Không có Nga, giấc mơ tàu sân bay hạt nhân Trung Quốc khó thành
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đầu tư nhiều nguồn lực vào phát triển tàu sân bay. Các chuyên gia đánh giá để có được sức cạnh tranh hơn, Trung Quốc cần sự hỗ trợ từ phía Nga.
Sĩ quan Singapore trầm trồ trước "sát thủ tàu sân bay" Việt Nam / Thủy thủ gốc Việt và cuộc sống trên siêu tàu sân bay Mỹ
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc có tên Liêu Ninh, vốn là hàng không mẫu hạm Đô Đốc Kuznetsov mua cũ của Ukraine và sau đó đại tu, nâng cấp. Trung Quốc mua lại tàu sân bay này năm 1998 và chỉnh sửa, trang bị lại thành tàu sân bay Liêu Ninh.
Trung Quốc đã hạ thủy tàu sân lớp 001A vào ngày 26/4/2018 tại cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Đây là tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự đóng hoàn toàn, đồng thời là hàng không mẫu hạm thứ hai của nước này. Tàu sân bay lớp 001A dự kiến được phiên chế cho Hải quân Trung Quốc từ năm 2020.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết tàu sân bay thứ ba của Bắc Kinh đang trong quá trình đóng và giống như hai tàu sân bay trước đó đều không chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Chuyên gia Hải quân Li Jie đánh giá để thực sự có khả năng cạnh tranh, quân đội Trung Quốc cần có tàu sân bay có khả năng chở theo tiêm kích Shenyang J-15. Ông Li Jie nói: “Trung Quốc thật sự cần thêm sức mạnh, tàu sân bay năng lượng hạt nhân để chở các tiêm kích siêu nặng như J-15”.
Trung Quốc vốn sở hữu tàu ngầm năng lượng hạt nhân nhưng hệ thống của phương tiện này chưa thể phù hợp với hàng không mẫu hạm.
Chuyên gia quân sự Zhou Chenming khẳng định cách đây 25 năm Pháp đã học được bài học này. Khi đó, để giảm giá thành phát triển Charles de Gaulle – tàu sân bay hạt nhân đầu tiên và duy nhất của Pháp – Paris đã thử nghiệm sử dụng hai lò phản ứng hạt nhân của tàu ngầm K15 làm hệ thống động cơ đẩy chính. Tuy nhiên, kế hoạch này không thành công và Charles de Gaulle mang danh hiệu “tàu sân bay chậm nhất thế giới”.
Chuyên gia quân sự Zhou Chenming nhận định: “Khả năng chiến đấu của Charles de Gaulle giảm mạnh do tốc độ chậm. Đây là bài học đau đớn cho Pháp... Sau khi nhận thấy điều đã xảy ra với tàu sân bay Charles de Gaulle, Trung Quốc hiểu rằng không nên cố gắng thử đưa lò phản ứng hạt nhân trong tàu ngầm vào tàu sân bay”.
Để tránh lặp lại sai lầm của Pháp, Trung Quốc tìm đến Nga để bắt tay phối hợp. Trong tháng 6/2018, Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc đã mời Nga tham gia dự án tàu phá băng năng lượng hạt nhân. Con tàu này dài 152 m, rộng 30 m và có lượng choán nước 30.000 tấn.
Liên Xô từng tận dụng tàu phá băng làm cơ sở thử nghiệm phát triển lò phản ứng hạt nhân cho tàu sân bay trong thập niên 50 của thế kỷ trước. Đến năm 1988, thời điểm Liên Xô khởi động đóng tàu sân bay năng lượng hạt nhân đầu tiên Ulyanovsk – Moskva đã sở hữu 5 tàu phá băng. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tan rã, tàu Ulyanovsk vẫn chưa kịp hoàn thiện.
Chuyên gia Hải quân Li Jie giải thích: “Thiết kế của tàu phá băng khá đặc biệt giúp phương tiện này cắt qua các lớp băng dày do vậy cần hệ thống đẩy mạnh mẽ”.
Trong khi đó, ông Zhou Chenming nói: “Trung Quốc sở hữu tiềm năng hải quân mạnh mẽ nhưng vẫn yếu thế trong lĩnh vực hạt nhân vì vậy có thể học hỏi từ Nga. Nga có công nghệ nhưng lại không nhiều kinh phí, Trung Quốc có kinh phí nhưng lại không sở hữu công nghệ. Khi hợp tác cùng nhau, Trung Quốc sẽ tiến gần hơn tới việc sở hữu tàu sân bay năng lượng hạt nhân đầu tiên”.
Theo Hà Linh/Báo Tin tức
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Ảnh: SCMP