có thể bù đắp cho việc xuất khẩu sang Nga giảm.

Mercedes, BMW và Porsche và công ty mẹ của Audi, Volkswagen AG, đã thông báo ngừng xuất khẩu sang Nga vào đầu tháng này.

 

Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ cũng công bố danh sách gần 600 mặt hàng xa xỉ cấm xuất khẩu sang Nga và Belarus từ ngày 16/3 tới liên quan xung đột hiện nay tại Ukraine, trong đó có rượu mạnh, thuốc lá, quần áo, đồ trang sức, xe cộ, cổ vật...

Tham khảo: Bloomberg

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm