Quốc tế

Lo ngại lạm phát tăng, chứng khoán Mỹ lại quay đầu giảm

Sau phiên tăng mạnh, chứng khoán Mỹ lại quay đầu đi xuống khi một cuộc khảo sát cho thấy lạm phát kỳ vọng vẫn đang tăng, một tiêu chí mà Fed đang theo dõi chặt chẽ cho động thái sắp tới.

Tin đồn phá sản, điều gì đang xảy ra với đại gia ngân hàng Credit Suisse? / OPEC+ chốt giảm 2 triệu thùng/ngày để tăng giá dầu, bất chấp áp lực từ Mỹ

Một ngày sau phiên đảo chiều mạnh nhất trong lịch sử, các chỉ số chứng khoán Mỹ lại quay đầu đi xuống trong phiên hôm qua, kết thúc một tuần giao dịch đầy biến động, khi giới đầu tư xem xét các kỳ vọng về lạm phát.

Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones giảm 403,89 điểm, tương đương 1,34%, xuống 29.634,83 điểm. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn tăng 1,15% trong tuần. Chỉ số S&P 500 giảm 2,37% xuống 3.583,07 điểm, chốt phiên ở mức giảm lần thứ 7 trong 8 ngày qua. Chỉ số Nasdaq Composite cũng giảm 3,08%, kết thúc phiên ở mức 10.321,39 điểm. Tội đồ kéo chỉ số Nasdaq là cổ phiếu Tesla và Lucid Motors khi lần lượt giảm mạnh 7,55% và 8,61%.

Lo ngại lạm phát tăng, chứng khoán Mỹ lại quay đầu giảm - 1

Dow Jones giảm hơn 400 điểm sau phiên đảo chiều tăng mạnh. Song kết thúc tuần vẫn tăng 1,15% so với tuần trước (Nguồn: CNBC).

Cả S&P 500 và Nasdaq đều kết thúc tuần thấp hơn so với tuần trước, lần lượt giảm 1,55% và 3,11%. Nasdaq Composite giảm mạnh nhất khi các công ty tăng trưởng thường nhạy cảm nhất với việc tăng lãi suất.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ giao dịch ở mức thấp trong hầu hết phiên giao dịch sau khi cuộc khảo sát người tiêu dùng từ Đại học Michigan cho thấy các kỳ vọng về lạm phát đang tăng lên. Đây là một chỉ báo tâm lý mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang theo dõi chặt chẽ.

Trong khi đó, lợi tức trái phiếu tăng mạnh. Lợi tức trái phiếu kho bạc 10 năm của Mỹ đang đạt đỉnh 4% lần thứ 2 trong hai ngày giao dịch khi các nhà đầu tư phản ứng với lạm phát kỳ vọng cao hơn.

Thị trường chứng khoán phố Wall đã biến động mạnh trong suốt tuần qua khi các nhà đầu tư cân nhắc đến dữ liệu lạm phát mới. Bởi đây sẽ chỉ báo cho thấy liệu Fed có tiếp tục tăng lãi suất để hạ nhiệt giá cả. Ngay trong phiên công bố dữ liệu lạm phát, thị trường đã có cú đảo chiều kinh ngạc. Dow Jones kết thúc phiên ở mức tăng 827 điểm sau khi để mất hơn 500 điểm trong phiên giao dịch. Chỉ số S&P 500 cũng tăng 2,6% phá vỡ chuỗi 6 phiên giảm điểm liên tiếp. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite tăng 2,2%.

Theo Sentiment Trader, đây là phiên đảo chiều lớn thứ 5 trong lịch sử của S&P 500 và là phiên đảo chiều lớn thứ 4 của Nasdaq.

 

Sự biến động này diễn ra sau khi Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 nóng hơn dự kiến. Ban đầu, báo cáo này đã khiến thị trường giảm mạnh khi nhà đầu tư lo ngại rằng Fed sẽ tiếp tục mạnh tay với kế hoạch tăng lãi suất. Tuy nhiên, sau đó, họ đã bỏ qua mối lo ngại này khi cho rằng lạm phát đang đạt đỉnh.

Lạm phát là vấn đề dai dẳng của Fed và của giới đầu tư khi họ lo ngại về chính sách thắt chặt của ngân hàng trung ương. "Với việc CPI lõi vẫn đi chệch hướng và thị trường lao động vẫn mạnh, thì Fed sẽ chưa xoay trục chính sách. Đây sẽ là một trong những điều kiện để đảm bảo mức tăng bền vững cho thị trường chứng khoán", ông Mark Haefele, giám đốc đầu tư tại quỹ quản lý tài sản toàn cầu UBS nhận định.

Theo ông, khi lạm phát vẫn leo thang và Fed sẽ tăng lãi suất hơn nữa, rủi ro nền kinh Mỹ suy thoái do việc thắt chặt chính sách gia tăng, từ đó làm suy yếu triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm