Quốc tế

Hé lộ thời điểm 'siêu' tàu sân bay hạt nhân CVN-78 của Mỹ sẽ 'nhập biên'

Theo thông báo mới nhất của Hải quân Mỹ, tàu sân bay lớp Ford đầu tiên CVN-78 mà Nghị sỹ Mỹ cho rằng chỉ là 'sà lan chạy bằng năng lượng hạt nhân trị giá 13 tỉ USD', dự kiến năm 2024 mới chính thức đưa vào hoạt động.

Mạng USNI của Hiệp hội Nghiên cứu Hải quân Mỹ (23/10/2019) dẫn báo cáo của Tư lệnh Bộ Tư lệnh Hệ thống trên biển Hải quân Mỹ, Thiếu tướng Tom Moore tại phiên điều trần của Tiểu ban quân sự Hạ viện Mỹ hôm 22/10 cho biết, tàu sân bay lớp Ford đầu tiên mang tên Gerald R. Ford (CVN-78) nhiều khả năng phải đến năm 2024 mới đưa vào phục vụ. Do vấn đề cất hạ cánh máy bay chiến đấu hiện đại chưa được giải quyết nên tàu sân bay lớp Ford của Hải quân Mỹ vẫn tiếp tục ở trong âu tàu. Nguyên bản kế hoạch bố trí tàu sân bay lớp Ford vào năm 2018 sẽ phải kéo dài đến năm 2024 mới hoàn thành bố trí.

CVN-78 vẫn đang trong quá trình nâng cấp sửa chữa. Nguồn: Sina

Theo báo cáo của Thiếu tướng Tom Moore, Hải quân Mỹ đang tăng cường các công tác liên quan để sớm đưa tàu CVN-78 vào hoạt động. Kế hoạch đưa tàu CVN-78 vào hoạt động năm 2018 được đề ra là do Quốc hội Mỹ trước đó đã ban hành luật rằng Hải quân Mỹ không được có ít hơn 11 tàu sân bay.

CVN-78 là siêu tàu sân bay thế hệ mới nhất của Hải quân Mỹ, trị giá 13 tỉ USD để thay thế cho tàu sân bay lớp Nimitz đã lỗi thời. CVN-78 được bắt đầu chế tạo từ năm 2007, đến tháng 10/2013 hạ thủy, kế hoạch cũ là sẽ đưa vào hoạt động năm 2018. Tuy nhiên sau thời gian thử nghiệm, tàu này xuất hiện một số vấn đề kỹ thuật cần khắc phục nên không thể đưa vào hoạt động theo kế hoạch.

Đối với tình hình triển khai lắp đặt hệ thống vũ khí, 3/11 hệ thống vũ khí chủ yếu lắp đặt trên CVN-78 đã thông qua nghiệm thu, 8 hệ thống còn lại đang tiếp tục lắp đặt chờ nghiệm thu. Dự kiến, trong thời gian 18 tháng tới đây sẽ hoàn thành nghiệm thu toàn bộ 11 hệ thống vũ khí hiện đại này, khi đó CVN-78 sẽ bước vào giai đoạn chuẩn bị cuối cùng trước khi đưa vào hoạt động.

Là tàu thế hệ tiếp theo sau lớp Nimitz, CVN-78 có nhiều thiết kế mang tính cách mạng, một trong số đó là hệ thống phóng phi cơ điện từ có thể phóng nhiều máy bay hơn 25% mỗi ngày và cần ít hơn 25% thủy thủ so với lớp Nimitz, hoàn toàn có khả năng thay thế sự cần thiết về các nguồn dự trữ nước nóng và hơi nước của các hệ thống phóng thủy lực. Ngoài ra, Gerald R. Ford còn được trang bị một radar quét điện tử chủ động đa chức năng, và một tháp điều khiển ngắn nhưng cao hơn của lớp Nimitz khoảng 6,1 m, được lắp đặt ở phần đuôi của tàu; thang vũ khí đạn dược của tàu này cũng được cải tiến đáng kể so với tàu lớp Nimitz, CVN-78 sử dụng thang vũ khí đạn được được điện từ hóa, có thể vận chuyển nhanh hơn, nhiều hơn.

Mặc dù khái niệm thiết kế là tiên tiến, nhưng thang vũ khí, bộ giảm chấn và hệ thống phóng điện từ của CVN-78 vẫn nhiều lần thử nghiệm thất bại. Đến tháng 1/2019, tàu này mới thông qua nghiệm thu hệ thống phóng vũ khí đầu tiên. Ngày 9/10, mới tiến hành thử nghiệm và mới chỉ được lắp đặt 2 bệ phóng máy bay.

Kết thúc phiên điều trần, các nghị sỹ Mỹ đều nhất trí cho rằng, năm 2024 chỉ là một con số đại khái, ngày triển khai CVN-78 vẫn đang trong quá trình tính toán và xem xét, đánh giá cuối cùng sẽ cần chờ tham khảo ý kiến giữa Bộ Tác chiến Hải quân Mỹ và Bộ mua sắm, nghiên cứu và phát triển Hải quân Mỹ trước khi đưa ra quyết định.

Ngoài vấn đề CVN-78, Hải quân Mỹ vẫn đang phải đối mặt với vấn đề không đủ số lượng tàu sân bay trên Bờ Đông. Nghị sỹ Elaine Luria nói rằng, hiện nay tàu sân bay lớp “Ford” chỉ là “sà lan chạy bằng năng lượng hạt nhân trị giá 13 tỉ USD”. Trong khi đó, trong các tàu sân bay được bố trí tại bờ Đông của nước Mỹ hiện nay, CVN-75 đã bị trì hoãn triển khai do vấn đề hệ thống điện; CVN-77 thì bị kéo dài thời gian bảo dưỡng; CVN-69 đang chuẩn bị bước vào giai đoạn bảo trì.

Như vậy, Mỹ sẽ chưa có lực lượng thay thế sau khi tàu sân bay tàu sân bay USS Abraham Lincoln (CVN-72) kết thúc nhiệm vụ trực chiến ở Trung Đông. Do đó, Hạ viện Mỹ yêu cầu Hải quân Mỹ phải xem xét nhanh chóng triển khai lại tàu sân bay CVN-75.

Nghị sỹ Elaine Luria cũng chỉ ra nguyên nhân của việc trì trệ trong công tác bảo trì tàu sân bay Mỹ bắt nguồn từ việc chỉ có hai nhà máy đóng tàu ở Mỹ có khả năng sửa chữa các tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân. Cùng với đó, năm 2018 Hải quân Mỹ đưa ra “kế hoạch phản ứng hạm đội” để đối phó với tình huống khẩn cấp nhằm cung cấp khả năng bảo đảm Hải quân, nhưng kế hoạch này cũng không phát huy hiệu quả. Về vấn đề này, Thiếu tướng Moore và Thiếu tướng Gulz cho rằng cần phải chi 21 tỉ USD để tăng ngân sách của ngành đóng tàu Mỹ.

Tuy nhiên, Thiếu tướng Moore cũng đưa ra một thông tin tốt cho Hải quân Mỹ đó là, Nhà máy đóng tàu Ingles thông báo kết cấu của tàu sân bay lớp Ford thứ 2 mang tên John Kennedy (CVN-79) đã hoàn thành 100%. Lễ hạ thủy dự kiến sẽ được tổ chức vào Ngày tưởng niệm Trân Châu Cảng, tức ngày 7/12/2019.

Theo Đức Trí/Infonet
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo