Quốc tế

Hồ sơ Interpol: Lật lại vụ thiếu niên ám sát hụt Nữ hoàng Anh

Chỉ trong vòng vài tháng của năm 1981, Nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ nhị đã trở thành mục tiêu của hai âm mưu ám sát hụt, mà các tay súng đều chỉ là những thiếu niên.

Hồ sơ Interpol: Cảnh sát Hà Lan sản xuất nước hoa phát hiện thuốc lắc / Hồ sơ Interpol: Gã y tá nguy hiểm nhất hành tinh lĩnh án chung thân

Ảnhminh họa. Nguồn: todayifoundout

Ảnh minh họa. Nguồn: todayifoundout

Nữ hoàng Anh là một trong những người được bảo vệ chặt chẽ nhất hành tinh. Nhưng gần 38 năm trước, vào ngày 13/6/1981, một thiếu niên 17 tuổi đã vượt qua hàng rào an ninh, nhả đạn từ khẩu colt xoay về phía xe chở Nữ hoàng ở khoảng cách chỉ 3 mét.

Không chỉ một phát đạn, thiếu niên tên Marcus Sarjeant đã bắn cả loạt nửa tá đạn, đến khi hết sạch đạn trong khẩu súng. Nhưng làm thế nào Nữ hoàng đã thoát chết và còn không hay biết gì về âm mưu táo tợn này.

Theo lời khai của Sarjeant, hắn ta được “truyền cảm hứng” âm mưu sát hại Nữ hoàng sau cái chết của John Lennon (thủ lĩnh ban nhạc Beatles), Tổng thống John F. Kennedy và các âm mưu ám sát hụt Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, Giáo hoàng John Paul II. Đặc biệt Sarjeant bị ám ảnh bởi sự “nổi tiếng” mà Mark David Chapman có được sau khi bắn chết Lennon. Hắn nảy ra ý định làm điều gì đó tương tự để mình cũng được thế giới nhớ đến.

Tư tưởng của Sarjeant không phải là mới, con người đã có những suy nghĩ như vậy từ xa xưa trong lịch sử, mà ví dụ nổi tiếng nhất là từ 2.000 năm trước, khi kẻ tội đồ Herostratus phá hủy Đền thờ thần Artemis, một trong bảy kỳ quan thế giới cổ đại để lịch sử mãi mãi nhớ đến tên hắn ta.

Sau khi quyết định sẽ “ghi danh” vào lịch sử, Sarjeant viết trong sổ tay: “Tôi sẽ gây kinh ngạc và mê hoặc thế giới chỉ bằng một khẩu súng… Tôi sẽ trở thành thiếu niên nổi tiếng nhất thế giới”.

Chú thích ảnh

Hình ảnh Nữ hoàng Anh vào năm 2018 và 37 năm trước đó. Ảnh: Daily Express

Sarjeant tìm cách sở hữu một khẩu súng, nhưng may mắn cho Nữ hoàng, hắn không thể làm được điều đó do luật sở hữu súng và kiểm soát đạn dược nghiêm ngặt của Anh. Hắn không thể mua được đạn để dùng cho khẩu Colt xoay lấy của bố, và cũng không thể tự mua một khẩu súng riêng, mặc dù đã xin gia nhập một câu lạc bộ súng. Cuối cùng, Sarjeant mua được một khẩu Colt Python nhái, chỉ bắn được đạn giả.

Hắn chụp ảnh cùng với khẩu súng nhái mới mua và cả khẩu Colt không có đạn của ông bố. Sarjeant gửi hai bức ảnh tới một số tạp chí cùng lá thư cho biết ý định điên rồ của mình. Gã thiếu niên “ảo tưởng sức mạnh” còn gửi thư tới Nữ hoàng nói rằng: “Thưa Nữ hoàng. Đừng dự lễ diễu hành hôm nay vì một vụ ám sát đang chờ sẵn ngoài đó để giết bà”. Nhưng bức thư này đã không đến tay người nhận cho đến 3 ngày sau khi Sarjeant bắn đạn giả vào Nữ hoàng.

Đúng ngày diễn ra Lễ diễu hành của quân đội Hoàng gia nhân kỷ niệm sinh nhật Nữ hoàng, từ Điện Buckingham tới khu The Mall, Sarjeant kiên nhẫn chờ đợi. Ngay khi phát hiện Nữ hoàng cưỡi ngựa đi tới, hắn đã lao ra gần và bắn cả 6 viên đạn trong súng về phía bà, một hành động chỉ đủ làm chú ngựa 19 năm tuổi của Nữ hoàng giật mình.

Chú thích ảnh

Người đứng đầu Hoàng gia Anh cưỡi ngựa trong buổi lễ mừng sinh nhật bà vào năm 1981. Ảnh: Getty Images

Nữ hoàng không thực sự có phản ứng gì nhiều ngoài việc dỗ dành con ngựa và tiếp tục cười tươi như không có chuyện gì xảy ra.

 

Tất nhiên, vài giây sau khi những phát đạn giả được bắn, cảnh vệ riêng của Nữ hoàng đã quật ngã Sarjeant. Hắn bị tống giam và được bảo vệ riêng nghiêm ngặt. Khi phiên tòa diễn ra, do khẩu súng chỉ có thể bắn đạn giả, nên về mặt kỹ thuật, tòa không thể xét xử Sarjeant vì tội âm mưu ám sát. Thay vào đó, Sarjeant bị xử theo Điều 2 Đạo luật Mưu phản 1842, vì đã “nổ súng cố ý về phía Nữ hoàng, với ý định cảnh báo”.

Cuối cùng Sarjeant vẫn bị kết án 5 năm tù, vì quan tòa cho rằng hắn đã nỗ lực thực hiện âm mưu ám sát như tìm cách mua súng, đạn, lấy được giấy phép sử dụng, và nếu như có được một khẩu súng nạp đạn thật thì hắn đã sát hại Nữ hoàng. Sarjeant ngồi tù 3 năm rồi được tha sớm vào năm 1984.

Chú thích ảnh

Nữ hoàng Elizabeth và Hoàng thân Philip trong chuyến thăm New Zealand vào năm 1981 và lại là mục tiêu của một âm mưu ám sát hụt khác. Ảnh: Time

Nhưng đó không phải là âm mưu ám sát hụt duy nhất xảy ra với Nữ hoàng Anh. Một tài liệu mới giải mật năm 2018 đã tiết lộ một âm mưu ám sát khác cũng của một thiếu niên nhằm vào người đứng đầu Hoàng gia Anh khi bà đang có chuyến thăm New Zealand năm 1981.

Nội dung của tài liệu giải mất cho biết, cảnh sát New Zealand đã tìm cách che giấu vụ việc trong suốt 37 năm.

 

Năm 1981, Nữ hoàng Elizabeth II và Hoàng thân Philip, trong chuyến công du hoàng gia tới New Zealand (quốc gia thuộc Khối Thịnh vượng chung), đã tham gia một cuộc diễu hành ở Dunedin vào ngày 14/10. Khi bà đang trên xe, một thiếu niên 17 tuổi tên là Christopher John Lewis đã cầm khẩu súng trường 22 ly chờ sẵn trên tầng 5 của một tòa nhà ven đường.

Theo tài liệu được Cơ quan An ninh tình báo New Zealand (SIS) công bố, khi Nữ hoàng bước xuống xe, tên John Lewis đã nổ súng nhằm hướng bà nhưng viên đạn đi chệch lên trên cao. "Ban đầu Lewis thực ra có ý định ám sát Nữ hoàng", tài liệu cho biết. Tuy nhiên hắn "không có một điểm tì phù hợp để bắn, và cũng không có một khẩu súng trường đủ mạnh cho khoảng cách ám sát".

Lewis sau đó bị cảnh sát bắt giữ cùng với tang vật là khẩu súng. Hắn đã tự tử vào năm 1997 khi đang ở tù vì một số tội danh cướp của và một tội danh giết người. Thời điểm xảy ra vụ ám sát hụt, cảnh sát đã không buộc tội Lewis vì tội âm mưu ám sát mà chỉ buộc tội hắn sở hữu và sử dụng súng trái phép.

Cũng theo tài liệu giải mật, SIS đã lo ngại nếu sự việc bị lộ thì sẽ không còn những chuyến thăm của thành viên Hoàng gia Anh tới New Zealand trong tương lai.

Theo Thu Hằng/Báo Tin tức
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm