Quốc tế

GS Mỹ mách Đài Loan vũ khí tối thượng khiến Trung Quốc muốn tấn công cũng khó, phải 'ôm cục tức'

Đài Loan có nền công nghiệp quốc phòng nội địa nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào vũ khí mua từ Mỹ trong nhiều năm qua. Ảnh minh họa: Reuters.

Đài Loan có nền công nghiệp quốc phòng nội địa nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào vũ khí mua từ Mỹ trong nhiều năm qua. Ảnh minh họa: Reuters

Hải quân Đài Loan cần bắt đầu đóng các tàu tấn công cỡ nhỏ, giá rẻ nhưng có tốc độ cao và trang bị tên lửa. Đây là cách duy nhất có thể giúp Đài Loan cầm chân lực lượng tấn công của Trung Quốc đủ lâu để Mỹ can thiệp vào cuộc đối đầu dưới danh nghĩa của hòn đảo này.

Theo nhà báo quốc phòng David Axe, đây là lời khuyên được Giáo sư James Holmes đến từ Đại học Chiến tranh Hàng Hải Mỹ chia sẻ trên tờ Foreign Policy.

"Họ [Đài Loan] có thể xây các cảng đánh bắt cá nhỏ ở các căn cứ của mình, khiến Trung Quốc khó lòng phân biệt được tàu đánh cá với các tàu tuần tra cao tốc thả neo ở đó", ông Holmes cho biết, "Các tàu cỡ nhỏ sẽ là lực lượng cân bằng tuyệt vời cho Đài Loan".

Đã có thời Đài Loan, với dân số xấp xỉ 20 triệu người, giàu có hơn và mạnh về quân sự hơn so với đất nước Trung Quốc với dân số tỷ người. Đài Loan cũng có quan hệ đồng minh đáng tin cậy với Mỹ. Năm 1966, Washington từng điều tàu sân bay đi qua eo biển Đài Loan để răn đe, ngăn chính quyền Trung Quốc dùng vũ lực thống nhất hòn đảo này.

Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế của Trung Quốc sau này đã làm thay đổi cán cân sức mạnh.

"Suốt nhiều năm liền, chính quyền Tổng thống và Quốc hội Mỹ đã ngày một siết chặt các thỏa thuận vũ khí, trong lúc đó Trung Quốc mở cửa với nền kinh tế thế giới, trở nên giàu có và đầu tư của cải phát triển các loại vũ khí mới cho không quân, hải quân và lực lượng tên lửa" – ông Holmes viết.

Đài Loan cần nhanh chóng bổ sung các tàu tên lửa cỡ nhỏ vào lực lượng tàu chiến của mình. Ảnh minh họa (Nguồn: BQP Đài Loan)

Hiện nay, Đài Loan không còn có thể dựa vào công nghệ và lực lượng tinh nhuệ để bù đắp cho số lượng tàu chiến, máy bay và xe tăng thưa thớt. Quân đội Trung Quốc ngày một tiến bộ hơn, trong khi lợi thế số lượng của họ sẽ còn được duy trì trong tương lai.

Theo GS Holmes, vào đầu những năm 2000, Hải quân Đài Loan – chỉ với 26 tàu chiến mặt nước cỡ lớn và 2 tàu ngầm đã già nua – "không còn có thể giành quyền kiểm soát trên biển". Đó là chưa kể hiện nay hạm đội của Trung Quốc đã sở hữu số lượng tàu chiến gấp nhiều lần so với Đài Loan.

"Tìm cách giành quyền kiểm soát trên biển thông qua những trận chiến lớn là điều mà kẻ mạnh sẽ làm. Điều này không đúng với Đài Loan nữa" – ông Holmes nhận định.

Điều mà Hải quân Đài Loan có thể làm là ngăn Hải quân Trung Quốc giành quyền kiểm soát các tuyến đường biển tiếp giáp với hòn đảo của họ.

Chiến lược chống tiếp cận là một chiến lược kinh điển của phe yếu hơn. Nếu họ làm được điều đó thì Trung Quốc không thể tiến hành các cuộc tấn công đổ bộ, và điều đó cũng giúp Đài Loan kéo dài được thời gian đủ lâu để Mỹ kịp thời can thiệp.

Theo vị Giáo sư, các tàu tên lửa cỡ nhỏ, giá rẻ nên trở thành lực lượng cốt yếu của Đài Loan trong chiến lược mới này.

"Các cuộc thử nghiệm trước đó và sự cơ động của chúng đã cho thấy những kết quả có thể làm hài lòng giới lãnh đạo hải quân Đài Loan" – ông Holmes cho hay.

Hiện Đài Loan đang chế tạo một lớp tàu hộ tống tàng hình trang bị các loại tên lửa nội địa. Tuy nhiên, dường như chỉ khoảng 12 tàu được đóng. Số lượng này khó có thể răn đe hoặc trì hoãn cuộc tấn công của Trung Quốc trong thời gian dài. Hải quân Đài Loan cần nhiều tàu hơn thế.

Tuy nhiên, để "lột xác", Hải quân Đài Loan trước tiên cần có sự thay đổi về tư tưởng. "Phải đến sự kiện Trân Châu Cảng, văn hóa tác chiến bằng thiết giáp hạm của Hải quân Mỹ mới bị phá vỡ, nó cho thấy các tàu sân bay giờ đây là vũ khí chiến tranh tối thượng trên biển", ông Holmes nói.

Đài Loan không thể để mình hứng chịu thất bại lớn rồi rút ra bài học như Mỹ, họ cần bắt kịp xu hướng, thay đổi văn hóa hải quân trước khi một cuộc xung đột qua eo biển nổ ra, đe dọa sự tồn vong của họ.

GS Holmes cho rằng đây là điều cấp thiết bởi Đài Loan chỉ có thể đầu tư một khoản nhất định cho chi tiêu quốc phòng, họ không thể vừa lãng phí nguồn lực vào những thứ năng lực đắt đỏ, vừa vung tiền mua vũ khí mới.

Giới chức Đài Loan nên tái điều chỉnh nguồn ngân sách sang các phương tiện tác chiến chống xâm nhập/chống tiếp cận, thay vì những thứ đắt đỏ như máy bay chiến đấu F-16 hay tàu ngầm nội địa.

Theo QS/Trí thức trẻ
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo