Mảng tối đằng sau những người thực thi cuộc chiến chống ma túy ở Philippines
Nỗ lực xâm nhập vào Latakia, phiến quân nổi dậy sập bẫy quân đội Syria / Chùm ảnh: Quân đội Syria lại giành "chiến lợi phẩm" khổng lồ ở Dara'a
Một nhóm người đột kích vào trong một văn phòng và đuổi toàn bộ nhân viên ra khỏi chỗ làm việc. Một người mặc áo khoác màu xanh, đội mũ bóng chày, tát vào mặt một người khiến anh này ngã gục xuống sàn.
Sau khi tát thêm vài nhân viên, những người làm nhiệm vụ đột kích dồn nhân viên sang một căn phòng nhỏ và khóa cửa lại. Trong lúc đám đông không chú ý, một người trong nhóm đột kích mở mặt nạ, kéo khóa ba lô đeo trước ngực và nhét một thứ gì đó vào những chiếc bàn trống.
Người đàn ông này đang nhét ma túy. Anh ta và những người đồng hành là những cảnh sát chống ma túy.
Hành động mà không để ý tới camera an ninh, họ không chỉ dàn dựng hiện trường giả khi lục xét nơi làm việc, mà còn phá văn phòng, mang theo số tài sản 7 triệu peso Philippines. Sau đó, họ yêu cầu người chủ đưa thêm 2 triệu peso.
Đoạn video ghi lại một cuộc đột kích chống ma túy ở Manila năm 2016 đã được trình chiếu tại Thượng viện Philippines trong phiên điều trần tháng 1/2017. Ông Ronald dela Rosa, người khi đó đứng đầu lực lượng cảnh sát Quốc gia Philippines (PNP) tuyên bố rằng đơn vị cảnh sát trong đoạn video sẽ bị điều tra và “có thể bị giải tán”.
Gần 2 năm sau khi đoạn video được công bố, chưa có một cập nhật chính thức về vụ việc và PNP vẫn chưa cung cấp tên của những cảnh sát liên quan tới vụ việc. Ông Dela Rosa đã nghỉ hưu và dự tính sẽ tranh cử ghế thượng nghị sĩ vào năm sau.
Vụ dàn cảnh trên chỉ là một trong nhiều vụ việc với nghi vấn cảnh sát chống ma túy đã lạm quyền mà phớt lờ đi đạo đức nghề nghiệp, những tiêu chuẩn và kỷ cương của lực lượng hành pháp.
Những mảng tối
Tổng thống Duterte - người phát động cuộc chiến chống ma túy gây tranh cãi ở Philippines (Ảnh: AFP)
“Sự chuyên nghiệp (của cảnh sát) đã bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến chống ma túy và nạn tham nhũng ngày càng gia tăng”, nhà báo kỳ cựu Manuel Mogato trả lời SCMP. Ông là một trong ba nhà báo thắng giải thưởng danh giá Pulitzer 2018 về chùm bài điều tra cuộc chiến ma túy đang diễn ra ở Philippines.
Tổng biên tập của hãng tin Reuters Stephen Adler nói rằng chùm bài đã mô tả về nghi vấn cảnh sát Philippines trong cuộc chiến chống ma túy đã giết chết nhiều người và phạm tội nhưng không bị truy tố trước pháp luật.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016 với cam kết rằng ông sẽ mạnh tay để chấm dứt vấn nạn ma túy tại quốc gia Đông Nam Á. Ông đã trao cho lực lượng PNP nhiều quyền lực, thậm chí là bắn chết nghi phạm ngay khi phát hiện ra bằng chứng. Từ khi vẫn là Thị trưởng thành phố Davao, ông Duterte đã nổi tiếng với quan điểm cứng rắn với tội phạm thông qua việc thành lập “biệt đội tử thần Davao” với những quyền lực tương tự trong phạm vi thành phố.
Khi trở thành Tổng thống, ông Duterte đã chuyển một nhóm thành viên trong biệt đội trên tới Manila tham gia cuộc chiến chống ma túy. Khi một phóng viên Reuters hỏi về điểm mạnh của một thành viên thuộc lực lượng này, anh đáp lại rằng đó là “kỹ năng "ra tay" đặc biệt”.
Theo ông Tessie Ang See chủ tịch Phong trào Khôi phục Hòa bình và Trật tự, lực lượng chống ma túy thuộc PNP dường như đã đổi tôn chỉ hoạt động từ “phục vụ và bảo vệ” trở thành “tìm và diệt”.
Tại thủ đô Manila, một chiến dịch chống ma túy thường diễn ra theo kịch bản cảnh sát đột kích vào một khu dân cư, vây kín con phố, phong tỏa đường xá và sau đó đội ngũ có vũ trang sẽ tìm kiếm “tội phạm ma túy” nằm trong danh sách theo dõi.
Những chiến dịch này thường kết thúc bằng hình ảnh những thi thể nằm trên phố vì bị đạn bắn trúng. Những nghi phạm thường chết khi cầm súng trên tay và xung quanh la liệt ma túy. Họ được gọi bằng cái tên “nanlaban”, ám chỉ những nghi phạm chống cự mệnh lệnh cảnh sát buộc lực lượng này phải nổ súng.
Sau đó, những thi thể này sẽ được đặt một tấm biển các-tôn lên phía trước với dòng chữ: “Tôi là tội phạm ma túy, đừng giống như tôi”.
Theo SCMP, có 2 thuật ngữ mà lực lượng PNP thường dùng trong cuộc chiến chống ma túy là “tokhang” và “tandem”.
“Tokhang” ban đầu ám chỉ hoạt động lục soát nhà dân của cảnh sát theo yêu cầu của người dân. Tuy nhiên, nó dường như dần trở thành hành động giết nghi phạm mà không cần xét xử.
Từ “tandem” ám chỉ 2 sát thủ đeo mặt nạ đi xe máy, một người có nhiệm vụ cầm lái và một người có nhiệm vụ nổ súng. Theo Reuters, PNP được cho là thuê một đội sát thủ để thực hiện việc khống chế nghi phạm ma túy.
Theo số liệu chính thức của cảnh sát, lực lượng PNP đã giết 4.854 nghi phạm ma túy, tuy nhiên theo một số tổ chức quốc tế con số này có thể lớn hơn.
Năm 2016, cảnh sát thành phố Quezon báo cáo rằng họ đã bắn chết 5 nghi phạm ma túy có hành vi chống cự. Tuy nhiên, một trong 5 người trong số đó còn sống và đã tố cáo ngược lại cảnh sát. Efren Morillo nói rằng anh cùng 4 người khác bị cảnh sát bao vây rồi nổ súng. Morillo đã thoát được nhờ giả chết.
Phe đối lập của Tổng thống Duterte cũng chỉ trích cuộc chiến chống ma túy, cảnh báo dù mục tiêu của cuộc chiến là dẹp nạn ma túy, nhưng cách thức thực thi đang khiến nhiều người dân nghèo vô tội bị giết chết khi chưa có kết luận rõ ràng.
Phía PNP đã lên tiếng xung quanh những bê bối bị phanh phui. Người lãnh đạo mới Oscar Albayalde tuyên bố rằng PNP đã xét xử hoặc đuổi việc 1.600 cảnh sát từ năm 2016 vì nhiều lý do, và đã cáo buộc 674 người vi phạm nhân quyền.
Hồi tháng 11, ba cảnh sát đã bị phạt tù 40 năm vì cáo buộc giết chết thiếu niên Kian delos Santos. Họ nói rằng cậu bé đã chống cự và họ phải nổ súng. Tuy nhiên, đoạn video quay từ camera an ninh cho thấy Santos không mang vũ khí và bị cảnh sát hành hình. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử cảnh sát lực lượng PNP dưới thời ông Duterte bị trừng phạt vì mắc tội giết người không qua xét xử.
Lạm dụng quyền lực
Giới quan sát cảnh báo rằng cách thức thực thi cuộc chiến của ông Duterte đang bộc lộ nhiều bất cập khi nó trao quá nhiều quyền lực vào tay cảnh sát và họ có thể đi ngược lại với mục đích tốt đẹp ban đầu là chống lại nạn ma túy.
Thậm chí, nhiều trường hợp lực lượng này còn bị nghi đã lạm dụng quyền lực và phạm tội. Đã có nhiều vụ việc nghi phạm buộc phải quan hệ tình dục với cảnh sát khi họ bị dọa bắt và xét xử do nghi vấn buôn bán ma túy. Theo CNN Philippines, từ năm 2016 tới nay, có 60 cảnh sát đã bị cáo buộc có liên quan tới 33 vụ bạo lực chống lại phụ nữ trong cuộc chiến chống ma túy.
Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, cảnh sát bị nghi là đòi tiền, thậm chí mặc cả với nghi phạm nhận tiền để phớt lờ vụ việc.
Năm 2016, một nhóm cảnh sát chống ma túy Philippines đã bắt cóc doanh nhân người Hàn Quốc Jee Ick-joo sau đó siết cổ chết người này ngay tại trụ sở của PNP của Manila. Nhóm cảnh sát này thậm chí còn đòi tiền chuộc từ vợ của ông Jee.
Khi các thủ phạm được xác định năm ngoái, ông Duterte đã tỏ ra giận dữ: “Cảnh sát các anh là những người tham nhũng nhiều nhất. Các anh tham nhũng đến cốt lõi”. Tổng thống Philippines nói rằng 40% cảnh sát nước này tham nhũng. Dù ông Duterte rất giận dữ vì vụ việc, nhưng trên thực tế không có ai bị xét xử vì tội giết người.
Nhà bình luận chính trị Ramon Casiple cho rằng sự nhiệt tình của ông Duterte trong cuộc chiến chống ma túy dường như là một trong những nguyên nhân. Ông Duterte muốn tiêu diệt vấn nạn tận gốc nhưng lại không đưa ra giới hạn cho quyền lực của cảnh sát dẫn tới vấn nạn lạm dụng.
Tổng thống Philippines cũng theo dõi sát sao hoạt động chống ma túy, nhưng chính sự áp sát này gây áp lực cho lực lượng hành pháp, và áp lực có thể gây ra sai lầm.
Nhà báo Mogato đồng tình với quan điểm này. Ông nói rằng có rất nhiều cảnh sát Philippines trung thực, tận tụy và không hưởng lợi từ cuộc chiến chống ma túy bằng cách lạm dụng quyền lực. Tuy nhiên, do có nhiều bê bối trong 2 năm qua, hình ảnh của cảnh sát đã trở nên “méo mó” trong mắt công chúng và khiến người dân dường như ngày càng xa rời với lực lượng hành pháp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo