Mỹ bị hạ tín nhiệm: Hồi chuông cảnh tỉnh cho các chủ nợ châu Á
Mỹ - Trung nhất trí cùng giảm mạnh thuế quan đánh vào hàng hoá của nhau / Giá vàng giảm sau khi Mỹ và Trung Quốc nhất trí hoãn áp thuế 90 ngày

Vào tháng 3 – tức là trước khi thị trường trái phiếu Mỹ rối loạn trong tháng 4 và trước khi Mỹ bị hạ tín nhiệm vào tuần trước – Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) cùng với Cục Quản lý Ngoại hối (SAFE) của Trung Quốc đã kịp thời “thoát hàng” khỏi đồng USD một cách hết sức khéo léo.
Nhờ vậy, Trung Quốc hiện chỉ còn là chủ nợ lớn thứ ba của Kho bạc Mỹ, nhường lại vị trí thứ hai – vốn không lấy gì làm vẻ vang – cho Anh.
Mới cách đây vài năm, năm 2019, Trung Quốc vẫn là chủ nợ lớn nhất tài trợ cho sự mất cân đối tài khóa của Washington. Nay Nhật Bản mới là nước gánh khoản nợ lớn nhất, với 1.100 tỷ USD. Vấn đề với Trung Quốc là họ vẫn còn nắm giữ 765,4 tỷ USD tài sản định danh bằng đồng USD – một đồng tiền đang mong manh hơn bao giờ hết trong nhiều thập kỷ qua.
Rủi ro tài khóa và tụt hạng tín nhiệm gia tăng dưới thời Tổng thống Trump?
Phản ứng của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent trước việc Washington mất hạng tín nhiệm AAA cuối cùng – và tiếp tục theo đuổi chính sách dẫn đến việc này – có thể sẽ còn gây thêm nhiều đợt hạ tín nhiệm khác, đồng thời khoét sâu thêm vết rạn với đồng USD.
Dĩ nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump không phải là người duy nhất phải chịu trách nhiệm cho việc Moody’s tước đi hạng tín nhiệm hoàn hảo mà tổ chức này đã cấp cho Mỹ từ năm 1919. Một nhiệm kỳ tổng thống là không đủ để làm ra khoản nợ quốc gia gần 37.000 tỷ USD.
Tuy nhiên, sự cẩu thả và bất chấp thực tế kinh tế của Washington đã cho thấy rõ vì sao Moody’s chọn thời điểm này để hành động – dưới nhiệm kỳ Tổng thống Trump lần hai.
Giọng điệu “chúng tôi chẳng làm gì khác đi cả” của Bộ trưởng Tài chính Bessent khi xuất hiện trên truyền hình cuối tuần qua chính là ví dụ rõ ràng nhất.
Nhiều mức thuế quan cao ngất ngưởng từng làm thị trường chứng khoán lao dốc, đánh thức các “tay chơi trái phiếu cứng rắn”, và khiến đồng USDgiảm sâu – vẫn còn đó. Giới giao dịch có thể vui mừng khi Tổng thống Trump giảm thuế với hàng Trung Quốc từ 145% xuống 30%, nhưng mức này vẫn tương đương với thuế suất thời Đạo luật Smoot-Hawley năm 1930 – nguyên nhân khiến Đại suy thoái thêm trầm trọng.
Thị trường có thể nghĩ rằng ông Trump đã rút ra bài học sau khi hành xử thất thường và khiến gần như toàn bộ đồng minh của Mỹ quay lưng chỉ trong 4 tháng – hoặc cũng có thể nhìn nhận điều hiển nhiên: Rất nhiều nhà đầu tư lo ngại nhà lãnh đạo Mỹ không thay đổi.
Họ có quyền hy vọng ông Trump sẽ không sa thải Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell; cũng như không theo đuổi chính sách làm suy yếu đồng đô la – như đơn phương hoặc thông qua một “thỏa thuận Mar-a-Lago” nào đó nhằm nâng giá nhân dân tệ. Nhưng đây cũng là nỗi lo lắng của nhiều nhà đầu tư.

Người ta có thể hy vọng rằng Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ sớm ngồi lại với nhau để đàm phán một “thỏa thuận lớn” giữa hai siêu cường. Nhưng ông Tập không phải kiểu người dễ nhượng bộ. Bắc Kinh đã có bất kỳ nhượng bộ đáng kể nào với Trump về quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc chưa? Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng câu trả lời là: hoàn toàn không. Nguy cơ căng thẳng thương mại sẽ bùng phát trở lại là rất lớn.
Cuối cùng, cũng không rõ liệu việc Moody’s hạ tín nhiệm có thực sự khiến chính quyền Tổng thống Trump “tỉnh ra” hay không. Nếu là chính quyền khác, họ sẽ hiểu lý do Moody’s hành động lúc này, giống như cách S&P Global hay Fitch đã từng làm trong các lần hạ tín nhiệm trước đây.
Nhưng theo lời Bộ trưởng Tài chính Bessent thì không. “Tôi chẳng xem trọng lắm việc Moody’s hạ tín nhiệm”, ông nói với CNN.
Niềm tin vào đồng USD cũng vậy. Ông Bessent gọi xếp hạng tín nhiệm là “chỉ số trễ” – một lời biện hộ nghe có vẻ ngạo nghễ, nhưng thật ra rất nguy hiểm. Nhất là khi Đảng Cộng hòa đang thúc đẩy một gói ngân sách – cái gọi là “dự luật lớn, đẹp” của ông Trump – có thể khiến thâm hụt ngân sách liên bang tăng thêm hàng ngàn tỷ USD. Các ước tính hiện tại cho rằng trong thập kỷ tới, thâm hụt cơ bản (chưa kể lãi suất) có thể tăng thêm 4.000 tỷ USD.
Theo Tracy Chen, Giám đốc danh mục tại công ty Brandywine Global Investment Management, hiện vẫn chưa rõ thị trường sẽ phản ứng thế nào, khi vai trò “tài sản trú ẩn an toàn” của trái phiếu Kho bạc Mỹ và đồng USD giờ cũng bị nghi ngờ.
Rắc rối sâu xa hơn với đồng USD
Nhưng các rắc rối của đồng USD còn sâu xa hơn thế. Đợt tăng giá của đồng euro gần đây đang khiến thị trường toàn cầu bàn tán về khả năng thay thế đồng USD.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde nói rằng sự lên giá của đồng euro là hệ quả của chính sách thất thường từ Tổng thống Trump và là một cơ hội cho châu Âu.
“Điều đáng chú ý là trong một thời kỳ bất ổn – khi đáng lẽ đồng đô la phải tăng mạnh – thì điều ngược lại đã xảy ra: đồng euro tăng giá so với đô la”, bà Lagarde phát biểu trên báo La Tribune Dimanche. “Điều đó trái với logic thông thường, nhưng hoàn toàn hợp lý nếu nhìn vào sự bất định và mất niềm tin của thị trường tài chính đối với chính sách Mỹ.”
Mối lo ngại lớn hiện nay là lạm phát Mỹ vẫn ở mức cao dù GDP sụt giảm. Rủi ro “lạm phát đình trệ” đang hiển hiện khi các loại thuế quan của ông Trump bắt đầu ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ gia đình Mỹ.
“Ngay cả khi chỉ rơi vào suy thoái nhẹ, thì việc lạm phát cao vẫn là điều khó tránh khỏi khi các khoản thuế quan mới tiếp tục gia tăng cùng với mức thâm hụt ngân sách ngày càng lớn”, Steve Blitz, Giám đốc điều hành tại TS Lombard nhận định. “Chính sách tiền tệ không thể đảo ngược xu hướng này nếu thâm hụt ngân sách không được thu hẹp.”
Jeffrey Roach, nhà kinh tế trưởng tại LPL Financial, bổ sung: “Sự mơ hồ xoay quanh các thỏa thuận thương mại tạm thời khiến Fed khó điều chỉnh chính sách. Nếu tình hình không rõ ràng hơn, có thể Fed sẽ không thể điều chỉnh chính sách vào tháng Sáu.”
Nói cách khác, việc Tổng thống Trump hạ thuế quan có thể là quá muộn và không đủ.
“Dù nỗi lo thuế quan đã lắng dịu, nhưng vẫn cần thêm thời gian để xem các mức thuế hiện hành ảnh hưởng thế nào đến lạm phát và nền kinh tế”, Skyler Weinand, Giám đốc đầu tư tại Regan Capital cho biết. “Trừ khi tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh, Fed có khả năng giữ nguyên lãi suất trong sáu tháng tới.”
Điều đáng ngại là trong nội bộ Tổng thống Trumptừng có người đề xuất ý tưởng vỡ nợ có kiểm soát để tạo đòn bẩy đàm phán với đối tác thương mại.
Lúc này sự mong manh của trái phiếu Mỹ đang tạo ra đòn bẩy đặc biệt cho Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, PBoC và các ngân hàng trung ương hàng đầu châu Á. Đòn bẩy chính của châu Á lúc này nằm ở trái phiếu, tiền tệ và dịch vụ thương mại. Riêng mảng dịch vụ đề cập đến sự phụ thuộc sâu sắc của Mỹ vào thị trường châu Á trong các lĩnh vực tài chính, công nghệ và sở hữu trí tuệ.
Cách Tổng thống Trump tiến hành chiến tranh thương mại cho thấy ông chưa hiểu biết đầy đủ về sự phụ thuộc của kinh tế Mỹ vào châu Á – và tầm nhìn chiến lược cực kỳ kém, nhất là khi Trung Quốc và toàn khối Nam bán cầu đang bắt tay nhau tìm kiếm giải pháp thay thế cho đồng USD.
Điều đó khiến trái phiếu Kho bạc Mỹ và đồng USD trở thành mục tiêu lớn hơn bao giờ hết trong năm 2025.
End of content
Không có tin nào tiếp theo