Trung Quốc đã chính thức tham gia cuộc đua phát triển hệ thống APS cho xe tăng với sản phẩm GL5. Vậy hệ thống này tác chiến thế nào.
Hình ảnh giới thiệu về hệ thống phòng vệ chủ động (APS) GL5 được nhà sản xuất NORINCO công bố cho thấy, GL5 đã đánh chặn thành công đầu đạn chống tăng đang lao vào xe tăng.
Tuy nhiên, để đánh chặn mỗi quả đạn, hệ thống GL5 cần phải phóng đồng thời 2 đầu đạn đánh chặn mới thành công.
Dù không công bố cơ cấu đạn đánh chặn nhưng theo hình ảnh công bố cho thấy, có thể Trung Quốc không dùng đầu đạn phân mảnh mà tin dùng kiểu tấn công bằng áp lực khí thuốc để phá hủy đầu đạn chống tăng tấn công.
Đặc biệt, nhà sản xuất chỉ thông báo hệ thống phòng thủ GL5 có thể đánh chặn hầu hết các đầu đạn chống tăng lao đến với tốc độ cực cao và thời gian phản ứng cực ấn tượng. Tuy nhiên, thời gian cụ thể không được NORINCO công bố.
Căn cứ vào bức ảnh được công khai, mỗi xe tăng sẽ được trang bị tới 4 bộ cảm biến với 3 đạn đánh chặn trên 1 cảm biến. Đi kèm với 4 bộ cảm biến này là 1 màn hình điều khiển ở vị trí trưởng xe.
Theo đánh giá của một số chuyên gia, nhiều khả năng kết cấu này đủ khả năng cung cấp sự bảo vệ 360 độ cho chiến tăng được trang bị.
Nhưng do phải phóng đồng thời 2 đạn để đánh chặn một tên lửa đang lao đến sẽ khiến xe tăng được trang bị không thể chống lại cuộc tấn công đồng loạt.
Như vậy, dù đã tham gia cuộc đua phát triển hệ thống APS nhưng sẽ cần nhiều thời gian hơn nữa để hệ thống GL5 của Trung Quốc có khả năng đánh chặn tương tự như Arena của Nga hay Trophy do Israel sản xuất.
Theo Đan Nguyên/Báo Đất Việt
Theo Đan Nguyên/Báo Đất Việt