Quốc tế

Hơn 223,8 triệu ca mắc COVID-19 trên thế giới, biến thể Mu có thể gây ra các mối lo ngại trong thời gian tới

Đến sáng 10/9, thế giới có trên 223,8 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 4,61 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Hơn 221 triệu ca mắc COVID-19 trên toàn cầu, Australia vật lộn với làn sóng dịch nghiêm trọng nhất / Số ca lây nhiễm COVID-19 cộng đồng tăng trở lại tại Lào, Nhật Bản đối mặt với làn sóng dịch thứ 5

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 41,49 triệu ca mắc và hơn 672.500 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 94.500 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã từ chối phê duyệt sử dụng khẩn cấp đối với thuốc Lenzilumab của Humanigen để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 mới nhập viện. FDA tuyên bố, cơ quan này không thể đưa ra kết luận, những lợi ích đã biết và tiềm năng của thuốc Lenzilumab lớn hơn những rủi ro đã biết và tiềm ẩn của việc sử dụng thuốc này như một phương pháp điều trị COVID-19.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 9/9, nước này ghi nhận hơn 34.300 ca mắc mới COVID-19 và 201 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 33,1 triệu người mắc COVID-19, bao gồm gần 442.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 584.400 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 20,9 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) vừa công bố báo cáo cập nhật thường kỳ về an toàn vaccine, trong đó bổ sung hội chứng GBS (tạm dịch là triệu chứng rối loạn thần kinh hiếm gặp) là tác dụng phụ có thể xảy ra sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược AstraZeneca

Cơ quan Dược phẩm châu Âu ghi nhận 833 trường hợp gặp hội chứng GBS trong tổng số 592 triệu người tiêm vaccine của hãng này trên toàn thế giới trước ngày 31/7/2021. EMA đã phân loại đây là tác dụng phụ "rất hiếm gặp" với tần suất thấp nhất trong danh mục các tác dụng phụ xuất hiện sau tiêm vaccine ngừa COVID-19. Cơ quan này một lần nữa nhấn mạnh, việc tiêm vaccine vẫn mang lại nhiều lợi ích hơn so với các rủi ro. Mới đây, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng đã bổ sung khuyến cáo về hội chứng GBS đối với vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson & Johnson.

Ngày 9/9, EMA cho biết, biến thể Mu có thể sẽ gây ra các mối lo ngại trong thời gian tới dù chưa có dữ liệu cho thấy biến thể này vượt qua biến thể Delta. Cụ thể, biến thể Mu cần phải được quan tâm nhiều hơn vì khả năng vượt qua hệ miễn dịch. Cơ quan này cũng sẽ thảo luận với các nhà phát triển vaccine về hiệu quả của các loại vaccine hiện tại đối với biến thể Mu. Biến thể Mu, lần đầu được phát hiện tại Colombia từ tháng 1, hiện đã lây lan ở hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ và mới được Tổ chức Y tế Thế giới xếp vào danh sách "các biến thể đáng quan tâm".

Hơn 223,8 triệu ca mắc COVID-19 trên thế giới, biến thể Mu có thể gây ra các mối lo ngại trong thời gian tới - Ảnh 1.

51 triệu người ở Đức đã được tiêm chủng đầy đủ, chiếm 61% dân số. (Ảnh: AP)

Bộ Y tế Đức vừa cảnh báo, làn sóng dịch COVID-19 thứ tư có thể bùng phát mạnh trong tháng 9 hoặc tháng 10 tới. Bộ Y tế nước này đồng thời hối thúc người dân nhanh chóng đi tiêm chủng vaccine. Tính đến ngày 8/9, 51 triệu người ở Đức đã được tiêm chủng đầy đủ, tương đương 61% dân số. Để thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng đang chững lại, Chính phủ Đức đang lên kế hoạch triển khai Tuần lễ Hành động tiêm chủng trên toàn quốc kể từ ngày 13/9 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những người đến tiêm mà không cần đăng ký trước.

Dự kiến, bắt đầu từ mùa thu và mùa đông tới, Đức bắt đầu áp dụng quy tắc 3G trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, tất cả những người tham gia các sự kiện tổ chức trong không gian trong nhà đều phải trình giấy chứng nhận đã được tiêm chủng hoặc đã phục hồi sau khi mắc COVID-19 hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính. Hiện Đức ghi nhận trên 4 triệu người mắc COVID-19, bao gồm gần 93.000 người thiệt mạng.

Chính quyền bang New South Wales (NSW) của Australia ngày 9/9 thông báo lệnh phong tỏa sẽ được dỡ bỏ đối với cư dân trưởng thành đã được tiêm đủ liều sau khi địa phương này đạt mục tiêu tiêm chủng đủ liều cho 70% cư dân. Thủ hiến bang NSW Gladys Berejiklian vẫn cảnh báo, các biện pháp hạn chế được áp đặt nhằm chống dịch vẫn tiếp tục được duy trì ở những nơi có số ca mắc COVID-19 cao. Một khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, các cơ quan y tế vẫn có thể hạn chế người dân di chuyển để đảm bảo không có sự gia tăng đột biến nào trong số ca mắc có thể làm tăng áp lực lên hệ thống y tế. Đặc biệt, ở các khu vực còn có số ca mắc cao, những người đã được tiêm chủng đầy đủ sẽ chỉ được thực hiện các hoạt động trong phạm vi cộng đồng địa phương của mình mà không được tự do đi các nơi khác.

Ngày 9/9, New Zealand ghi nhận 13 ca mắc mới lây nhiễm trong cộng đồng, tất cả đều ở thành phố Auckland, nâng tổng số ca mắc trong đợt bùng phát dịch mới nhất lên 868 ca. Tất cả các ca mắc mới đều nhiễm biến thể Delta. Từ 23h59 ngày 7/9 (theo giờ địa phương), mọi khu vực bên ngoài Auckland đã chuyển sang mức cảnh báo cấp 2. Điều này đồng nghĩa các doanh nghiệp và trường học được phép hoạt động trở lại bình thường nhưng việc đeo khẩu trang vẫn là quy định bắt buộc và các cuộc tụ tập họp không quá 50 người. Riêng thành phố Auckland vẫn duy trì mức cánh báo cấp 4 trong ít nhất một tuần nữa.

Mô hình chống dịch hiệu quả của New Zealand được quốc tế đánh giá cao khi nước này chỉ ghi nhận 27 ca tử vong, 3.847 người mắc COVID-19 trong tổng số 5 triệu dân. Tuy nhiên, chiến dịch tiêm chủng ở nước này có phần chậm chạp khi mới chỉ khoảng 26% dân số đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19.

 

Bộ Y tế Slovakia thông báo, Chính phủ nước này đã cho phép tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho tất cả trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Chương trình sẽ được triển khai kể từ ngày 9/9. Các liều vaccine được sử dụng cho trẻ em sẽ được quản lý dựa trên yêu cầu của các bậc cha mẹ và có sự nhất trí của bác sỹ riêng của các em. Theo đó, mỗi em nhỏ trong độ tuổi theo chương trình sẽ được tiêm 1/3 liều vaccine Pfizer-BioNTech và bác sỹ riêng của các em sẽ giám sát liều lượng này.

Cơ quan y tế công cộng về bệnh truyền nhiễm và miễn dịch Slovakia cho biết, trẻ em có bệnh lý về hô hấp, tim mạch, hệ miễn dịch và ung thư là những nhóm dễ gặp nguy hiểm về sức khỏe trong trường hợp mắc COVID-19.

Singapore đã đón chuyến bay chở khách đầu tiên không phải cách ly kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Đây là một chuyến bay chở hành khách từ Đức của hãng hàng không Singapore Airlines, hạ cánh tại sân bay Changi của Singapore vào chiều 8/9. Hành khách đi theo chương trình này phải là người đã được tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ. Hành khách khi đến Singapore cũng sẽ phải thực hiện 4 lần xét nghiệm PCR thay cho việc cách ly và phải tuân theo các điều kiện khác được quy định cho các chuyến bay đến Singapore. Chương trình đi lại không cách ly dành cho hành khách đã được tiêm vaccine hiện đang áp dụng với những hành khách đến từ Brunei và Đức.

Nhờ việc tiêm phòng được hơn 80% dân số, Singapore đã bắt đầu mở cửa và xác định sống chung với COVID. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới tại nước này lại bắt đầu tăng trở lại. Điều này đang đặt ra nhiều thách thức với kế hoạch mở cửa trở lại của Singapore.

Singapore đang từ bỏ chiến lược "Không COVID" bằng cách dần nới lỏng các hạn chế để vừa thăm dò, vừa điều chỉnh kế hoạch sống chung với virus. Với chiến lược sống chung với COVID, Singapore sẽ mở cửa trở lại từng bước theo kế hoạch 4 giai đoạn. Hiện nay đang là giai đoạn 1. Từ tháng 8, Singapore bắt đầu nới lỏng một số hạn chế đối với COVID-19, cho phép những người đã được tiêm chủng đầy đủ dùng bữa tại các nhà hàng và tụ tập thành nhóm 5 người. Cho tới nay, hơn 80% trong tổng số 5,7 triệu dân Singapore đã hoàn thành tiêm chủng và đây là một trong số nhiều nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới.

 

Từ tuần tới, Singapore bắt đầu nới lỏng hạn chế đi lại với lao động nhập cư trong các ký túc xá sau hơn 1 năm áp dụng các biện pháp này. Trước mắt, việc nới lỏng được áp dụng thí điểm cho 500 lao động nhập cư đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19. Các lao động này sẽ được tới các địa điểm công cộng có chọn lọc trong 6 h/ngày, xét nghiệm trước và sau 3 ngày mỗi khi tới các điểm điểm công cộng. Toàn bộ lao động nhập cư khác sẽ được phép tới các trung tâm giải trí tối đa 2 lần/tuần. Sau 1 tháng thử nghiệm, cơ quan chức năng Singapore sẽ đánh giá để ra quyết định tiếp. Hiện hơn 90% lao động nhập cư đã tiêm đủ vaccine.

Hơn 223,8 triệu ca mắc COVID-19 trên thế giới, biến thể Mu có thể gây ra các mối lo ngại trong thời gian tới - Ảnh 2.

Thái Lan đang phải đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ 3. (Ảnh: AP)

Thái Lan vừa cho triển khai xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ cư dân sinh sống tại khu Khlong Toei khu ổ chuột lớn nhất ở thủ đô Bangkok. Khu vực này là nơi sinh sống của khoảng 100.000 người dân và đang trở thành mối quan ngại lớn về dịch bệnh, khi Thái Lan đang phải đối mặt với làn sóng COVID-19 lần thứ 3.

Đối với nhiều gia đình với mức thu nhập 150 USD/tháng (tương đương 3 triệu 450 nghìn đồng) ở khu ổ chuột này, việc xét nghiệm COVID-19 bằng tăm bông thậm chí cũng là một điều xa xỉ. Quỹ Trợ giúp Cộng đồng Bangkok cùng với giới chức địa phương đã khởi động đợt xét nghiệm COVID-19 hàng loạt tại khu ổ chuột Khlong Toei trong nỗ lực phát hiện các ca dương tính với virus, từ đó giúp ngăn chặn nguy cơ khu vực này trở thành nguồn tái lây nhiễm cho toàn thành phố. Ban đầu đã có 50 ca dương tính được phát hiện, nhưng việc thực hiện cách ly tại nhà là rất khó vì điều kiện nơi ở không đảm bảo. Trong quá trình tổ chức xét nghiệm, quỹ từ thiện đã cung cấp 3.000 bữa ăn mỗi ngày cho người dân tại Khlong Toei cùng với các gói dịch vụ chăm sóc y tế và thuốc men. Hiện khu ổ chuột này đã được tạm thời phong tỏa.

Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Thái Lan đang xem xét khả năng tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 3 tuổi trở lên. Tổng Thư ký FDA Paisarn Dankum cho biết, một ủy ban của FDA đang xem xét đề xuất này và sẽ đưa ra quyết định trong vòng 30 ngày tới. Công thức vaccine sẽ giống với công thức mà FDA đã phê duyệt trước đó.

 

Hiện ở Thái Lan có 2 loại vaccine có thể được tiêm cho trẻ vị thành niên từ 12 tuổi trở lên là vaccine của Pfizer và Moderna. Đối với việc tiêm ngừa COVID-19 cho trẻ từ 3 tuổi trở lên, ngoài Sinopharm, Tổ chức Dược phẩm Chính phủ (GPO) cũng đang theo dõi và yêu cầu các tài liệu hỗ trợ từ các nhà sản xuất của Sinovac.

Thái Lan đang có kế hoạch mở cửa trở lại thủ đô Bangkok và một số điểm đến quan trọng khác trong tháng 10. Mục đích là để hồi sinh ngành du lịch đang bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch. Bốn địa điểm là Bangkok, Hua Hin, Pattaya và Chiang Mai sẽ được bổ sung vào một chương trình thúc đẩy du lịch, hiện đang được áp dụng tại đảo Samui và Phuket. Riêng thủ đô Bangkok sẽ chỉ mở lại một phần, bắt đầu từ những địa điểm nổi tiếng và phổ biến với khách du lịch. Các du khách đã được tiêm chủng đầy đủ và cam kết thực hiện một loạt các xét nghiệm cần thiết có thể tham gia theo một số tiêu chí nhất định.

Tại Thái Lan, số ca nhiễm mới hàng ngày lại tăng vượt ngưỡng 16.000 ca/ngày sau vài ngày giảm. Bộ Y tế Thái Lan ngày 9/9 ghi nhận 16.031 ca mới cùng 220 trường hợp tử vong. Hiện tổng số ca nhiễm ở Thái Lan là trên 1,33 triệu người, trong đó có 13.731 người không qua khỏi.

Chính quyền thủ đô Phnom Penh của Campuchia vừa ra quyết định kéo dài các biện pháp hành chính và ngừng những hoạt động có rủi ro lây nhiễm COVID-19 ở mức cao thêm 14 ngày, từ ngày 9/9 tới ngày 23/9. Các cơ sở giáo dục công và tư chưa được mở cửa trở lại. Những hình thức kinh doanh câu lạc bộ như karaoke, quán bar, sàn nhảy, vườn bia, sòng bạc vẫn phải đóng cửa. Khu sinh thái, bảo tàng, khu vui chơi, massage, xông hơi, phòng gym, trung tâm thể thao tiếp tục ngừng hoạt động và việc tụ tập đông người uống bia rượu bị cấm.

Bộ Y tế Campuchia ngày 9/9 xác nhận, tổng số ca tử vong vì dịch COVID-19 tại nước này đã vượt mốc 2.000 người khi trong 24 giờ qua có thêm 20 trường hợp thiệt mạng. Bộ Y tế Campuchia cũng thông báo có thêm 589 ca mắc COVID-19, trong đó có 148 khách nhập cảnh và 441 trường hợp lây nhiễm cộng đồng. Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Campuchia kể từ đầu mùa dịch đến nay lên 97.525 trường hợp.

 

Trong mấy ngày gần đây, tổng số ca nhiễm biến thể Delta được phát hiện tại Campuchia đã tăng lên 3.323 bệnh nhân tại hầu khắp các tỉnh, thành trên cả nước.

Tiêm vaccine đã giúp giảm 100.000 ca mắc mới và hơn 8.000 ca tử vong trong hai tháng 7 và 8. Đây là số liệu tổng kết được Bộ Lao động, Y tế và Phúc lợi Nhật Bản công bố, cho thấy hiệu quả của vaccine trong phòng chống dịch bệnh. Phân tích dữ liệu về bệnh nhân COVID-19 trên hệ thống quản lý dữ liệu trong hai tháng 7 và 8, các nhà phân tích nhận thấy, nếu việc tiêm chủng không tiến triển và tốc độ lây lan dịch bệnh ở mức độ hiện tại, tổng số ca mắc COVID-19 mới tại Nhật Bản trong hai tháng 7 và 8 có thể lên tới 138.000 người, tuy nhiên thực tế chỉ ghi nhận khoảng 30.000 trường hợp

Bộ trưởng Cải cách Hành chính Taro Kono kêu gọi, chính quyền địa phương tiếp tục thúc đẩy tiêm chủng vaccine. Dự kiến sẽ có khoảng 90% trẻ em từ 12 đến 18 tuổi được tiêm cả 2 mũi trong tháng 10 tới.

Chính quyền Nhật Bản quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp do dịch bệnh COVID-19 tại 19 tỉnh đến ngày 30/9. Quyết định được đưa ra sau cuộc họp của Hội đồng cố vấn của Chính phủ Nhật bản diễn ra vào sáng 9/9. Lệnh này hiện đang được áp đặt tại 21/47 tỉnh tới ngày 12/9. Trong khi đó, các tỉnh Miyagi và Okayama sẽ được chuyển từ tình trạng khẩn cấp sang trạng thái gần như khẩn cấp. Chính quyền Nhật Bản có kế hoạch nới lỏng một số hạn chế đối với hoạt động đi lại, các sự kiện quy mô lớn và việc bán đồ uống có cồn trong trường hợp đa số người dân được tiêm vaccine phòng COVID-19. Kế hoạch nới lỏng trên có thể được triển khai từ tháng 11 tới. Thậm chí, các khu vực đang trong tình trạng khẩn cấp cũng có thể áp dụng việc nới lỏng này nếu đáp ứng một số điều kiện nhất định, trong đó có việc tiêm chủng.

Để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã quyết định sẽ gia hạn thời gian hoạt động của trung tâm tiêm chủng quy mô lớn tại Tokyo và Osaka thêm hai tháng. Như vậy, các trung tâm tiêm chủng quy mô lớn này sẽ hoạt động đến ngày 25/11 thay vì ngày 25/9 theo quyết định trước đó.

 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, nguy cơ dịch bệnh COVID-19 tại châu Phi diễn biến theo chiều hướng phức tạp hơn do sự xuất hiện của các các biến thể có tốc độ lây lan nhanh hơn, đặc biệt là biến thể Delta. Ngày 9/9, Văn phòng WHO khu vực châu Phi có trụ sở tại thủ đô Brazzaville của Congo cho biết, số ca nhiễm hàng tuần tại châu Phi đã giảm hơn 20%, mức giảm theo tuần mạnh nhất trong hai tháng qua, khi làn sóng lây nhiễm thứ 3 đang giảm dần. Tuy nhiên, tốc độ giảm lại chậm hơn các làn sóng trước do các tác động của những biến thể lây lan nhanh hơn.Châu lục này ghi nhận hơn 165.000 ca nhiễm trong tuần kết thúc vào ngày 5/9, thấp hơn 23% so với tuần trước đó, nhưng vẫn cao hơn số ca nhiễm theo tuần được ghi nhận vào đỉnh điểm của làn sóng thứ nhất.

Số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi hiện đã vượt 8 triệu ca, trong đó có 201.535 người tử vong. Khu vực Nam Phi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm