Liên hợp quốc: Nhiều nơi tại Ukraine đang đối mặt với tình trạng "thiếu hụt chết người"
Chiến sự ác liệt ở Ukraine: Nga đã phóng hơn 1.080 tên lửa, đấu súng dữ dội tại Mariupol / NÓNG: Nga ra quyết định đặc biệt về số phận hàng nghìn tay súng Ukraine ở Mariupol!
Hàng nghìn người Ukraine tìm kiếm sự an toàn ở nước láng giềng Ba Lan. Ảnh: UN
Một cuộc tấn công tên lửa gần sân bay Lviv ở miền tây Ukraine vào đầu ngày thứ Sáu (18/3) đã khiến những người làm công tác cứu trợ nhân đạo của Liên hợp quốc cảnh báo rằng, tình hình trên khắp Ukraine vẫn còn tồi tệ khi hành động quân sự của Nga tiếp tục.
Jarno Habicht - đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Ukraine - cho biết: "Những gì xảy ra sáng nay ở Lviv không phải là bất thường, cũng giống như những nơi khác trên của đất nước này, nhưng đó là một lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng tại đây đang có chiến sự và nhu cầu y tế ngày càng tăng".
Theo số liệu của WHO, cuộc chiến ở Ukraine đã bước sang tuần thứ tư với 44 cuộc tấn công vào các cơ sở y tế trên khắp đất nước này, bao gồm cả các tòa nhà và nhà kho, bệnh nhân, nhân viên y tế và chuỗi cung ứng, khiến cho 12 người được xác nhận là đã thiệt mạng,.
Bất chấp những nguy hiểm, Liên hợp quốc và các đối tác vẫn tiếp tục thúc đẩy tiếp cận nhân đạo.
Ông Habicht nói: "Về vấn đề vận chuyển và giao hàng, chúng tôi có tới 100 tấn hàng để cung cấp cho phía Ukraine, và ít nhất một phần ba trong số đó đã được gửi đến các cơ sở y tế, bao gồm cả cơ sở y tế ở ở thủ đô Kiev".
Tình trạng "thiếu hụt chết người"
Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết, những thường dân không thể thoát khỏi cuộc không kích của quân đội Nga đang gặp nguy hiểm đến tính mạng.
Cơ quan này mô tả tình hình ở các thành phố Mariupol và Sumy là "cực kỳ thảm khốc; người dân phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, nước uống và thuốc men trầm trọng và có thể dẫn đến một "sự thiếu hụt chết người".
Đánh giá được đưa ra sau khi một nhà hát ở Mariupol bị không kích hôm thứ Tư (16/3), mặc dù có thể nhìn thấy rõ dòng chữ được sơn trên mặt đất bên ngoài tòa nhà cho thấy "trẻ em" đang trú ẩn bên trong, nhưng nó vẫn bị nhắm làm mục tiêu.
Matthew Saltmarsh - phát ngôn viên của UNHCR - cho biết, ở miền đông của Ukraine, nhu cầu đã "trở nên cấp bách hơn". "Hơn 200.000 người hiện không có nước sinh hoạt ở một số nơi của vùng Donetsk, trong khi các cuộc pháo kích đang diễn ra ở vùng Luhansk đã phá hủy 80% cơ sở hạ tầng một số nơi và khiến 97.800 gia đình bị mất điện".
Tại Odessa, UNHCR thông báo rằng, các nhà chức trách địa phương đã kêu gọi viện trợ lương thực và thuốc men để đáp ứng nhu cầu của 450.000 người dân thành phố.
UNHCR cho biết: "Tính đến ngày 17/3, theo một điểm tư vấn về bảo hộ, pháp lý và công tác xã hội đang hoạt động tại nhà ga Odessa, mỗi ngày có từ 600 đến 800 người đi từ Nikolaev Oblast đến miền tây Ukraine".
Theo UNHCR, hơn 3,2 triệu người đã rời khỏi Ukraine và hàng triệu người khác phải di tản đến nơi khác trong nước này, trong đó có 13 triệu người bị ảnh hưởng nặng nề bởi xung đột quân sự.
Những người rời Ukraine đã tìm thấy nơi ẩn náu ở Ba Lan, Slovakia, Hungary, Romania, Moldova, Nga và Belarus. 90% là phụ nữ và trẻ em, 162.000 người là công dân nước thứ ba.
Phát ngôn viên của UNHCR Saltmarsh nói: "Trong giai đoạn đầu, lúc mới đến, họ thường không có kế hoạch gì hết. Nhiều người có bạn bè, người thân, mối quan hệ ở nước ngoài… nên họ có thể đến đó một thời gian, rồi mới suy tính tương lai. Tình trạng này đã giảm trong thời gian gần đây".
Để ngăn chặn nguy cơ những người mới đến dễ bị tổn thương này bị lạm dụng, UNHCR và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã thiết lập các cơ sở an ninh được gọi là Blue Dots tại sáu quốc gia: Cộng hòa Séc, Hungary, Moldova, Ba Lan, Romania và Slovakia.
Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cũng hỗ trợ các nạn nhân của cuộc xung đột. Cơ quan này cho biết, họ đã xác định và hỗ trợ được hơn 1.000 nạn nhân của nạn buôn người vào năm ngoái.
Paul Dillon - người phát ngôn của IOM - cho biết thêm rằng, đường dây nóng của cơ quan này được thiết lập trong 9 ngày qua tính đến nay đã nhận được hơn 10.000 cuộc gọi, hơn một nửa trong số đó liên quan đến các vấn đề buôn người.
Những người tị nạn Ukraine sống trong chỗ ở tạm thời tại làng Krowica Sama ở đông nam Ba Lan, trên biên giới với Ukraine. Ảnh: UN
Jens Laerke – người phát ngôn của Văn phòng Điều phối các Vấn đề Nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) - kêu gọi cả hai bên đang xung đột vũ trang "nhất trí về các phương thức, quy trình hoạt động tiêu chuẩn và chi tiết cụ thể về cách thiết lập một hành lang an toàn".
Trong một tuyên bố đưa ra vào cuối ngày thứ Sáu, Amin Awad - điều phối viên của Liên hợp quốc về cuộc khùng hoảng ở Ukraine - cho biết, Liên hợp quốc và các đối tác của họ đã hoàn thành "một cuộc vận chuyển nhân đạo khẩn cấp tới thành phố Sumy – vùng đông bắc nước này. Đây là một trong những khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất tại Ukraine".
Ông Awad nói: "Chúng tôi hy vọng đây là chuyến hàng đầu tiên trong số rất nhiều chuyến hàng cho những người bị mắc kẹt giữa chiến sự".
Điều phối viên cuộc khủng hoảng tiếp tục cho biết, 130 tấn hàng viện trợ cơ bản, bao gồm vật tư y tế, nước đóng chai, bữa ăn sẵn và thực phẩm đóng hộp… sẽ trực tiếp giúp đỡ khoảng 35.000 người.
Ngoài những vật dụng này, đoàn xe còn mang theo thiết bị sửa chữa hệ thống cung cấp nước, để giúp khoảng 50.000 thường dân đang gặp khó khăn.
Ông Awad cho biết: "Khi Liên hợp quốc và các đối tác nhân đạo của chúng tôi mở rộng quy mô hoạt động cứu trợ để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng do cuộc chiến này gây ra, chúng tôi mong chờ vào sự hợp tác tiếp theo từ tất cả các bên".
Ông nói: "Chúng tôi ở đây để giúp đỡ những thường dân dễ bị tổn thương nhất đang bị cuốn vào cuộc giao tranh, bất kể họ đang ở đâu trên đất nước Ukraine. Để làm được điều này, chúng tôi cần tiếp cận nhân đạo không bị cản trở và được duy trì".
End of content
Không có tin nào tiếp theo