Linh Miêu - Dòng xe thiết giáp thế hệ mới của Đức
Lynx là dòng xe thiết giáp được thiết kế để đương đầu với các thách thức của chiến tranh hiện đại.
Trường phái mới xe thiết giáp
Được phát triển bởi tập đoàn Rheinmetall Landsysteme, Lynx (tiếng Đức nghĩa là Linh Miêu) là dòng phương tiện mới với nhiều cấu hình tùy thuộc chức năng, gồm xe chiến đấu bộ binh (IFV), chỉ huy-kiểm soát, trinh sát, giám sát, sửa chữa-phục hồi, hoặc cứu thương… Đây là dòng thiết giáp sử dụng cơ cấu bánh xích địa hình, được thiết kế để hoạt động được ở tuyến đầu trong các cuộc giao tranh và được coi là xu thế mới trong thiết kêÍFV cho tương lai.
Như một trường phái mới trong thiết kế IFV với phương châm giảm thiểu đơn giá, chi phí vận hành-bảo dưỡng và độ phức tạp, một trong những nguyên tắc chính của thiết kế Lynx là tích hợp các hệ thống con đã được kiểm nghiệm về công nghệ để giảm thời gian phát triển, chi phí và rủi ro kỹ thuật. Nhờ cấu trúc mở, Lynx dễ dàng được nâng cấp, ứng dụng các công nghệ mới trong khai thác sử dụng, có chi phí bảo trì, duy tu-bảo dưỡng và sửa chữa nhỏ thấp hơn.
Với Lynx, kiểu thiết kế module đã đạt một tầm cao mới - có thể chuyển đổi chức năng xe ngay trên thực địa bằng cách lắp thêm hoặc thay thế bằng các module thích hợp, nhờ đó, có thể tối ưu hóa trong lắp ráp sản xuất hàng loạt, dễ dàng trong việc thay đổi giữa các phiên bản với nhau; mức độ phổ biến cao của các bộ phận và linh kiện giúp đơn giản hóa công tác đảm bảo kỹ thuật-hậu cần, tác động tích cực đến huấn luyện, có thể sử dụng dịch vụ hỗ trợ phổ thông sẵn có - từ đào tạo, cung ứng, đến sửa chữa, cũng như chuyển giao công nghệ.
Giống nhiều loại khác được sản xuất trong thế kỷ 21, Lynx được trang bị hộp số tự động hoàn toàn, dự trữ nhiên liệu của mọi phiên bản khoảng 700 lít. Với khả năng sống sót cao, thích nghi với môi trường đa dạng, cực kỳ cơ động, hỏa lực mạnh…, Lynx là phương tiện chiến đấu thế hệ tiếp theo được thiết kế để đương đầu với những thách thức của chiến trường trong tương lai. Là sản phẩm của nước Đức, tuy nhiên, quân đội Đức hiện không có phương tiện chiến đấu này trong biên chế; khách hàng tiềm năng của Lynx bao gồm Mỹ, Australia, Séc, Qatar.
Tính năng vượt trội của IFV Lynx
IFV Lynx dùng để chở quân và yểm trợ hỏa lực, có khả năng bảo vệ cao được thiết kế để lấp đầy phân khúc trống trên thị trường xe thiết giáp. Bắt đầu được nghiên cứu từ 2015, hai mẫu IFV Lynx Kettenfahrzeug31 (KF31) và Kettenfahrzeug41 (KF41) - được ra mắt lần đầu tại triển lãm quốc phòng Eurosatory năm 2016 và 2018. Rheinmetall đã cung cấp Lynx cho Giai đoạn 3 (sau khi chào hàng thành công xe bọc thép bánh lốp Boxer cho Giai đoạn 2) Chương trình Land 400 của Bộ Quốc phòng Australia, cũng như cho Quân đội Séc đang tìm ứng viên thay thế những chiếc BVP-2 cũ đang có trong trang bị.
KF31 có tổng trọng lượng 35 tấn, dài 7,73m, thân rộng 3,6m và cao 3,3m, được trang bị động cơ 750 mã lực (563 kW), tốc độ tối đa 65km/h, có thể chở kíp xe ba người và sáu lính bộ binh. KF41 có tổng trọng lượng 44 tấn, được trang bị động cơ 850 mã lực (1.140 kW), tốc độ tối đa 70 km/h, có thể chở kíp xe ba người cùng tám lính bộ binh, đang được cung cấp cho Quân đội Australia (Chương trình Land 400). Động cơ của xe có thể được lắp đặt và hoán đổi một cách nhanh chóng bằng một vài thiết bị đơn giản như xe cẩu hoặc ròng rọc.
IFV Lynx được thiết kế với tháp pháo kiểu module Rheinmetall LANCE gắn pháo tự động 30mm hoặc 35mm có ổn định tầm hướng và điều khiển từ xa, cho phép pháo thủ có thể tiêu diệt mục tiêu từ cự li 3.000m. Lynx được trang bị tổ hợp tên lửa chống tăng có điều khiển Spike LR2 ATGM (hoặc khối phóng máy bay không người lái cỡ nhỏ), hệ thống điều khiển vũ khí từ xa, một súng máy 7,62mm 3 nòng đồng trục. Hệ thống điều khiển hỏa lực pháo, súng máy đồng trục kỹ thuật số cho phép bắn chính xác gần như tuyệt đối (nhờ được trang bị hệ thống ổn định bù giật cực kỳ hiện đại), tốc độ 200 phát/phút với đạn xuyên giáp và đạn điều khiển nổ điện tử (chủ động kích nổ đầu đạn theo tính toán của máy ngắm để tăng sát thương nổ phá mảnh). Khả năng vừa chạy vừa bắn của Lynx cũng được đánh giá là đáng nể so với những mẫu thiết giáp thông thường khác.
Tháp pháo được lắp đặt hai hệ thống kính ngắm quang-điện tử (EO), tích hợp với thiết bị đo xa laser, hệ thống điều khiển hỏa lực (FCS), hệ thống kính ngắm SEOSS cho vũ khí chủ lực của xe. Hệ thống kính ngắm của trưởng xe cho phép quan sát toàn cảnh chiến trường không phụ thuộc vào chuyển động của tháp pháo. Tháp pháo có thể được lắp đặt hệ thống nhận thức tình huống (SAS), hệ thống cảnh báo chiếu xạ laser (LWS), hệ thống xác định âm thanh đầu đạn đối phương và hệ thống chỉ huy, điều hành tác chiến mạng chiến trường C4I. Toàn bộ module chiến đấu được ổn định bằng hệ thống con lăn cơ điện.
Để tăng cường khả năng sống sót trên chiến trường, Lynx được lắp đặt các tấm giáp nhiều lớp, có khả năng ngăn chặn đạn chống tăng, đạn xuyên giáp các cỡ nòng, mảnh đạn pháo hạng nặng và bom hàng không...; kết cấu đáy kép giúp nâng cao khả năng kháng mìn chống tăng tự chế (IED), ghế ngồi trong trạng thái treo để giảm thương vong tối đa từ mìn gầm xe và có thể lắp thêm các khối giáp bổ sung dạng module nhằm tăng cường khả năng bảo vệ. Thành trong của xe được gắn một lớp lót tăng cường để bảo vệ thành viên kíp xe trong điều kiện thiết giáp bị xuyên thủng.
Đặc biệt, Lynx được trang bị tùy chọn hệ thống ngụy trang, hay hệ thống phòng vệ chủ động, cho phép đối phó các cuộc tấn công bằng đầu đạn nổ lõm của súng, tên lửa chống tăng, và được tăng cường các bộ khí tài vô hiệu hóa sóng xung kích của mìn và IED. IFV được tích hợp hệ thống dò sóng âm chống bắn tỉa ASLS. Tất cả những trang bị này hiện đều khá mới so với hầu hết xe chiến đấu hiện có trong quân đội Mỹ. Rheinmetall Defence cho biết, về trang bị cơ bản, khả năng bảo vệ của IFV Lynx đạt cấp bảo vệ số 5 theo tiêu chuẩn STANAG 4569, tương đương khả năng sống sót khi bị tấn công bằng đạn 25mm ở khoảng cách 500m.
Trong vài năm trở lại đây, Lầu Năm Góc tích cực tìm kiếm phương tiện chiến đấu mới, tuy nhiên, do yêu cầu đấu thầu, các nhà thầu nước ngoài không được phép dự thầu cung cấp xe chiến đấu mới cho Quân đội Mỹ. Chính vì thế, các Tập đoàn Rheinmetall và Raytheon (Mỹ) đã phải thành lập liên doanh có tên là Raytheon Rheinmetall Land Systems LLC để hội đủ điều kiện dự thầu. Trên nền tảng KF41, Rheinmetall đang phối hợp với Raytheon phát triển phương tiện chiến đấu không người lái đa dụng mới (OMFV) và biến thể có người lái truyền thống, phục vụ cho chiến tranh đô thị và địa hình nông thôn đa khu vực.
Đáp ứng yêu cầu tác chiến bất đối xứng, OMFV phải có khả năng điều khiển từ xa để giảm nguy cơ thương vong cho binh sĩ và tổ lái, có khả năng bảo vệ tốt những người lính, mang lại lợi thế áp đảo trên chiến trường. So với KF41, biến thể OMFV được trang bị nhiều công nghệ hiện đại hơn như tên lửa chống tăng TOW, hệ thống phòng thủ chủ động, thiết bị quan sát quang-điện tử thế hệ 3, đạn pháo thông minh Coyote, cũng như hệ thống trao đổi thông tin bảo mật, có thể thay thế vai trò của các dòng xe chiến đấu Stryker và Bradley của Quân đội Mỹ trong tương lai.
End of content
Không có tin nào tiếp theo