Quốc tế

Mảnh ký ức hạt nhân khuất lấp - lời hăm dọa kín đáo của Israel

Không có gì phải ngạc nhiên, đó là sự thực. Trong vòng vây của các nước láng giềng Arab năm 1967, Israel thậm chí đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân, trong tình huống xấu nhất. May mắn thay cho thế giới (và éo le thay cho liên quân Arab), diễn biến chiến trường đã khiến điều đó trở thành không cần thiết.

Ukraine chôn nhà máy hạt nhân Chernobyl trong "Quan tài thép" / Thực hư chuyện Israel thử vũ khí hạt nhân ở Nam Cực

* Tôi cứ đứng trong căn phòng nhỏ, và nhìn chằm chằm vào chiếc lõi plutonium ấy. Và tôi xem cả những bức ảnh, đoạn phim về cảnh hoang tàn của Hiroshima hay Nagasaki (hai thành phố Nhật Bản bị hủy diệt bởi bom nguyên tử Mỹ). Tôi biết rất rõ rằng việc sử dụng thứ vũ khí này sẽ là lựa chọn cuối cùng của giới lãnh đạo quốc gia. Bây giờ cũng vậy." - Geisler hồi tưởng.

* Theo đánh giá mới nhất của tờ Spoutnik, Israel, dù không xác nhận cũng không phủ định sự tồn tại của các cơ sở chế tạo vũ khí hạt nhân, vẫn có khả năng sở hữu từ 80 đến 400 đầu đạn hạt nhân.







Khi sự im lặng được phá vỡ

Nhưng rồi, cũng đến lúc câu chuyện ấy được truyền thông quốc tế xới lên, mà khởi đầu chính là từ truyền thông Israel. Ngày 2/5/2019, tờ Thời báo Israel (The Times of Israel) giật tít: "Israel đã có lõi plutonium, và sẵn sàng chuyển thành vũ khí hạt nhân vào năm 1967".

3/5, đến lượt tờ Bưu điện Jerusalem (Jerusalem Post) và tờ Spoutnik của Nga cũng đưa bài, dẫn lại những thông tin đó.

Có điều, đây chẳng phải lần đầu tiên câu chuyện xảy ra như vậy. Hai năm trước, tháng 6/2017, bí mật này cũng từng được đề cập tới, bắt đầu từ tờ Haaretz (của Israel). Spoutnik, rồi The Independent, The Sun, The Obsever… và hàng loạt hãng thông tấn quốc tế lớn khác cũng đã từng "nhập cuộc".

Ngày ấy cũng như bây giờ, cách tiếp cận vấn đề vẫn thường là những câu hỏi nghi vấn, dạng: "Liệu Israel có thực sự tính đến chuyện sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến tranh năm 1967?", chứ không phải là dạng khẳng định.

Nguyên nhân của sự khơi gợi lại những mảnh trầm tích ấy là gì? Trong thế giới phẳng thời bùng nổ công nghệ hiện đại, nơi mà fake news hoành hành và mỗi thông tin đều có thể vừa là nguồn dinh dưỡng, vừa là liều thuốc độc, vừa là vũ khí triệt hạ đối thủ…, sẽ rất khó để bất cứ nhà phân tích chuyên nghiệp nào đoan chắc điều gì. Người ta chỉ có thể phỏng đoán dựa trên các dữ liệu của bối cảnh địa chính trị cụ thể.

Hiện tại, hay đúng hơn, kể từ hai năm nay, Israel đang đi trở lại một quỹ đạo đồng dạng với hành trình năm 1967 đó, khi sự thù địch mà cộng đồng các quốc gia Arab dành cho họ mỗi lúc một gia tăng. Đầu tiên, thông qua việc liên tục ráo riết xây dựng các khu định cư Do Thái mới, đồng thời tỏ ra "bất hợp tác" với tiến trình hòa bình Trung Đông, Tel Aviv khiến quy chế "hai nhà nước" - điều được xem là giải pháp "hợp tình hợp lý" nhất có thể - mỗi lúc một trở nên khó thực hiện.

Elie Geisler, người canh giữ lõi plutonium năm 1967.
Elie Geisler, người canh giữ lõi plutonium năm 1967.

Sau đó, việc Israel được Mỹ chống lưng, tuyên bố Jerusalem là thủ đô mới (đồng thời chuyển Đại sứ quán Mỹ về Jerusalem, như một sự thách thức mọi ý đồ phản kháng), bất chấp những luồng phản chấn dữ dội dấy lên từ khắp thế giới, khiến căng thẳng trong mối hiềm khích Do Thái - Hồi giáo Arab được đẩy lên thêm một cấp độ.

Và đến lúc này, kể từ cuối tháng 3/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh công nhận chủ quyền của Israel với cao nguyên Golan (phần lãnh thổ mà quân đội Israel chiếm đóng từ tay Syria, chính là sau Cuộc chiến 6 ngày năm 1967) - một quyết định bị đông đảo dư luận toàn cầu đánh giá là "đi ngược lại luật pháp quốc tế".

Chính phủ Syria của Tổng thống Bashar Al Assad đã thề sẽ khôi phục bằng được phần lãnh thổ này. Liên đoàn Arab (AL), dù xung khắc với Syria, vẫn lên án quyết định của Mỹ, đồng thời bày tỏ tình đoàn kết với "những người anh em Arab".

Trong tháng 4/2019, một ngón đòn ngoại giao sắc bén đã được Nhà Trắng thực thi. Bằng việc siết chặt các hình thức trừng phạt đối với khâu xuất khẩu dầu thô của Iran - kình địch của Saudi Arabia, quốc gia dẫn dắt AL, Washington chìa phần lợi ích cho các cường quốc xuất khẩu dầu mỏ Arab khác, qua đó làm cùn bớt những "gươm giáo" đang chĩa về phía mình cùng đồng minh Israel thân thiết.

Ngày 3/5/2019, trọng pháo và thiết giáp Israel rầm rập đổ về cao nguyên Golan, vượt qua lằn ranh Allon, tiến vào khu phi quân sự, nã đạn "dằn mặt" quân đội chính phủ Damascus.

 

Và cũng ngày ấy, báo chí Israel khẳng định rằng từ năm 1967, quân đội của họ đã thừa sức sử dụng vũ khí hạt nhân.

Sự xác nhận sau 50 năm

Với những gì đã được công bố, đến lúc này, hầu hết bức tranh cũ kỹ ấy đã trở nên rõ ràng, nhất là với sự xác nhận của những "người trong cuộc", những nhân chứng sống.

Như Elie Geisler, một trong những người được giao nhiệm vụ canh gác chiếc lõi plutonium vô giá ấy. Theo ông tiết lộ, nó được giấu trong một trụ sở cảnh sát cũ của Anh quốc tại thành phố Gedera (cách Tel Aviv khoảng 40km về phía nam), được xây dựng từ khi vùng đất này còn là lãnh thổ ủy trị, trước khi người Do Thái được tạo điều kiện trở về lập quốc.

Làm thế nào mà Israel có được chiếc lõi plutonium đó? Không ai tiết lộ, nhưng đây hẳn phải là chiến công của Mossad (Cơ quan tình báo Israel) - một trong những lực lượng tình báo xuất sắc nhất thế giới sau Đệ nhị thế chiến.

 

Và phía Israel định làm gì với nó? "Xem nhé, rất tự nhiên thôi" - Itzhak Yaakov, một trong những người tổ chức kế hoạch, giải thích: "Bạn có một kẻ địch. Anh ta dọa sẽ quẳng bạn xuống biển. Bạn tin anh ta sẽ làm thật. Làm thế nào bạn cản được anh ta? Bạn phải có thứ gì đó để khiến anh ta sợ hãi".

Song, bất chấp tính logic tuyệt đối của sự diễn giải đơn giản đáng kinh ngạc về kế hoạch phức tạp ấy, vẫn có những luồng ý kiến phản bác.

Giáo sư Avner Cohen, nhà nghiên cứu lịch sử và địa chính trị, cho rằng: "Ông ta chỉ nhìn mọi thứ trên quan điểm cá nhân, và liệu nó có chuẩn xác nếu đặt vào bối cảnh tổng thể, mục tiêu cụ thể cũng như sự thực lịch sử".

Bởi vì theo Cohen, Israel không có vũ khí mang được đầu đạn hạt nhân vào thời điểm đó. Đồng vọng với ông, Michael Oren - một chính trị gia, một chứng nhân lịch sử khác, cũng lên tiếng: "Kể cả khi đã nghiêm túc nghiên cứu, ta vẫn thấy có gì không ổn lắm".

Mặc dù vậy, theo tờ Haaretz, Adam Ratz - một nhà sử học Do Thái hiện đại - đã từng ghi lại: "Kế hoạch đã được lên, và việc cho nổ một quả bom hạt nhân chưa bao giờ gần hiện thực đến vậy".

 

Trong cuốn "The Struggle for the bomb", ông viết kỹ hơn: "Sự thật là vào thời điểm trước tháng 6/1967, khá nhiều nhân lực đã được tập trung sẵn sàng cho một vụ thử hạt nhân. Cũng đã có khá nhiều công trình nghiên cứu đề cập đến câu chuyện này. Tuy nhiên, Ratz nhấn mạnh: "Những điều mới tiết lộ về kế hoạch sử dụng bom hạt nhân cũng chẳng phải là sự viết lại lịch sử Cuộc chiến 6 ngày ấy", "hạt nhân không phải là vấn đề trọng tâm của cuộc chiến", và "tóm lại thì đó là một kế hoạch mà chúng ta đã từ bỏ".

Israel có thể có được vũ khí mang đầu đạn hạt nhân không? Với Mossad, và với mối quan hệ mật thiết với những đại tài phiệt gốc Do Thái đủ sức khuynh đảo chính trường Mỹ, câu hỏi nên được đặt ra theo hướng ngược lại: Tại sao không?

Binh sĩ Israel canh giữ tù nhân trên bán đảo Sinai, sau Cuộc chiến 6 ngày.

Israel được lợi gì khi sử dụng vũ khí hạt nhân trong Cuộc chiến 6 ngày? Chẳng gì cả. Liên quân Arab, thiếu khả năng gắn kết tối thiểu trong hiệp đồng tác chiến, đã tan vỡ quá nhanh chóng. Chưa kể, việc nổ một quả bom nguyên tử hoàn toàn có thể mang đến những tác hại khổng lồ và toàn diện, cho chính quốc gia Do Thái ấy.

Hãy nhớ, người Mỹ đã thua đau đến như thế nào ở Việt Nam, nhưng bom nguyên tử vẫn là điều cấm kỵ. Hãy nhớ, cuộc khủng hoảng hạt nhân Cuba đã khép lại êm thấm ra sao, dù cả Mỹ và Liên Xô đều đã sẵn sàng dùng đến "nút bấm tử thần".

Israel, giữa vòng vây, cần một điểm tựa tinh thần mang tên "giải pháp cuối cùng", chỉ vậy thôi. Còn hiện tại, một lần nữa, họ đang viện dẫn lịch sử cũng như khả năng thực tế của mình để kín đáo đưa ra những lời hăm dọa.

 

Kế hoạch năm xưa mang tên "Kế hoạch Ngày tận thế" (Doomsday Operation). Đó là trong tiếng Anh. Còn tên tiếng Do Thái của nó là "Kế hoạch Sampson), cái tên gợi nhớ đến nhân vật giật tung xiềng xích phá hủy tất cả trong cơn thịnh nộ của mình, ở thần thoại Hebrew cổ. Những di sản của nó, tính chất răn đe của nó, hàm ý cứng rắn trong nó…vẫn còn được bảo lưu đến tận bây giờ.

Theo Phi Hổ/An Ninh Thế Giới
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm