Quốc tế

Kệ sách cho thuê - Mô hình độc đáo giúp khôi phục văn hóa đọc tại Nhật Bản

Một loại hình nhà sách mới đang phát triển mạnh mẽ trong nỗ lực khôi phục văn hóa đọc tại Nhật Bản, trong bối cảnh nhiều hiệu sách truyền thống phải đóng cửa.

Israel phát hiện hầm chứa vàng, tiền mặt của Hezbollah với tổng giá trị 500 triệu USD / Giá dầu thế giới tăng phiên thứ hai liên tiếp

Chú thích ảnh
Một tiệm sách tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh minh họa: AFP

Tại đây, bất kỳ ai cũng có thể thuê một kệ riêng để bày bán những cuốn sách của mình. Ý tưởng sáng tạo này không chỉ tạo cơ hội cho cộng đồng địa phương có thêm cơ hội tiếp cận sách thuộc những lĩnh vực khác nhau, mà còn mang đến cho độc giả một thế giới đa dạng hơn nhiều so với các gợi ý sách trực tuyến.

Ông Shogo Imamura -một nhà văn chuyên viết tiểu thuyết về Samurai thời phong kiến Nhật Bản, đồng thời là người sáng lập một hiệu sách như vậy tại khu phố sách nổi tiếng Kanda Jimbocho ở thủ đô Tokyo - hài hước chia sẻ: "Ở đây, bạn có thể sẽ tìm thấy những cuốn sách ‘độc lạ’ mà bạn chưa bao giờ nghĩ rằng ai đó sẽ mua chúng".

Các hiệu sách thông thường thường chỉ bán những đầu sách phổ biến dựa trên thống kê doanh số, loại bỏ những cuốn tiêu thụ chậm. Nhưng cửa hàng của Imamura thì “bỏ qua những nguyên tắc đó”.

Hiệu sách của ông Imamura tên là Honmaru, có diện tích khiêm tốn chỉ 53 mét vuông, với 364 kệ, bày bán đủ loại sách từ sách mới đến sách cũ, về đa dạng chủ đề như chiến lược kinh doanh, hay manga và võ thuật. Những người thuê kệ ở đây rất đa dạng, từ các cá nhân đến công ty công nghệ, công ty xây dựng và các nhà xuất bản nhỏ. Mức phí thuê kệ từ 4.850 - 9.350 yen (tương đương 32 - 61 USD) mỗi tháng.

Ông Kashiwa Sato - Giám đốc sáng tạo của hiệu sách này,cho biết: “Các kệ sách ở đây giống như một phiên bản ngoài đời thực của tài khoản mạng xã hội, nơi mỗi người thuê thể hiện mình như trên Instagram hay Facebook”.

 

Ngoài Tokyo, ông Imamura cũng kỳ vọng sẽ mở rộng mô hình nhà sách đến các khu vực khác -nơi văn hóa đọc cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự sụt giảm số lượng các hiệu sách. Thống kê từ Quỹ Văn hóa Công nghiệp xuất bản Nhật Bản cho thấy ¼ số các thành phố tại Nhật Bản không còn hiệu sách và hơn 600 cửa hàng đã đóng cửa trong vòng 18 tháng tính đến tháng 3 vừa qua.

Một số hiệu sách tại Nhật Bản đang nỗ lực duy trì hoạt động bằng cách bổ sung các quán cà phê hoặc phòng gym và mô hình hoạt động. Tuy nhiên, ông Imamura cho rằng đây không phải là giải pháp bền vững để vực dậy văn hóa đọc. Ông cho biết: "Nếu phòng tập gym sinh lời hơn, 90% cửa hàng có thể sẽ trở thành phòng gym, chỉ 10% còn lại dành cho sách".

Khác với các hiệu sách truyền thống -chỉ tập trung bày bán những cuốn sách ăn khách để duy trì hoạt động kinh doanh, những cửa hàng chia sẻ kệ này không có bất kỳ áp lực nào về doanh số. Mỗi cuốn sách tại đây đều là một sự giới thiệu đầy tâm huyết từ người thuê kệ.

Anh Rokurou Yui - chủ sở hữu nhiều hiệu sách theo mô hình chia sẻ trên - cho biết các kệ sách tại cửa hàng của anh chứa đựng "tình yêu lớn" của những người thuê kệ dành cho những cuốn sách mà họ chọn giới thiệu. Anh Yui nhận định: “Điều này giống như bạn đang được nghe chính những người yêu sách giới thiệu về cuốn sách vậy”.

Anh Yui và cha mình - ông Shigeru Kashima, một giáo sư về văn học Pháp - đã khai trương hiệu sách chia sẻ kệ đầu tiên mang tên Passage vào năm 2022. Hiện nay, họ đã mở thêm 3 hiệu sách khác, trong đó cửa hàng mới nhất khai trương hồi tháng trước trong một trường học dạy tiếng Pháp ở thủ đô Tokyo.

 

Với 362 kệ sách, hiệu Passage đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều độc giả thông qua các chiến dịch tiếp thị trực tuyến của người thuê kệ - một điểm khác biệt so với các hiệu sách truyền thống, vốn chỉ dựa vào nỗ lực bán hàng của chủ cửa hàng.

Vào mỗi dịp cuối tuần, cửa hàng của anh Yui lại tấp nập với những khách hàng ở độ tuổi 10, 20, và 30. Họ đến đây không chỉ để mua sách mà còn để trò chuyện và chia sẻ đam mê về sách.

Tháng 3 vừa qua, Bộ Công nghiệp Nhật Bản đã thành lập một nhóm nghiên cứu để xem xét biện pháp hỗ trợ cho các hiệu sách trong nước. Bộ này đánh giá: “Hiệu sách là trung tâm truyền tải văn hóa và là tài sản quan trọng của xã hội trong việc duy trì sự đa dạng ý tưởng và ảnh hưởng đến sức mạnh quốc gia”.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm