Quốc tế

Moscow cảnh cáo B-52H của Mỹ 'có đi không có về' ở biên giới Nga

Máy bay ném bom chiến lược B-52H của Mỹ gần đây tiếp tục bay qua biên giới Nga, thậm chí còn thực hiện mô phỏng tấn công căn cứ của Nga.

Điều này làm quan chức Nga phản ứng mạnh mẽ, đồng thời đưa ra cảnh cáo Mỹ rằng, hệ thống tên lửa phòng không của Nga có thể làm cho máy bay ném bom Mỹ “có đi không có về”.

Sputnik cho biết, theo thông tin từ mạng PlaneRadar, ngày 23/10 (giờ Nga), Mỹ tiếp tục điều 1 máy bay B-52H từ số đuôi 61-0025, mã hiệu #BRIG01, cất cánh từ căn cứ Fairford, Anh, tới gần lãnh thổ Nga vào lúc 15h40 cùng ngày. Lộ trình bay đã bay qua biển Baltic, rẽ về hướng đông nam vào không phận Lithuania, và tiếp cận Kaliningrad ở khoảng cách 45 km về hướng đông. Khi ở độ cao 6.000 m trên không phận gần Kaliningrad đã tiến hành huấn luyện mô phỏng ném bom căn cứ của Hạm đội Baltic Nga.

Máy bay ném bom chiến lược B-52H tiếp tục thách thức Nga khi tiến hành diễn tập mô phỏng ném bom gần biên giới Nga vào ngày 23/10. Nguồn: Huanqiu

Trước đó, tối ngày 19/10 (giờ Nga), 1 máy bay B-52H mang số hiệu 61-0010 đã tiếp cận khu vực bán đảo Crimea của Nga và tiến hành diễn tập mô phỏng ném bom ở khu vực này. Sau đó, Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ thông báo, máy bay ném bom chiến lược của Mỹ bố trí ở căn cứ Fairford, Anh bay đến khu vực Biển Đen để huấn luyện, lần bay này kéo dài trong 12 giờ. Bộ Quốc phòng Nga sau đó cũng ngay lập tức đáp trả và thông báo, Nga đã điều máy bay Su-27 giám sát máy bay Mỹ.

Phi công quân sự danh dự của Nga Vladimir Popov (24/10) cho biết, quá trình huấn luyện cho các phi công Mỹ tấn công vào các cơ sở của Nga bao gồm các bài tập như theo dõi căn cứ Nga, chế áp phòng không, ném bom tiêu diệt các căn cứ này. Hiện nay máy bay ném bom B-52H có thể mang theo bom đạn hiện đại hóa có độ chính xác cao, có khả năng là tiến hành huấn luyện phóng tên lửa.

S-400 Nga ở Crimea khống chế toàn bộ không phận Biển Đen sẽ làm cho máy bay Mỹ “có đi không có về”. Nguồn: Huanqiu

Tuy nhiên quan chức Bộ Quốc phòng Nga cho biết, quá trình bay của máy bay ném bom Mỹ đều bị hệ thống phòng không của Nga giám sát. Tại Crimea, Nga bố trí hệ thống tên lửa phòng không S-400 tiên tiến nhất, ngoài ra còn có hệ thống tên lửa phòng không tầm trung S-300, hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung Buk, hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn "Pantsir-S”.

Hạm đội Biển Đen của Nga cũng được trang bị máy bay chiến đấu Su-30SM, Không quân Nga ở khu vực này cũng trang bị SU-27SM và Su-30M2, những vũ khí hiện đại này sẽ làm máy bay Mỹ “có đi không có về”.

Thượng nghị sĩ Nga Franz Klintsevich nói: “Những cuộc diễn tập mô phỏng ném bom của máy bay Mỹ đối với Nga thực chất chỉ là các cuộc tấn công tâm lý. Để đáp trả những hành động như vậy của Mỹ, tại các khu vưc gần biên giới Mỹ, máy bay chiến đấu của Nga phải chăng cũng nên tiến hành những cuộc diễn tập như vậy? Người Mỹ đã ngây thơ khi nghĩ rằng họ sẽ không bị trừng phạt, và Lầu Năm Góc đang chơi một trò chơi nguy hiểm, phản tác dụng”.

Chuyên gia quân sự Nga Aijieqi Bizhev cho rằng, những cuộc ném bom mô phỏng của máy bay Mỹ ở khu vực Crimea là hành vi đặc biệt nguy hiểm và mang tính thách thức, hiện nay khả năng phòng ngự của bán đảo Crimea đã tăng gấp 3 thời kỳ Liên Xô cũ.

Kaliningrad, tiền đồn của nước Nga giữa lòng NATO. Nguồn: Huanqiu

Được biết, tháng 9/2019, Tư lệnh Không quân Mỹ phụ trách châu Âu và châu Phi Jeffrey Lee Harrigian cho biết Mỹ đã có phương án nhằm tấn công làm vô hiệu các hệ thống phòng không Nga tại vùng Kaliningrad trong kịch bản Moscow có hành động gây chiến trước. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngay sau đó đáp trả, Moscow coi tuyên bố của Tướng Harrigian là “mối đe dọa” và hành vi vô trách nhiệm.

Vùng Kaliningrad, rộng 227 km2, giáp với Ba Lan và Lithuania, được coi là khu vực trọng yếu của Nga trong chiến lược đối phó với NATO. Nga đã triển khai dàn khí tài quân sự hùng hậu tới đây, bao gồm hệ thống phòng không S-400, tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Iskander. Khu vực này sát cạnh một dải đất rộng 65 km nối giữa Lithuania và Ba Lan mang tên “Hành lang Suwalki” (Ba Lan). Suwalki nằm gọn trong khu vực đặt hệ thống phòng thủ trên không của Nga đặt tại Kaliningrad, một phía khác lại giáp với đồng minh Belarus của Moscow, vì vậy nó được coi là “tử huyệt” của NATO.

Từ sau năm 2014, NATO tăng cường gia tăng hiện diện quân sự gần biên giới Nga, thực hiện các bài diễn tập, và tăng quân nhân đồn trú tới các nước Baltic, Ba Lan và Romania. Nga đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về việc này, cảnh báo rằng các tai nạn có thể xảy ra, làm nảy sinh nguy cơ mâu thuẫn có thể leo thang một cuộc đối đầu quân sự toàn diện. Hiện, Mỹ và NATO thường điều máy bay ném bom, máy bay trinh thám và không người lái về hướng đông tiếp cận gần với biên giới Nga ở Baltic, Biển Đen và gần căn cứ Nga tại Syria.

Theo Đức Trí/Infonet
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo