Hơn 19,4 triệu người mắc COVID-19 trên toàn cầu
Đức tự phát triển vũ khí đánh chặn mạnh hơn Patriot / Thổ Nhĩ Kỳ 'lạnh gáy' khi LNA tái trang bị S-200?
Mỹ vẫn là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất với hơn 5 triệu ca mắc bệnh và hơn 163.600 người tử vong. Gần 48.000 trường hợp mắc COVID-19 mới đã được báo cáo trong ngày qua.
Viện Đánh giá và tham số y tế (IHME) của Đại học Washington dự báo, số ca tử vong ở nước này có thể lên tới gần 300.000 ca vào ngày 1/12 và 70.000 người sẽ được cứu sống nếu người dân chú ý đeo khẩu trang. Dự báo trên được đưa ra sau khi một cố vấn cấp cao của Nhà Trắng về dịch bệnh truyền nhiễm cảnh báo, các thành phố lớn ở Mỹ có thể chứng kiến số ca mắc tăng vọt và trở thành các điểm nóng nếu giới chức địa phương lơ là với các biện pháp phòng chống dịch.
Mỹ vẫn là tâm dịch lớn nhất với hơn 5 triệu ca mắc. (Ảnh: AP)
Brazil, tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới, có trên 2,9 triệu ca nhiễm và hơn 99.500 người tử vong. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã ban hành sắc lệnh yêu cầu dành 1,9 tỷ Reais (tương đương 356 triệu USD) để mua và tiến tới sản xuất vaccine phòng bệnh COVID-19 đang được hãng dược phẩm AstraZeneca PLC (Anh) và các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Oxford phối hợp phát triển. Có khả năng người dân Brazil sẽ được cung cấp vaccine vào tháng 12/2020 hoặc tháng 1/2021.
Ngày 7/8, Ấn Độ thông báo ghi nhận trên 2 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó hơn 42.500 người đã không qua khỏi. Số ca mắc mới trong 24 giờ qua tại quốc gia này vẫn ở mức cao nhất thế giới với hơn 61.400 bệnh nhân.
Ấn Độ đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 5/2020. Số ca nhiễm mới tại nước này tăng sau khi Chính phủ bắt đầu nới lỏng phong tỏa vào tháng 6 nhằm nối lại các hoạt động kinh tế. Trước tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan với trên 50.000 ca mới mắc COVID-19 mỗi ngày trong vài ngày trở lại đây, các trường học tiếp tục phải đóng cửa tới cuối tháng 8. Hiện tại, Ấn Độ là nước đứng thứ 3 trên thế giới về số ca nhiễm sau Mỹ và Brazil.
Số người mắc COVID-19 tại Ấn Độ đã vượt mốc 2 triệu ca. (Ảnh: AP)
Tại châu Âu, do tình trạng bùng phát làn sóng COVID-19 thứ hai, nhiều nước đã áp đặt các biện pháp hạn chế mới. Đức là quốc gia mới nhất đưa ra yêu cầu xét nghiệm đối với du khách trở về từ các khu vực bị xem là có nguy cơ, gồm các nước ngoài Liên minh châu Âu (EU) và một số tỉnh tại Bỉ và Tây Ban Nha. Biện pháp này sẽ được áp dụng từ ngày 8/8. Hiện số trường hợp bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Đức là hơn 216.300 ca, trên 9.200 người đã tử vong vì đại dịch này.
Tương tự, nước láng giềng Áo cùng ngày thông báo sẽ ban hành lệnh cảnh báo đi lại đối với Tây Ban Nha đại lục trong bối cảnh gia tăng các ca lây nhiễm mới tại nước này. Biện pháp mới không áp dụng đối với những người từ các vùng lãnh thổ khác của Tây Ban Nha như Balearic hay quần đảo Canary.
Phần Lan cũng nằm trong số các quốc gia châu Âu tăng cường các biện pháp nhằm đảm bảo dịch COVID-19 không lây lan. Theo đó, Chính phủ Phần Lan đã đưa ra những biện pháp kiểm soát mới đối với những người đến từ các quốc gia EU gồm Bỉ, Hà Lan và Andorra.
Anh đã tái áp đặt biện pháp cách ly đối với những người từ Bỉ, Andorra và Bahamas do số ca lây nhiễm mới gia tăng tại những khu vực này. Cùng ngày, Na Uy thông báo sẽ đưa Pháp, Thụy Sĩ và Cộng hòa Czech trở lại danh sách các "vùng đỏ" COVID-19 trong bối cảnh những nước này ghi nhận số ca mắc mới gia tăng.
Ngày 7/8, Nhật Bản ghi nhận số ca mắc mới cao nhất với gần 1.600 trường hợp. (Ảnh: AP)
Trong khi đó, tại nhiều quốc gia ở châu Á, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Ngày 7/8, Nhật Bản đã phát hiện thêm gần 1.600 ca mắc mới COVID-19. Đây là số ca nhiễm mới cao nhất trong ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này hồi tháng 1. Thủ đô Tokyo vẫn là địa phương có số ca nhiễm mới COVID-19 cao nhất với hơn 460 ca, nâng tổng số ca mắc ở thành phố này lên thành hơn 15.000 người. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại Nhật Bản là trên 42.200 trường hợp, hơn 1.000 người đã thiệt mạng.
Tình hình tại Philippines vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi có thêm hơn 3.300 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên trên 122.700, trong đó có 2.168 ca tử vong. Số ca mắc tại Philippines đã tăng gần 7 lần trong khi số ca tử vong tăng hơn 2 lần kể từ khi lệnh phong tỏa nghiêm ngặt được dỡ bỏ vào tháng 6. Hiện Philippines là quốc gia ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất Đông Nam Á.
Tại Australia, chính quyền bang Victoria tiếp tục phải vật lộn với làn sóng lây nhiễm thứ 2 khi ghi nhận thêm 450 ca mắc COVID-19 và 11 ca tử vong. Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 ở Australia hiện đã vượt trên 20.200 ca, trong đó có 266 trường hợp tử vong.
Các nước khác tại châu Á vẫn tiếp tục ghi nhận thêm ca nhiễm và tử vong mới như Bangladesh, Indonesia, Trung Quốc đại lục, Hàn Quốc, Timor Leste ...
End of content
Không có tin nào tiếp theo