Lạm phát dai dẳng làm yếu triển vọng tăng trưởng toàn cầu
Kỷ nguyên của xe tăng đã chấm dứt, nhường chiến trường lại cho UAV? / Quân sự thế giới hôm nay (11/10): Đặc nhiệm Ukraine tiếp nhận UAV trinh sát mới
Các nền kinh tế vẫn sẽ chịu các tác động tiêu cực từ áp lực lạm phát dai dẳng, chính sách thắt chặt tiền tệ, vấn đề nợ cũng như các tác động từ bất ổn địa chính trị, biến đổi khí hậu, dẫn tới việc tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ yếu hơn vào năm 2024.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới mới cập nhật, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng dự báo lạm phát toàn cầu trong năm tới lên 5,8%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Trong bối cảnh đó, tăng trưởng toàn cầu được dự báo ở mức 2,9% trong năm 2024, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 3,8% của hai thập kỷ trước đại dịch.
Ông Pierre-olivier Gourinchas - Nhà kinh tế trưởng, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF): "Nền kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi sau đại dịch và xung đột Nga - Ukraine, cho thấy khả năng phục hồi đáng chú ý nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn chậm và không đồng đều. Nền kinh tế toàn cầu đang đi khập khiễng chứ không phải chạy nước rút".
Để ứng phó lạm phát, các ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu đã tăng mạnh lãi suất nhằm giảm bớt áp lực giá cả. Tuy nhiên, những chính sách này cũng đè nặng lên tăng trưởng toàn cầu.
Trong khi đó, lạm phát dự kiến vẫn cao hơn mức mục tiêu ở 93% nền kinh tế. IMF cảnh báo phải đến năm 2025, dự kiến lạm phát mới quay trở lại mục tiêu. Điểm tích cực là, theo IMF, khả năng cao các ngân hàng trung ương sẽ kiềm chế được lạm phát mà không khiến thế giới rơi vào suy thoái.
Ông Tobias Adrian - Vụ trưởng Vụ Thị trường vốn và Tiền tệ, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF): "Đánh giá mới nhất của chúng tôi cho thấy rủi ro về ổn định tài chính vẫn ở mức khá cao và rủi ro đối với tăng trưởng toàn cầu nghiêng về hướng đi xuống... Khi lãi suất tiếp tục tăng, khả năng trả nợ của người đi vay đang bị kéo dài. Lĩnh vực bất động sản thương mại tiếp tục phải đối mặt với những thách thức do tình trạng vỡ nợ ngày càng gia tăng".
Ông Pierre-olivier Gourinchas - Nhà kinh tế trưởng, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF): "Các ngân hàng trung ương phải tiếp tục tập trung vào việc ổn định giá cả. Khi các quốc gia phải đối mặt với triển vọng lạm phát ngày càng khác nhau, chính sách tiền tệ cũng phải được điều chỉnh phù hợp với tốc độ phục hồi và giảm phát cụ thể của quốc gia đó".
IMF cũng tiếp tục cảnh báo về sự phân mảnh của nền kinh tế toàn cầu, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng thương mại. IMF dự đoán, mức tăng trưởng thương mại là 0,9% trong năm nay, giảm so với mức 2% được dự báo vào tháng 7 và so với mức trung bình 4,9% trong hai thập kỷ trước đại dịch.
Chung tay ứng phó các thách thức kinh tế
Các dự báo mới nhất của IMF được đưa ra trong khuôn khổ Hội nghị thường niên mùa thu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới năm 2023 đang diễn ra tại thành phố Marrakech, Morocco từ ngày 9 đến 15/10. Các định chế tài chính này kỳ vọng thúc đẩy hợp tác, đoàn kết giữa các nước nhằm ứng phó các thách thức kinh tế, theo đuổi các mục tiêu khí hậu, hỗ trợ các thị trường mới nổi và các nền kinh tế ứng phó khủng hoảng nợ ngày càng gia tăng.
Trước những nguy cơ phân mảnh địa kinh tế tác động tiêu cực tới triển vọng kinh tế toàn cầu, các định chế tài chính kêu gọi các quốc gia nỗ lực phối hợp giảm thiểu rủi ro, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực có lợi ích chung như ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực, tăng cường chuẩn bị cho các tình huống đại dịch trong tương lai.
Bà Kristalina Georgieva - Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF): "Trọng tâm trước tiên là về những chính sách phù hợp vào thời điểm bất ổn này, làm thế nào chúng ta có thể cùng nhau nhìn rõ hơn qua màn sương mù trước mắt. Thứ hai, làm cách nào chúng ta có thể huy động nhiều nguồn lực hơn cho các nền kinh tế thị trường mới nổi dễ bị tổn thương và cho các nước thu nhập thấp. Thứ ba, làm thế nào chúng ta có thể giải quyết vấn đề nợ. Và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, làm thế nào chúng ta có thể nuôi dưỡng tình đoàn kết giữa các quốc gia, mà nếu không có thì chúng ta không thể giải quyết được những thách thức trước mắt".
Bà Nadia Fettah Alaoui - Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Morocco: "Khi chúng ta đang thảo luận về việc có bao nhiêu nguồn tài chính và chúng ta cần lựa chọn giữa an ninh lương thực hay nợ, tài chính khí hậu, kinh tế… các nước mới nổi cần tất cả những điều này và tương lai tăng trưởng của thế giới cũng cần sự tăng trưởng của châu Phi".
Về vấn đề nợ, theo IMF, nợ công toàn cầu không chỉ tăng cao hơn mà còn tăng nhanh hơn dự đoán trước đại dịch. Khoảng 15% các nước thu nhập thấp đã rơi vào tình trạng nợ nần và thêm 45% các nền kinh tế ở gần ngưỡng đó. IMF dự báo, với tốc độ hiện tại, nợ công toàn cầu sẽ lên gần 100% GDP vào cuối thập kỷ này.
Ông Abebe Aemro Selassie - Vụ trưởng Vụ châu Phi, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF): "Những con số cho thấy, có một thách thức về tính bền vững của nợ, như vấn đề tái cơ cấu nợ chẳng hạn. Vì vậy, tôi không chắc chắn rằng có một giải pháp xóa nợ toàn diện".
Để ứng phó với các thách thức thì nhu cầu vốn cũng là vấn đề ưu tiên. Ngân hàng Thế giới cho biết, có thể tăng khả năng cho vay lên 150 tỷ USD trong thập kỷ tới.
Ông Ajay Banga - Chủ tịch Ngân hàng Thế giới: "Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng tôi cần phải trở thành một ngân hàng lớn hơn. Đảm bảo đủ vốn, giúp Ngân hàng Thế giới hoạt động nhanh hơn, tốt hơn với các đối tác khác... Tôi chắc chắn sẽ quay lại gặp các cổ đông của chúng tôi để tìm kiếm một ngân hàng lớn hơn vì tôi tin rằng, đó là những gì thế giới cần trong những thập kỷ tới".
Quỹ Tiền tệ Quốc tế thì kêu gọi các nước thành viên tăng hạn ngạch cho vay cho các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, thay đổi cơ cấu để nâng cao tiếng nói của các nền kinh tế đang phát triển.
Bà Kristalina Georgieva - Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF): "Thế kỷ 21 thịnh vượng chỉ có thể có được nếu có một châu Phi thịnh vượng... Nếu chúng ta xây một cây cầu để vốn luân chuyển thì điều đó sẽ tạo ra sự khác biệt, châu Phi sẽ hoạt động tốt, thế giới sẽ hoạt động tốt".
Các định chế tài chính cũng tiếp tục nhấn mạnh việc đảm bảo nguồn tài chính cho cuộc chiến ứng phó biến đổi khí hậu; nhận định, việc thực hiện gói chính sách hỗn hợp, trong đó có mua bán tín chỉ carbon, đánh thuế carbon... có thể giảm đáng kể những tác động về lâu dài của quá trình chuyển đổi khí hậu đối với nợ công của các chính phủ.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang suy yếu và bất ổn gia tăng, các định chế tài chính quốc tế kêu gọi các nhà hoạch định chính sách cần xây dựng một tương lai có khả năng chống chịu tốt hơn bằng cách tăng cường mạng lưới an sinh xã hội để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, cải thiện quản trị và trách nhiệm giải trình, tăng cường khung chính sách và ứng phó với biến đổi khí hậu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo