Trung tâm phân tích thị trường vũ khí thế giới - TsAMTO của Nga vừa đăng tải thông tin đáng chú ý liên quan đến hợp đồng mua sắm máy bay của không quân Việt Nam.
Tập đoàn Airbus Defence & Space thông qua bảng thống kê số lượng máy bay quân sự đặt hàng, chuyển giao và vận hành tính đến ngày 31/12/2015 cho biết, họ đã cung cấp cho Việt Nam 3 máy bay vận tải hạng nhẹ CASA C212.
Các máy bay C212 thuộc đợt đầu này của Việt Nam ngoài chở hàng còn có thêm chức năng tuần thám biển. Chúng mặc dù thuộc biên chế lực lượng Cảnh sát biển nhưng lại được giao cho Lữ đoàn không quân 918 khai thác.
Ngoài ra, không quân nhân dân Việt Nam còn đang vận hành 3 máy bay vận tải hạng nhẹ NC-212i do công ty PTDI lắp ráp theo giấy phép của Airbus Defence & Space.
Lý do là bởi dây chuyền sản xuất C212 ở Seville đã ngừng hoạt động và được di dời sang Indonesia, các máy bay này được bàn giao năm 2018, chúng thuộc biên chế Lữ đoàn không quân vận tải 918.
Theo nguồn tin của TsAMTO, Việt Nam đã có văn bản gửi tới công ty PT Dirgantara Indonesia (PTDI) của Indonesia bày tỏ ý định mua sắm lô máy bay tiếp theo do doanh nghiệp này sản xuất.
Khả năng rất cao là Việt Nam sẽ đặt hàng thêm 3 chiếc NC-212i nữa để bổ sung cho đội bay của mình sau khi chiếc vận tải cơ hạng nhẹ An-26 Curl cuối cùng do Liên Xô viện trợ từ thập niên 1980 đã ngừng hoạt động.
Ngoài ra, PT Dirgantara Indonesia cũng đã được mời làm khách mời danh dự tại Triển lãm hàng không quốc tế Việt Nam 2019 (VIAE) sẽ được tổ chức vào ngày 26 đến 28/11/2019 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Theo công bố từ nhà sản xuất, máy bay vận tải hạng nhẹ NC-212i được điều khiển bởi phi hành đoàn 2 người; chiếc phi cơ này có chiều dài 16,2 m; sải cánh 20,28 m; chiều cao 6,3 m; trọng lượng cất cánh tối đa 7.700 kg.
Trái tim của NC-212i là 2 động cơ cánh quạt Garrett AiResearch TPE-331-10R-513C, công suất 900 mã lực/chiếc cho tốc độ tối đa 370 km/h, tốc độ hành trình 3.000 km/h khi bay ở vận tốc tiết kiệm nhiên liệu.
Khả năng chuyên chở của NC-212i là 26 binh lính với trang bị đầy đủ hoặc 2.700 kg hàng hóa, tầm bay đạt 1.811 km và trần bay là 7.925 m.
Ngoài chức năng chính là vận tải thì NC-212i còn có thể đảm nhiệm vai trò máy bay tuần thám biển khi được tích hợp thêm các thiết bị trinh sát phù hợp.
Dự đoán của giới phân tích tình hình quân sự quốc tế đó là không quân Việt Nam sau khi nhận đủ 3 chiếc NC-212i nữa thì sẽ ngừng mua sắm dòng máy bay vận tải hạng nhẹ này để tập trung cho những loại lớn hơn.
Có thông tin cho biết Việt Nam đã đặt hàng 3 máy bay vận tải hạng nhẹ C295 tiếp theo (phiên bản C295W) được lắp ráp tại nhà máy của Airbus đặt tại Tây Ban Nha, tuy nhiên chưa rõ bao giờ công việc sản xuất mới chính thức khởi động.
Bên cạnh đó, trong dài hạn khả năng cao Việt Nam sẽ lựa chọn chiếc C-130J Super Hercules do tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ sản xuất làm "ngựa thồ đường không" chủ lực của mình.
Nhận định trên căn cứ vào tính năng cũng như giá thành ở mức hợp lý nhất, đi kèm với kinh nghiệm khai thác dòng vận tải cơ hạng trung này trong quá khứ.
Theo Bạch Dương/An ninh Thủ đô
Theo Bạch Dương/An ninh Thủ đô