Quốc tế

Iran bị nghi bắt tàu chở dầu “mất tích” tại eo biển Hormuz

Một tàu chở dầu đi qua eo biển Hormuz đột nhiên mất tín hiệu vị trí trong bối cảnh căng thẳng vùng Vịnh leo thang sau một loạt vụ tấn công nhằm vào tàu chở dầu gần đây.

Chiến hạm Anh vừa chĩa súng về phía hải quân Iran mạnh cỡ nào? / Infographic: Muốn đánh bại Iran, Không quân Mỹ phải tung hết sức

1

Một xuồng cao tốc của Iran xuất hiện trước một tàu chở dầu tại vịnh Ba Tư. (Ảnh: AFP)

Theo RT, một tàu chở dầu vốn neo đậu tại Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất đã biến mất một cách bí ẩn khỏi màn hình radar khi đi qua eo biển Hormuz. Tàu chở dầu tên Riah và mang cờ Panama, thường chở dầu từ Dubai và Sharjah tới Fujairah.

Đối với một tàu chở dầu bình thường như trên, việc hoàn tất hành trình chưa đầy 200 hải lý thường chỉ mất khoảng 1 ngày rưỡi. Trước khi mất tích, tàu chở dầu Riah thông báo vị trí ở ngoài khơi vùng biển của Dubai hôm 7/7.

Tuy nhiên, trong lúc đi qua eo biển Hormuz vào tối 13/7, các tín hiệu theo dõi trên tàu Riah đột nhiên bị tắt trước nửa đêm, sau khi tàu này đổi hướng và tiến về phía bờ biển Iran. Theo dữ liệu theo dõi hàng hải, tín hiệu trên tàu chở dầu chưa được bật trở lại và tàu được cho là đã “biến mất”.

Nhiều người hoài nghi về chuyện gì đã xảy ra với tàu Riah. Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Iran leo thang và Tehran bị Washington cáo buộc tấn công các tàu chở dầu gần eo biển Hormuz gần đây, mọi sự chú ý đều đổ dồn vào Iran.

 

Theo RT, một phát ngôn viên của công ty vận tải Mouj-al-Bahar General Trading đóng trụ sở tại Sharjah, đơn vị sở hữu tàu chở dầu Riah, cho biết tàu này có thể đã bị chính quyền Iran bắt giữ. Trong khi đó, CNN đưa tin giới tình báo Mỹ “ngày càng tin rằng” tàu chở dầu bị lực lượng hải quân thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran ép buộc phải đi vào vùng biển Iran.

Các tin đồn càng xuất hiện nhiều hơn khi tàu chở dầu Riah biến mất đúng vào ngày lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố sẽ đáp trả việc Anh bắt giữ một tàu chở dầu Iran ở ngoài khơi vùng lãnh thổ Gibraltar hồi đầu tháng. Hiện Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ, lực lượng có sứ mệnh tuần tra khu vực, cũng chưa lên tiếng về vụ tàu chở dầu mất tích khi đi qua eo biển Hormuz.

Iran bị nghi bắt tàu chở dầu “mất tích” tại eo biển Hormuz - 2

Sơ đồ di chuyển của tàu chở dầu mang cờ Panama đi qua eo biển Hormuz. (Ảnh: RT)

Một số giả thuyết được đưa ra liên quan tới vụ tàu chở dầu Riah bỗng nhiên mất tích khỏi màn hình radar. Theo trang web TankerTrackers của Israel chuyên theo dõi hành trình của các tàu, tàu Riah có thể đã tắt tín hiệu vị trí để neo đậu vào các cảng của Iran và tiếp nhận dầu Iran, mặc dù đây là hành vi vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Trước đó, tàu Sino Energy 1 của Trung Quốc cũng biến mất hồi tháng trước ở vùng biển gần Iran, trước khi xuất hiện trở lại với đầy dầu trong khoang và di chuyển theo hướng ngược lại vào 6 ngày sau đó. Tàu này hiện đi qua Singapore để quay về Trung Quốc.

 

Tuy nhiên, với một tàu chở dầu neo đậu tại Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất như tàu Riah, rất khó để tàu này giao dịch dầu mỏ với Iran vì lập trường chính trị khác biệt của hai nước. Hơn nữa Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất có mối quan hệ đồng minh gần gũi với Ả rập Xê út, nước sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới và xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới.

Thông báo của Iran

Hãng tin nhà nước ISNA của Iran đưa tin, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Seyyed Abbas Mousavi ngày 16/7 cho biết các lực lượng Iran đã tới giúp đỡ một tàu chở dầu bị mắc kẹt trên vịnh Ba Tư. Theo người phát ngôn, tàu chở dầu này “gặp sự cố do lỗi kỹ thuật” khi đang hoạt động tại vịnh Ba Tư, do vậy các lực lượng Iran đã kéo tàu này vào vùng biển của Iran và “các biện pháp sửa chữa cần thiết sẽ được tiến hành”.

Nhiều nguồn tin cho rằng tàu chở dầu được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran đề cập tới ở trên chính là tàu chở dầu Riah mang cờ Panama bị biến mất khỏi màn hình radar kể từ cuối tuần trước.

Mặc dù ông Mousavi không nói rõ tên của tàu chở dầu được Iran trợ giúp, song đây được xem là tuyên bố thừa nhận công khai đầu tiên từ một quan chức Iran về tàu Riah.

 

Theo dantri.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm