Hàn Quốc chú trọng xuất khẩu máy bay T-50, FA-50
Theo ông Sang Choi, phó chủ tịch chịu trách nhiệm mảng kinh doanh của KAI, thất bại trong cuộc đấu thầu chương trình T-X của Mỹ không ảnh hưởng nhiều tới công tác xuất khẩu T-50 và biến thể FA-50, cho dù tập đoàn của Hàn Quốc đặt nhiều kỳ vọng vào dự án này. Hiện tại, KAI hiện đang tiến hành đàm phán với các đối tác Indonesia, Philippines, Argentina, Botswana và một số đối tác nước ngoài chưa được tiết lộ khác để bán 2 máy bay trên.
Indonesia và Philippines là 2 quốc gia hiện đang biên chế T-50, FA-50 và cân nhắc bổ sung thêm. Theo đó, KAI đang mong đợi Indonesia sẽ mua FA-50 để thay thế phi đội máy bay Northrop F-5 E/F đã tương đối lỗi thời của nước này. Về phía Philippines, quốc gia này đang xem xét bổ sung 12 chiếc FA-50, bổ sung vào phi đội gồm 12 chiếc cùng loại sẵn có. Manila mong muốn FA-50 được nâng cấp, tích hợp thêm các thiết bị, vũ khí tân tiến như hệ thống ngắm bắn Sniper của hãng Lockheed Martin, bom do laser chỉ đường, thùng chứa hơn 1.000 lít nhiên liệu ở mỗi cánh.
Bên cạnh đó, ông Choi cũng hy vọng KAI sẽ hoàn tất hợp đồng mua bán với Argentina và Botswana vào cuối năm nay với số lượng máy bay FA-50 lần lượt là 8 và 12. Ngoài ra, Malaysia cũng là một đối tác tiềm năng khi quân đội nước này đang tìm kiếm 12 máy bay huấn luyện và 24 chiến đấu cơ hạng nhẹ.
Tiêm kích đa năng hạng nhẹ FA-50 Fighting Eagle được phát triển từ dòng máy bay huấn luyện T-50 Golden Eagle do KAI và Lockheed Martin hợp tác chế tạo. Được trang bị động cơ turbine phản lực cánh quạt đẩy General Electric F404, FA-50 có thể đạt tốc độ tối đa Mach 1,5, tức 1.640km/h, trần bay 14,6km và phạm vi bay gần 2.000km.
Máy bay FA-50 được tích hợp với nhiều vũ khí, thiết bị hiện đại, có thể kể đến như: radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) Dopler EL/M-2032, pháo M61 Vulcan 20mm, tên lửa AGM-65 Maverick, các loại bom Mk 20, Mk 82, Mk 83, Mk 84…
End of content
Không có tin nào tiếp theo