Lộ vũ khí thực sự được Trung Quốc tích hợp cho H-6N
Hiện tại xu hướng đưa tên lửa đạn đạo đất đối đất lên máy bay để biến nó thành loại không đối đất nhằm mục đích tăng tầm xa cũng như tốc độ đang được các cường quốc quân sự trên thế giới rất ưa chuộng.
Đi tiên phong trong lĩnh vực này chính là Nga, khi họ đã đưa đạn tên lửa 9M723 thuộc hệ thống Iskander-M lên tiêm kích MiG-31K với tên định danh mới là Kh-47M2 Kinzhal (Dao găm).
Không chịu tụt hậu lại phía sau, Trung Quốc cũng cho thấy họ sẽ triển khai một dự án tương tự nhưng đối tượng được lựa chọn để mang vác lại là máy bay ném bom chiến lược H-6N thế hệ mới, khi khung vỏ của chiếc oanh tạc cơ này được chế tạo sẵn với các điểm treo và khoảng không gian lõm vào dưới bụng.
Vũ khí được Trung Quốc đưa vào tầm ngắm theo nhận định chính là tên lửa đạn đạo chống tàu sân bay DF-21D và thậm chí là cả loại DF-26 lớn hơn. Các tên lửa này có tầm bắn lần lượt là 1.500 và 3.500 km, khi được triển khai từ trên không thì con số này dự báo sẽ gia tăng gấp bội.
Một bức ảnh đồ họa cho thấy máy bay ném bom H-6K mang một loại tên lửa chưa rõ tên định danh dưới bụng sau đó đã xuất hiện trên một số trang mạng quân sự của Trung Quốc, cho thấy ý định trên là nghiêm túc.
Nhưng thật bất ngờ, trong buổi lễ duyệt binh chào mừng 70 năm quốc khánh diễn ra hôm 1/10, đối tượng thực sự sẽ được kết nối vào máy bay ném bom H-6N đã lộ diện, đó không phải tên lửa đạn đạo mà là máy bay không người lái tàng hình siêu âm WZ-8.
Sở dĩ có nhận định trên là bởi trên lưng chiếc UAV WZ-8 có sẵn hai móc chờ, vị trí này vừa khớp với máy bay ném bom H-6N, chưa kể phần lõm dưới bụng chiếc H-6N cũng tỏ ra rất phù hợp với kích thước của phần lưng chiếc UAV này.
Sau khi được triển khai từ H-6N, nhờ có sẵn vận tốc và độ cao lớn từ ban đầu, chiếc WZ-8 có thể di chuyển ở tốc độ gấp 6 - 7 lần vận tốc âm thanh, có nghĩa là gần như không thể bị bắn hạ bằng các phương tiện thông thường, chưa tính đến các yếu tố như tác chiến điện tử.
WZ-8 cung cấp cho PLAAF khả năng dẫn đường chính xác cho các tên lửa hạng nặng trong trường hợp vệ tinh quân sự của Trung Quốc bị vô hiệu hóa, bên cạnh đó còn giúp gia tăng cơ hội tấn công vào các nhóm tàu sân bay Mỹ.
Trong tương lai không loại trừ khả năng sẽ có một phiên bản WZ-8 mang đầu đạn để thực hiện vai trò như chiếc UAV cảm tử Harop của Israel, khi đó phương tiện này sẽ trở nên đáng sợ gấp bội.
Theo Tùng Dương/Báo Đất Việt
loading...
End of content
Không có tin nào tiếp theo