Quốc tế

M60TM Thổ Nhĩ Kỳ vô hiệu hóa mọi loại tên lửa chống tăng của người Kurd

Nhờ hệ thống phòng vệ chủ động (APS) Pulat chế tạo theo công nghệ Ukraine chuyển giao mà các xe tăng M60TM của Thổ Nhĩ Kỳ đủ khả năng vô hiệu hóa mọi loại tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) của các tay súng người Kurd.

Trong chiến dịch "Cành ô liu" tấn công vào tỉnh Afrin của Syria hồi đầu năm 2018, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã phải hứng chịu thiệt hại khá nặng nề khi đối đầu với các tay súng người Kurd

Hình ảnh xuất hiện rất nhiều trên các phương tiện truyền thông khi đó chính là các xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) Leopard 2A4 của Thổ Nhĩ Kỳ bị nổ tung tháp pháo sau khi trúng tên lửa chống tăng.

May mắn cho Ankara là số lượng xe tăng của họ bị mất không quá nhiều, do khu vực tỉnh Afrin không phải là nơi các chiến binh người Kurd tập trung với số lượng lớn.

Tuy nhiên, mới đây khi Thổ Nhĩ Kỳ lại mở chiến dịch tấn công tổng lực vào miền Bắc Syria nhằm nhổ bỏ hoàn toàn lực lượng người Kurd thì đã có dự báo cho rằng Ankara sẽ phải hứng chịu thiệt hại lớn hơn nhiều.

Dẫn đầu mũi xuyên phá của bộ binh Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến dịch này là các xe tăng M60TM do họ tự nâng cấp theo công nghệ Israel. Với các lớp giáp phức hợp gắn thêm thì chiếc MBT này có độ vững chắc hơn hẳn Leopard 2A4.

Mặc dù vậy có vẻ như Ankara vẫn chưa hoàn toàn yên tâm nếu chỉ trông cậy vào vỏ giáp, hình ảnh những chiếc M60TM được đưa tới chiến trường Syria đã cho thấy trên xe xuất hiện các module của tổ hợp APS Pulat do nước này chế tạo theo nguyên mẫu Zaslon của Ukraine.

Cuối năm 2018, xuất hiện thông tin Ankara mua bản quyền từ Ukraine để chế tạo hệ thống APS Zaslon được thiết kế cho xe tăng và Shershen tương thích xe thiết giáp hạng nhẹ để cài đặt trên những chiến xa của các đơn vị ở tiền tuyến.

Tổ hợp phòng vệ chủ động này của Ukraine có kết cấu khá kỳ lạ, bao gồm 4 - 6 module gắn kết vào thân xe với phần chiến đấu chĩa ra phía ngoài trông như những nòng pháo phụ.

Khi ở trạng thái tĩnh, phần chiến đấu của tổ hợp APS thu gọn vào bên trong hộp bảo vệ và chỉ đưa ra ngoài khi cảm thấy có mối đe dọa, cảm biến sẽ liên tục quét xung quanh xe để phát hiện tên lửa hay đạn chống tăng bay tới.

Khi nhận diện được nguy hiểm, hệ thống sẽ tính toán và nhanh chóng tung ra đòn phòng vệ bằng hàng ngàn viên bị thép nổ chụp vào vũ khí của đối phương, thời gian phản ứng cực nhanh đảm bảo an toàn cho kíp chiến đấu.

Trước kia hệ thống APS Zaslon và Shershen của Ukraine không được đánh giá cao vì chúng gặp phải vấn đề với khả năng hoạt động cùng lúc của các module.

Cụ thể, các hệ thống này rất khó khăn khi phải chống trả lại cuộc tấn công của đạn chống tăng đến từ nhiều hướng, tuy nhiên theo tuyên bố của nhà sản xuất thì mọi việc đã được khắc phục hoàn toàn.

Tuy nhiên, Zaslon và Shershen có nhược điểm khi chúng là hệ thống APS hoạt động theo nguyên tắc cũ, dễ gây thương vong nghiêm trọng cho lính bộ binh đi kèm vì mảnh văng phát tán trên diện tích rất rộng và khó kiểm soát.

Hiện nay một số hệ thống APS của phương Tây như Iron Curtain do Mỹ sản xuất hoặc ADS của Tập đoàn Rheinmetall, Đức hoạt động trên nguyên lý dùng áp lực thuốc nổ hoặc bột kim loại để vô hiệu hóa vũ khí đối phương.

Mặc dù vậy trước yêu cầu cấp thiết của chiến trường cùng với giá thành chế tạo thì hệ thống APS Zaslon và Shershen của Ukraine vẫn tỏ ra rất thích hợp với Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo công bố trong những lần thử nghiệm tới tên lửa chống tăng Kornet, hệ thống APS này đã đạt xác suất đánh chặn tới 100%, cho nên sẽ rất khó khăn cho các tay súng người Kurd có thể gây hại cho chiến xa Thổ Nhĩ Kỳ như tại tỉnh Afrin.

Theo Việt Dũng/An ninh Thủ đô
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo