Quốc tế

Mỹ bất ngờ hạ giá F-35 khiến Su-35 ế ẩm?

Mỹ vừa công bố mức giá bán bất ngờ dành cho những lô 35 tiếp theo - mức giá đủ khiến những khách hàng muốn mua Su-35 Nga phải cân nhắc lại.

Theo Trung tướng Eric Fick, Giám đốc điều hành Chương trình F-35, trong các lô 12 cho đến lô 14 của hợp đồng mới, tàng hình F-35 tiếp tục giảm giá cực ấn tượng. Cụ thể, trong khi lô 12 có giá bán hơn 82 triệu USD/ chiếc thì lô 13 đã giảm xuống còn 79,2 triệu USD/chiếc.

Và ở lô 14, mức giá còn gây bất ngờ hơn nhiều khi chỉ còn 77,9 triệu USD/chiếc.

Tuy nhiên, đây chưa phải mức giá cuối cùng nhà sản xuất có thể dành cho khách hàng bởi theo tướng Fick, giá bán F-35 có thể còn giảm hơn nữa nếu khách hàng đặt mua với số lượng lớn.

Tiêm kích F-35.

Nhận định về động thái Mỹ tiếp tục giám giá F-35, chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin cho rằng, đây là chiến thuật mới Mỹ áp dụng cùng với Đạo luật CAATSA nhằm từng bước hạn chế xuất khẩu quốc phòng của Nga.

Các biện pháp trừng phạt phụ được gọi là "secondary sanctions", tức là "trừng phạt thứ cấp", mà Mỹ áp đặt lên các quốc gia hợp tác với Nga trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự là một hiện tượng chưa từng có.

Ngay cả dưới thời Chiến tranh Lạnh, Mỹ không bao giờ sử dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương chống lại các quốc gia phát triển hợp tác kỹ thuật quân sự với Liên Xô.

Tất nhiên là khi đó, ở Mỹ không có văn bản pháp luật có quy định về các biện pháp trừng phạt. Do đó, các nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã "ngấm ngầm" cố gắng thuyết phục các nước đang phát triển không nên mua vũ khí của Liên Xô.

Khác với áp lực "ngầm ngầm" dưới thời chiến tranh Lạnh và những năm sau đó, hiện nay Mỹ công khai tuyên bố rằng, họ có quyền đơn phương xác định rằng, liệu những quốc gia khác có thể được phép hợp tác kỹ thuật quân sự với Nga hay không.

Do đó, nếu bất kỳ nước nào chấp nhận yêu cầu như vậy thì sẽ tạo ra một tiền lệ pháp lý và chính trị quốc tế nguy hiểm. Mỹ sẽ sử dụng tiền lệ này để lại một lần nữa ngăn chặn bất kỳ hình thức hợp tác công nghệ và quân sự giữa các quốc gia khác, và không nhất thiết chỉ chống lại Nga.

Chuyên gia Vasily Kashin nhấn mạnh, và khi những chính sách này cho thấy không phát huy hiệu quả như kỳ vọng (Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ... bấp chấp Đạo luật CAATSA vẫn quyết mua vũ khí Nga), Mỹ đã có chiêu bài mới là hạ giá thành sản phẩm của mình để đánh vào xuất khẩu vũ khí của Nga.

Và việc liên tiếp hạ giá bán của F-35 là một ví dụ. Dù vị chuyên gia Nga có giải thích theo cách nào về động thái giảm giá bán F-35 của Mỹ thì có một điều hiển nhiên là khách hàng chính là đối tượng hưởng lợi bởi họ chỉ phải bỏ ra số tiền ít hơn mua Su-35 của Nga nhưng lại được sở hữu những chiến đấu cơ tàng hình hàng đầu thế giới.

Theo Kommersant, nhà sản xuất Nga và Ai Cập vừa ký vào bản hợp đồng thương vụ tiêm kích Su-35 có tổng trị giá lên tới trên 2 tỷ USD.

Với số tiền khổng lồ bỏ ra, Không quân Ai Cập sẽ được sở hữu 20 chiếc tiêm kích Su-35 cùng một số vũ khí và trang thiết bị đi kèm. Căn cứ vào mức giá được công bố, Ai Cập chấp nhận mua Su-35 với mức giá đắt đỏ hơn cả tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ.

Căn cứ vào mức giá bán F-35 và Su-35, giới chuyên gia cho rằng, Mỹ không cần gây áp lực cũng đủ khiến những khách hàng muốn mua Su-35 của Nga phải suy nghĩ lại.

Theo Tuấn Hưng/Báo Đất Việt

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo