Lý do gì khiến Trung Quốc không đàm phán vũ khí với Nga - Mỹ?
Hiệp ước INF hay thỏa thuận hạt nhân tầm trung đã được Mỹ và Liên Xô ký kết với nhau năm 1987. Theo hiệp ước này, các quốc gia liên quan (bao gồm Mỹ và Liên Xô) sẽ không sử dụng tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình tầm trung.
Điều này đồng nghĩa với việc, các kho và tên lửa tầm trung của Mỹ cũng như của Liên Xô sẽ bị hai nước tiêu hủy hoàn toàn. Ban đầu, hiệp ước có hiệu lực với các loại tên lửa có tầm bắn từ 1000 tới 5500 km, về sau, hiệp ước có hiệu lực với cả các loại tên lửa có tầm bắn từ 500 tới 1000 km.
Ít ai có thể ngờ rằng, chỉ 30 năm sau khi hiệp ước thỏa thuận này có hiệu lực, Mỹ buộc phải xé bỏ INF do một "nhân tố mới" nổi lên - đó chính là Trung Quốc.
Về cơ bản thì việc Mỹ và Liên Xô tự hủy các loại vũ khí tầm trung theo như hiệp ước INF quy định rõ ràng không ảnh hưởng gì tới Trung Quốc. Bắc Kinh trong thời gian này đã đầu tư vào việc nghiên cứu và sáng chế tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình ở quy mô rất lớn.
Để có thể làm ra được loại tên lửa có khả năng bắn liên lục địa, Trung Quốc chắc chắn sẽ phải nghiên cứu và chế tạo ra các loại tên lửa tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Việc không bị vướng bởi INF cho phép Trung Quốc - cũng như mọi quốc gia khác trên thế giới thoải mái nghiên cứu, chế tạo tên lửa tầm trung dù hai ông lớn đã rời cuộc chơi từ lâu.
30 năm sau, kho vũ khí của Trung Quốc đặc biệt là những loại có tầm bắn trung bình trong khoảng từ 1000 tới 5000 km đã khiến Mỹ phải muối mặt xé bỏ hiệp ước INF dù biết rằng nếu mình làm vậy, Nga cũng sẽ có động thái tương tự.
Khi xé bỏ INF, Mỹ đã cáo buộc Nga vi phạm trước với việc đưa các loại vũ khí hạt nhân tầm trung vào biên chế. Tuy nhiên ai cũng biết đây chỉ là một cái cớ không hơn. Bản thân Mỹ lo sợ sự vươn lên của Trung Quốc và việc Trung Quốc không bị giới hạn bởi bất cứ hiệp ước hạn chế nào sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới Mỹ trong tương lai khi mà nước này không có thứ vũ khí tương đương để cân bằng đối trọng.
Nhận định này là hoàn toàn chính xác khi mà gần đây, Mỹ đã bày tỏ quan điểm sẵn sàng ký lại một thỏa thuận cấm sử dụng vũ khí hạt nhân tầm trung tương tự như INF nhưng lần này là với cả Nga và Trung Quốc tham dự.
Vấn đề là, người Trung Quốc không có cớ gì để phải ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ, kể cả khi sức ép của các đòn trừng phạt kinh tế mà Mỹ giáng lên Bắc Kinh đang ngày một đè nặng.
Thêm một trở ngại nữa có thể khiến một hiệp ước tương tự như INF với sự tham gia của Trung Quốc khó có thể trở thành hiện thực, đó là sự bất cập trong các điều khoản và cách thức triển khai của hiệp ước này.
Thay vì có sự tham gia của toàn thế giới như hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân, một hiệp ước như INF sẽ chỉ có tác dụng với vài quốc gia tham gia. Trong trường hợp Trung Quốc chịu ký với Mỹ một hiệp ước như vậy, ngay khi một quốc gia đối nghịch với Trung Quốc có được vũ khí hạt nhân tầm trung, nước này cũng sẽ lại đơn phương rút khỏi hiệp ước với rất nhiều lý do khác nhau - cốt cũng chỉ để tự bảo vệ mình - như cách Washington đã làm trong quá khứ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo