Quốc tế

Hai điệp viên Nga bị nghi đột nhập nơi xét nghiệm chất độc Novichok

Cơ quan tình báo Thụy Sĩ cho biết đã phối hợp với Hà Lan và Anh để phá âm mưu của hai “gián điệp” Nga bị cáo buộc đột nhập một phòng thí nghiệm phân tích mẫu chất độc Novichok nghi được sử dụng trong vụ tấn công cựu điệp Nga tại Anh hồi đầu năm.

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI: Israel bị nghi “đâm sau lưng” Syria, Mỹ từ chối “bắt tay” với Nga / ĐIỂM TIN THẾ GIỚI: Mỹ đưa ra đe dọa “lạnh gáy” với Trung Quốc, ông Obama công khai chỉ trích Tổng thống Trump

Phòng thí nghiệm Spiez tại Thụy Sĩ (Ảnh: Labor Spiez)
Phòng thí nghiệm Spiez tại Thụy Sĩ (Ảnh: Labor Spiez)

Các báo Reuters, Guardian, BBC và Independent của Anh hôm nay 14/9 đồng loạt đăng tải các thông tin xuất hiện trên báo Tages-Anzeiger của Thụy Sĩ và NRC Handelsblad của Hà Lan liên quan tới vụ cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái nghi bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok ở Anh hồi tháng 3. Các báo của Thụy Sĩ và Hà Lan cho biết giới chức Anh, Hà Lan và Thụy Sĩ đã phối hợp cùng nhau trong một chiến dịch nhằm bắt giữ hai gián điệp Nga hồi tháng 3.

Các báo trên dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết hai gián điệp Nga đã tìm cách tiếp cận phòng thí nghiệm Spiez ở gần Bern, Thụy Sĩ. Đây là nơi chuyên phân tích các loại vũ khí sinh học và hóa học, bao gồm mẫu chất độc Novichok nghi được sử dụng để tấn công cha con cựu điệp viên Skripal ở Anh.

Báo Tages-Anzeiger cho biết hai gián điệp Nga đã mang theo thiết bị với mục đích phá vỡ mạng lưới thông tin mạng của phòng thí nghiệm Spiez. Tuy nhiên hai đối tượng này đã bị phát hiện và bị bắt, song không bị khởi tố.

Hiện chưa rõ tại sao hai điệp viên Nga có mặt ở The Hague, Hà Lan sau khi bị bắt. The Hague là nơi đặt trụ sở của Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW). Hà Lan sau đó đã trục xuất hai người này.

Vào ngày 26/3, chính quyền Hà Lan cho biết đã trục xuất 2 “điệp viên tình báo” làm việc tại đại sứ quán Nga ở The Hague song không cung cấp thêm thông tin chi tiết. Vụ việc cũng được giấu kín cho tới tận bây giờ.

 

Hai cha con cựu đại tá tình báo Nga Skripal (Ảnh: Sputnik)
Hai cha con cựu đại tá tình báo Nga Skripal (Ảnh: Sputnik)

Phòng thí nghiệm Spiez từng lên tiếng xác nhận cáo buộc của Anh rằng cha con ông Skripal là nạn nhân của chất độc thần kinh Novichok. Văn phòng Bảo vệ Dân sự Liên bang Thụy Sĩ hồi tháng 6 cho biết phòng thí nghiệm Spiez từng bị các tin tặc có liên quan tới một nhóm ở Nga tấn công. Tuy nhiên, hiện chưa rõ nhóm này có liên quan tới hai điệp viên Nga hay không.

Đại sứ quán Nga tại Bern đã bác bỏ thông tin liên quan tới hai đối tượng bị nghi là điệp viên Nga. Thông báo của Đại sứ quán Nga cho biết đây chỉ là những tuyên bố sai trái, nực cười và không nằm ngoài mục đích kích động bầu không khí chống Nga.

Thông tin về hai điệp viên Nga bị nghi đột nhập phòng thí nghiệm Thụy Sĩ xuất hiện sau khi chính quyền Anh chỉ đích danh Alexander Petrov và Ruslan Boshirov là hai nghi phạm Nga có liên quan tới vụ đầu độc cha con cựu điệp viên Skripal. Giới chức Anh cho rằng Petrov và Boshirov đã tới Anh vài ngày trước khi vụ đầu độc xảy ra và họ mang theo một chai nước hoa có chứa chất nghi là chất độc thần kinh.

Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn gần đây với truyền thông Nga, hai công dân Nga khẳng định Alexander Petrov và Ruslan Boshirov là tên thật của họ, song họ chỉ đến thành phố Salisbury với tư cách là khách du lịch. Tổng thống Putin cũng tuyên bố Nga biết rõ lý lịch của hai công dân này và khẳng định họ không liên quan đến bất cứ hoạt động phạm pháp nào.

Alexander Petrov và Ruslan Boshirov (Ảnh: RT)
Alexander Petrov và Ruslan Boshirov (Ảnh: RT)

Sergei Skripal, 66 tuổi, là cựu đại tá trong Cơ quan tình báo quân đội Nga (GRU). Ông này bị bắt vào năm 2004 và kết án 13 năm tù vì bị cáo buộc làm gián điệp cho Anh. Ông được phóng thích và được tị nạn ở Anh sau cuộc trao đổi gián điệp lớn nhất trong lịch sử giữa Nga và Mỹ vào năm 2010.

 

Cha con Skripal được tìm thấy bất tỉnh tại một ghế băng công viên ở Salisbury (Anh) hôm 4/3. Giới chức Anh cho rằng, cha con họ bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok, một loại chất độc chỉ có quân đội kiểm soát.

Vụ việc đã làm dấy lên căng thẳng ngoại giao giữa Nga và Anh sau khi London cáo buộc Moscow có liên quan. Moscow nhiều lần bác bỏ cáo buộc mà họ cho là “không có cơ sở” này của Anh.

Theo dantri.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm