Kinh tế ảm đạm phủ bóng Diễn đàn Davos 2023
Sau ba năm đại dịch, Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos 2023 đã trở lại với khung thời gian truyền thống là tháng 1 đầu năm. Nhưng hội nghị năm nay được tổ chức trong bối cảnh địa chính trị và địa kinh tế được cho là phức tạp nhất trong nhiều thập kỷ, đặc biệt "bóng ma suy thoái" năm 2023 mang đến các cuộc họp bầu không khíảm đạm.
Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán kinh tế thế giới sẽ tiếp tục giảm tốc trong năm 2023 và tăng trưởng kinh tế sẽ chạm đáy, ở mức 2,7%.
Bà Kristalina Georgieva - Tổng Giám đốc IMF: "Chúng tôi dự đoán tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chạm đáy trong năm 2023, cũng có thể nói là chạm đáy để bắt đầu quá trình phục hồi".
Reuters trích dẫn kết quả khảo sát của WEF được công bố tại Davos, cho thấy có tới 2/3 các chuyên gia kinh tế hàng đầu, thuộc phân khúc công lẫn tư nhân, dự đoán suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ xảy ra trong năm nay, với 18% cho rằng xác suất xảy ra là "rất cao" - tỷ lệ cao gấp đôi so với khảo sát được thực hiện tháng 9/2022.
Nhận định về kết quả này, giám đốc điều hành WEF Saadia Zahidi cho biết, môi trường lạm phát cao, tăng trưởng thấp, nợ cao và tình trạng phân hóa cao hiện nay làm giảm động lực cho các khoản đầu tư cần thiết để phục hồi tăng trưởng và nâng cao mức sống cho phần dân số dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.
Một bản khảo sát với các giám đốc điều hành do PwC thực hiện cũng cho thấy một tâm trạng ảm đạm nhất kể từ khi 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới bắt đầu khảo sát một thập kỷ trước. Đây là một thay đổi lớn từ cái nhìn lạc quan trong thời kỳ 2011 và 2022.
Trước đó, Ngân hàng Thế giới đã cắt giảm mức tăng trưởng kinh tế dự đoán cho nhiều quốc gia xuống một cấp độ sát với mức suy thoái kinh tế, lấy những lý do chủ đạo từ lãi suất cho vay tăng cao, cuộc xung đột ở Ukraine và sự kiệt quệ của những nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Bản báo cáo rủi ro toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm nay có điểm gì khác biệt so với các năm trước?
Các báo cáo thường niên vài năm trước đây của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đều xác định vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu là các mối bận tâm lớn nhất và đây được coi là những vấn đề mang tính dài hạn. Thì năm nay, cuộc điều tra đã đưa ra kết quả hoàn toàn khác. Những tình trạng khẩn cấp ngắn hạn đã trở thành nguy cơ lớn nhất, thay cho tình trạng đe dọa về dài hạn. Đó là mức sống của người dân trên phạm vi toàn cầu bị khủng hoảng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị đe dọa bởi tình trạng giá năng lượng và lương thực ở mức quá cao. Đáng chú ý, các dự báo được đưa ra cho biết giá năng lượng và lương thực ở mức quá cao có thể tiếp diễn trong 2 năm tới.
WEF sẽ tập trung vào các giải pháp nào để giải quyết các thách thức kể trên, nhất là diễn biến khó lường của tình hình thế giới?
Sự xói mòn lòng tin giữa các quốc gia trên phạm vi toàn cầu, tình trạng thiếu vật liệu bán dẫn và khủng hoảng năng lượng là 03 vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu trong hàng loạt vấn đề phủ bóng Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm nay. Để giải quyết tận gốc các vấn đề trên, giới chuyên gia của WEF cho rằng, các nước cần khôi phục lòng tin thông qua tăng cường hợp tác giữa các chính phủ và doanh nghiệp, tạo điều kiện cho sự phục hồi và phát triển kinh tế linh hoạt, bền vững hơn để không ai bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên điều này dường như cũng đang gặp rất nhiều thách thức khi Diễn đàn Kinh tế thế giới năm nay thiếu vắng khá nhiều nguyên thủ các cường quốc kinh tế lớn trên thế giới. Trong số nhóm nước công nghiệp phát triển G7, chỉ có Thủ tướng Đức tham dự, xu hướng hợp tác đa phương, toàn cầu hóa đang dần phải nhường chỗ cho những mô hình hợp tác kinh tế mới.
Với sự phức tạp của các vấn đề kinh tế, chính trị hiện nay, cơ hội cho bất kỳ "giải pháp thần tốc" nào tại Davos là rất mờ nhạt. Nhiều chuyên gia tại Diễn đàn Kinh tế thế giới 2023 cho rằng, bàn luận về các vấn đề và đề xuất các giải pháp là việc dễ, thách thức lại nằm ở việc phân bổ trách nhiệm và đưa các kế hoạch hành động vào thực tiễn như thế nào.
Giữa bức tranh u ám này cũng có những điểm sáng. Ví dụ, trong năm nay, các cuộc đàm phán về một Hiệp định mới của WTO về tạo thuận lợi cho đầu tư để phát triển dự kiến sẽ kết thúc. Việc thành lập một liên minh các Bộ trưởng thương mại về khí hậu cũng nằm trong chương trình nghị sự của năm nay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo