Quốc tế

Mua 105 tiêm kích F-35 đắt đỏ, Nhật Bản khẳng định vị thế ở châu Á

Việc Nhật Bản mua 105 máy bay chiến đấu đắt đỏ F-35 của Mỹ sẽ giúp nước này tái khẳng định vai trò đi đầu về an ninh trong khu vực, nhưng cũng gây ra một thách thức mới với quân đội Trung Quốc, vốn đã tăng cường hoạt động ra khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương trong những năm gần đây.

Mỹ thừa nhận F-35 không thể thực hiện động tác bay"rắn hổ mang" / Nga khó lòng xuất khẩu khi đơn giá Su-57 đắt gần gấp đôi F-35?

Mua 105 tiêm kích F-35 đắt đỏ, Nhật Bản khẳng định vị thế ở châu Á - 1

Nhật Bản đã quyết định mua 105 máy bay chiến đấu tiên tiến F-35 của Mỹ (Ảnh: AFP)

Thỏa thuận F-35, được công bố lần đầu tiên hồi tháng 12 năm ngoái, đã được xác nhận ngày 27/5 trong chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 4 ngày của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Nhật Bản.

“Nhật Bản đã công bố ý định mua 105 máy bay chiến đấu tàng hình mới F-35. Tàng hình có nghĩa là các bạn không nhìn thấy chúng. Thỏa thuận này cho phép Nhật Bản sở hữu phi đội F-35 lớn nhất so với bất kỳ đồng minh nào của Mỹ”, Tổng thống Trump nói tại cung điện Akasaka ở Nhật Bản.

Theo SCMP, iới phân tích nhận định, thỏa thuận F-35 sẽ giúp Nhật Bản tái khẳng định vai trò đi đầu về an ninh trong khu vực, nhưng cũng gây ra một thách thức mới với quân đội Trung Quốc, vốn đã tăng cường hoạt động ra khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương trong những năm gần đây, động thái khiến Mỹ và nhiều nước trong khu vực lo ngại.

Cho tới nay, khoảng một chục đồng minh của Mỹ đã đặt hàng máy bay chiến đấu F-35.

Chính phủ Australia đã dành khoản ngân sách 17 tỷ USD để mua 72 chiếc F-35, và Hàn Quốc đã đặt mua 40 máy bay này. Lockheed Martin, hãng chế tạo F-35, cũng hi vọng Seoul có thể mua thêm 20 chiếc nữa.

 

Đề phòng Trung Quốc

Washington và Tokyo từ lâu đã lo ngại về sự mở rộng quân sự của Trung Quốc. Nhật Bản đã công bố chính sách ngoại giao mới về một “Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở cửa” 3 năm trước nhằm thúc đẩy hơn nữa “pháp quyền, tự do hàng hải và tự do thương mại”.

Các lo ngại của Mỹ đã được thể hiện trong báo cáo thường niên của quốc hội năm nay, trong đó cảnh báo rằng: “Trong các thập niên tới, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ tập trung vào việc hiện thực hóa một Trung Quốc quyền lực và thịnh vượng, được trang bị quân đội đẳng cấp thế giới, tìm kiếm vị thế của một cường quốc với mục đích nổi lên là cường quốc nổi bật ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương”.

Các nhà quan sát quân sự cho rằng thỏa thuận F-35, cùng với các kế hoạch của Tokyo nhằm hiện đại hóa các tàu sân bay lớp Izumo để vận hành các máy bay chiến đấu, gây ra một mối đe dọa với kế hoạch của Bắc Kinh ở Biển Đông bằng cách gia tăng tầm với hoạt động của không quân Nhật Bản.

Nhật Bản không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng xem đây là vùng biển có tầm quan trọng chiến lược do vai trò của nó là một tuyến vận chuyển quan trọng.

 

Zhou Chenming, một chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, nhận định: “Thỏa thuận F-35 có thể giúp Nhật Bản đối trọng các mối đe dọa từ Trung Quốc… và nó có thể được coi là một phần quan trọng trong chiến lược cưỡng chế trên toàn thế giới của Mỹ. Điều này chắc chắn sẽ làm thay đổi sự cân bằng quyền lực ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, do số lượng lớn máy bay chiến đấu mà Nhật Bản đặt hàng”.

Mua 105 tiêm kích F-35 đắt đỏ, Nhật Bản khẳng định vị thế ở châu Á - 2

Tổng thống Mỹ Doanld Trump đã hoan nghênh Nhật Bản mua các máy bay chiến đấu F-35 (Ảnh: Kyodo)

Các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng mặc dù các máy bay chiến đấu thế hệ 5 J-20 của Trung Quốc cho phép Trung Quốc dẫn đầu trong cuộc đua máy bay chiến đấu tàng hình, nhưng dòng máy bay này được cho là đã gặp một số trục trặc về động cơ sau khi được biên chế vào năm 2017.

Thỏa thuận F-35 mới nhất cũng khiến Trung Quốc thêm áp lực nhằm đẩy nhanh và cải tiến chương trình phát triển J-20.

Zhang Baohui, giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương tại Đại học Lingnan ở Hong Kong, nói: “Nếu Nhật Bản mua các máy bay F-35B, phiên bản cho tàu sân bay, thì điều đó sẽ tác động tới cục diện Biển Đông. Nhật Bản đã có kế hoạch triển khai F-35B cho các tàu sân bay”.

 

Ryo Hinata-Yamaguchi, một giáo sư tại Đại học Quốc gia Pusan ở Hàn Quốc, nhận định: “Khi Nhật Bản cải tiến tàu đổ bộ lớp Izumo với tính năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng, F-35B chắc chắn là lựa chọn duy nhất”.

Thỏa thuận F-35 dự kiến sẽ “tăng cường khả năng của Nhật Bản nhằm đạt được ưu thế trên biển và trên không, điều cốt lõi nhằm bảo vệ quần đảo Nhật Bản”, ông Ro nói thêm, nhấn mạnh rằng mối quan hệ quân sự ngày càng được tăng cường giữa Washington và Tokyo có thể cải thiện các khả năng phối hợp chung của hai nước.

Chạy đua vũ trang?

Song Zhongping, một nhà phân tích quân sự tại Hong Kong, nhận định rằng thỏa thuận F-35 của Nhật Bản chắc chắn sẽ gây ra một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, khiến Trung Quốc cũng hành động tương tự bằng việc phát triển và triển khai máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến của riêng mình trong khu vực để đối trọng với sự hiện diện quân sự của Mỹ và các đồng minh.

“Nhật Bản cần nâng cấp phi đội không quân cũ kỹ, với 200 máy bay chiến đấu F-15 đang sắp hết hạn phục vụ”, ông Song nói. “Tokyo cũng muốn bắt kịp với tốc độ phát triển máy bay chiến đấu tại nhiều quốc gia - bước sang thế hệ máy bay chiến đấu mới”.

 

Collin Koh, một chuyên gia an ninh tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, cho hay phi đội F-35 sẽ giúp Nhật Bản tăng sức mạnh đáng kể trong cuộc đua máy bay chiến đấu tàng hình.

“Nhật Bản có thể duy trì vị thế một trong những lực lượng không quân được trang bị tốt nhất trong khu vực và trên thế giới”, ông Koh nói.

Theo ông Koh, mặc dù Trung Quốc là mối lo ngại chính đối với Tokyo nhưng Triều Tiên cũng là một lo ngại khác.

“Thỏa thuận F-35 có thể được xem là sự đối phó với điều mà Nhật Bản gần đây nhiều lần đề cập là một môi trường an ninh ngày càng nghiêm trọng mà nước này phải đối mặt: không chỉ Trung Quốc và sự mở rộng quân sự nhanh chóng của nước này, mà còn cả mối đe dọa gây ra do Triều Tiên”, ông Koh nói.

Theo dantri.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm