Quốc tế

Hiểm họa khôn lường từ vũ khí mang AI

Việc tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào vũ khí đang thành cuộc đua giữa các cường quốc. Nhưng chính công nghệ tối tân này được coi là hiểm họa.

AI đang dần thay đổi mọi khía cạnh của chiến tranh và từ lâu đã là mối quan tâm hàng đầu và được ưu tiên phát triển của Mỹ. Vũ khí trang bị AI không chỉ cải thiện hiệu quả mà còn thay đổi bản chất của chiến đấu trong tất cả các lĩnh vực của chiến tranh. Chính vì vậy, hiện quân đội Mỹ đang đẩy nhanh quá trình phát triển AI để giảm thương vong cho binh sĩ và tăng hiệu quả chiến đấu.

"Một trong những thách thức của chúng tôi là làm thế nào để có được nhiều dữ liệu hơn từ các hệ thống chiến đấu và sắp xếp những dữ liệu đó phù hợp nhằm tăng khả năng tự động của vũ khí và giảm sự phụ thuộc vào con người", Thiếu tướng Matt Easley, Giám đốc Lực lượng đặc nhiệm tình báo nhân tạo quân đội Mỹ nói.

Tên lửa ICBM Minuteman III trong hầm phóng.

Hiện Mỹ đang tích cực phát triển và ứng dụng AI trong nhiều lĩnh vực của quân sự, trong đó có Không quân, tên lửa hạt nhân chiến lược, Hải quân, không gian vũ trụ... Việc Mỹ đầu tư cho AI đã nhận được sự cảnh báo khi mới đây, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Work đã trả lời câu hỏi "điều gì có thể trở thành nguyên nhân của một cuộc chiến tranh hạt nhân" khiến Trái đất của chúng ta bị diệt vong, và ông cho rằng, rất có thể đó chính là vũ khí mang AI.

Nội dung bài viết của ấn phẩm Breaking Defense, dẫn nguồn lời ông Robert Work nhấn mạnh, mối nguy hiểm nghiêm trọng trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo của quân đội là ở chỗ, "lực lượng vô hình" này được phép tham gia vào việc đưa ra quyết định: Có nên tiến hành tấn công hạt nhân hay không?

Theo ông, các hệ thống trí tuệ nhân tạo không nên tham gia vào việc kiểm soát vũ khí hạt nhân, vì các hệ thống này được kích hoạt theo các thông số và chỉ số nhất định. Trong một số tình huống, trí tuệ nhân tạo có thể coi các yếu tố không nguy hiểm là mối đe dọa và đây là "triển vọng đáng báo động".

Cụ thể, ví dụ được nêu ra là hệ thống "Perimeter" của Nga. Ở̉ phương Tây, hệ thống này được biết đến với tên gọi là "Dead Hand" (tức Bàn tay Thần chết). Mục đích và giá trị chính của hệ thống hoàn toàn tự động này là duy trì khả năng sống sót và đảm bảo đòn trả đũa hạt nhân, đáp trả lại cú đánh đòn hạt nhân phủ đầu của kẻ xâm lược, trong tình huống đất nước hầu như đã "chết".

Tuy nhiên, hệ thống này dù sao cũng không có lí trí như con người. Nếu con người đứng trước quyết định sử dụng đòn đáp trả hạt nhân, họ sẽ phải xác định chính xác đã có vụ tấn công hạt nhân xảy ra và cân nhắc rất kỹ quyết định đáp trả của mình. Còn máy móc dù thông minh đến đâu thì nó cũng chỉ làm việc theo những gì được nạp vào bộ nhớ và nếu hệ thống có trục trặc, đòn hủy diệt hạt nhân sẽ được quyết định không chính xác.

Ngoài ra, vị cựu Thứ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ nói thêm rằng, việc quân đội sử dụng trí tuệ nhân tạo có thể dẫn đến hậu quả tai hại, ngay cả khi quân đội không tham gia trực tiếp vào việc quản lý vũ khí hạt nhân. Cụ thể, đó là việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích dữ liệu tình báo, cũng như trong các hệ thống cảnh báo sớm.

"Hãy tưởng tượng rằng hệ thống trí tuệ nhân tạo trong trung tâm chỉ huy của các lực lượng Trung Quốc sau khi phân tích dữ liệu đưa ra kết luận rằng Mỹ đang chuẩn bị tấn công Trung Quốc và đề nghị thực hiện một cuộc tấn công phủ đầu để phòng ngừa" - ông Work nói. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng, trí tuệ nhân tạo có thể có lợi cho quân đội, nhưng việc sử dụng nó cần được hạn chế và không nên mở rộng sang lĩnh vực vũ khí hạt nhân.

Nói thêm về Perimeter, tới nay, Nga vẫn bảo mật các chi tiết về hệ thống Perimeter. Người ta chỉ biết rằng, đây là một hệ thống trí tuệ nhân tạo hoàn toàn tự động, là một mạng lưới liên lạc thay thế của Lực lượng Hạt nhân Chiến lược Nga. Hệ thống này vô cùng bí mật, đáng tin cậy và không thể bị vô hiệu hóa. Perimeter được bảo vệ vững chắc khỏi những kẻ phá hoại, thiên tai và các yếu tố gây hại của vụ nổ hạt nhân.

Perimeter luôn được đặt trong trạng thái trực sẵn sàng chiến đấu trên lãnh thổ rộng lớn của Nga, các trung tâm chỉ huy của hệ thống Perimeter thường xuyên giám sát các yếu tố thiên nhiên, địa chấn và bức xạ, theo dõi dữ liệu của hệ thống cảnh báo tên lửa, ghi lại cường độ thương lượng trong các tần số mà quân đối phương sử dụng.

Nếu phát hiện ra dấu hiệu của một cuộc tấn công hạt nhân, hệ thống báo cáo cho bộ tham mưu. Nếu câu trả lời là "cứ bình tĩnh", hệ thống nối lại hoạt động theo dõi tình hình. Nếu không có câu trả lời, Perimeter hướng tới hệ thống điều khiển các tên lửa chiến lược. Nếu không nhận được câu trả lời của hệ thống này, bộ não điện tử của Perimeter tự mình quyết định phát động cuộc tấn công hạt nhân trả đũa, vì nó nhận thức được rằng "đã đến lúc phải giáng đòn hạt nhân vào đối thủ".

Khi đó, Perimeter sẽ ra quyết định phóng các quả điều khiển, chúng trực tiếp phát tín hiệu tới các hầm phóng tên lửa trên mặt đất, tới các tàu ngầm và các cơ sở hạt nhân khác còn sống sót để giáng đòn trả đũa mà không cần sự tham gia của con người.

Trong tình huống rủi ro đối với hệ thống chỉ huy-kiểm soát của Nga, hệ thống Perimeter có thể ghi nhận một hiện tượng hoạt động địa chấn là vụ nổ hạt nhân, sau đó nó sẽ gửi yêu cầu tới trụ sở của quân đội và nếu không nhận được phản hồi, nó có thể ra lệnh phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân để giết chết cả đối thủ. Đó sẽ là thảm họa.

Theo Thùy Dung/Báo Đất Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo