Mỹ 'bối rối' trước tham vọng hải quân Trung Quốc
Lấy số lượng làm trọng
Hãng tin Reuters đưa tin, các hình ảnh vệ tinh cho thấy trong tháng 9 vừa qua, xưởng đóng tàu Giang Nam ở thành phố Thượng Hải, miền Đông Trung Quốc, đang thực hiện quá trình mở rộng đáng kể, qua đó gia tăng năng lực của Trung Quốc trong việc chế tạo các tàu quân sự lớn.
Xưởng đóng tàu Giang Nam, nằm trên đảo Trường Hưng ở cửa sông Dương Tử, đã tham gia chế tạo nhiều tàu chiến lớn hơn cho Hải quân Trung Quốc, trong đó gồm có Type 002 - tàu sân bay chế tạo trong nước đầu tiên của Bắc Kinh. Tiếp đến là tàu sân bay Type 003 lớn hơn cũng đang được chế tạo tại đây. Các hình ảnh vệ tinh do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho thấy phần thân của tàu sân bay Type 003 mới này nhiều khả năng sẽ được hoàn thiện trong vòng 12 tháng tới.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy xưởng đóng tàu được mở rộng về phía nam, gồm nhiều cơ sở chế tạo và lắp ráp mới cùng một khu vực neo đậu tàu mới đang trong quá trình xây dựng. Ngoài ra, còn có nhiều bộ phận của tàu được chế tạo trước đó được lưu trữ ở xưởng đóng tàu Giang Nam và đã sẵn sàng chuẩn bị lắp ráp. Cách đây vài năm, phần lớn khu vực này là đất canh tác bỏ hoang.
Nhà phân tích Matthew Funaiole của của CSIS nhận định quy mô xây dựng vượt quá những gì cần thiết cho việc chế tạo một con tàu, giống như một không gian chuyên biệt phục vụ chế tạo các tàu sân bay hoặc các tàu lớn hơn. Trong khi đó, có chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ chế tạo thêm nhiều tàu khác vì họ cần 5-6 tàu sân bay trong tương lai.
Xưởng đóng tàu Giang Nam là công ty con của Tập đoàn Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc (CSSC), một trong 2 hãng đóng tàu lớn của nước này bên cạnh Tập đoàn Công nghệ Đóng tàu Trung Quốc (CSIC). Tháng 7/2019, CSSC và CSIC đã tuyên bố sáp nhập.
Trong nhiều năm qua, CSSC và CSIC đã đóng hàng trăm tàu chiến, bao gồm các tàu sân bay, tàu khu trục Type 055, tàu đổ bộ tấn công Type 075 và tàu ngầm hạt nhân Type 094A trong bối cảnh hải quân Trung Quốc tìm cách hiện đại hóa lực lượng nhanh chóng.
Theo báo cáo mới nhất của Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ, ước tính hải quân Trung Quốc có 335 tàu chiến lớn - gồm tàu ngầm, tàu sân bay, tàu khu trục, tàu hộ tống, tàu tuần tra được trang bị tên lửa và tàu tấn công đổ bộ. Con số này hồi năm 2005 là 216 tàu. Báo cáo của Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ cũng so sánh hạm đội của Trung Quốc với hạm đội của hải quân Mỹ trong cùng giai đoạn. Báo cáo cho biết Mỹ có nhiều hơn Trung Quốc 75 tàu chiến hồi năm 2005, nhưng đến năm nay, Hải quân Mỹ có ít hơn hải quân Trung Quốc 49 tàu chiến.
Mới đây, Trung Quốc đã cho hạ thủy tàu đổ bộ cỡ lớn Type 075, được dự đoán sẽ đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến giành ưu thế trên biển của Trung Quốc. Lớp tàu type 075 lớn hơn nhiều so với hầu hết các loại tàu đổ bộ (UDC) cùng loại hiện có như Mistral của Pháp và Juan Carlos I của Tây Ban Nha.
Tàu Type 075 của Trung Quốc có lượng choán nước lên tới 40.000 tấn, gần tương đương với các tàu đổ bộ cỡ lớn lớp Wasp của Mỹ và chỉ thua kém một chút so với lớp tàu UDC America mới nhất của Mỹ. Tàu type 075 cũng vượt trội hơn so với các tàu khu trục trực thăng Izumo của Nhật Bản, hiện đang được chuyển đổi thành tàu sân bay hạng nhẹ có khả năng mang theo máy bay F-35B. Tổng lượng giãn nước 27.000 tấn của tàu khu trục Izumo kém gần 1,5 lần so với tàu Trung Quốc.
Giống như tàu của Mỹ, Type 075 có thể sử dụng phương thức đổ bộ kết hợp bằng trực thăng và tàu cánh ngầm bố trí trong khoang riêng. Với những tàu như vậy, hải quân Trung Quốc mở ra những cơ hội mới tiến hành các hoạt động đổ bộ khác nhau khi cần thiết.
Lớp tàu được thiết kế cho các hoạt động cách xa biên giới và ngoài khoang chứa, nhà chứa máy bay và sàn cất hạ cánh, chúng có kho dự trữ lớn, trung tâm y tế và sở chỉ huy được trang bị tốt. Tàu cũng hữu ích trong các hoạt động nhân đạo.
Điểm yếu chết người
Đô đốc hải quân Mỹ đã nghỉ hưu Jim Fanell, từng đứng đầu đơn vị tình báo của hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương nhấn mạnh: “Nói đến chiến tranh trên biển, họ (hải quân Trung Quốc) hiện là một đối thủ vượt trội”. Đáng chú ý là ông Jim Fanell bị sa thải với lý do chính trị sau khi nêu lên quan ngại trước sự trỗi dậy của quân đội Trung Quốc.
Giới phân tích quốc tế cho rằng Trung Quốc sở hữu kho chứa tên lửa đạn đạo và hành trình, cũng như các tên lửa chống hạm có tầm bắn hơn hẳn các tên lửa phóng từ tàu chiến của Mỹ. Hơn thế nữa, năng lực hiện có của Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh mạng và không gian cũng đang là mối đe dọa lớn đối với hệ thống điều khiển và giám sát của quân đội Mỹ.
Mỹ bắt đầu điều chỉnh chiến lược quân sự của mình để đối phó với Trung Quốc. Trong khi đó, Bắc Kinh đã phát triển chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) để ngăn Mỹ vươn tầm ảnh hưởng quân sự.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, châu Á-Thái Bình Dương là khu vực có nhiều hòn đảo và quần đảo, với các vùng biển hẹp. Vì vậy, việc lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ triển khai hoặc đánh chiếm vùng lãnh thổ then chốt, sử dụng các loại tên lửa chống hạm, tên lửa tầm xa, các hệ thống phòng không, thủy lôi thông minh và các vũ khí khác có thể dễ dàng biến các chuỗi đảo ở châu Á và các vùng biển lân cận thành “vùng cấm địa” đối với tàu biển và máy bay của Trung Quốc khi họ tìm cách hoạt động tại Thái Bình Dương.
Trước những bước tiến đáng kể về quân sự, trong đó có hải quân của Trung Quốc, có không ít ý kiến nhận định Bắc Kinh đang nhằm vào vấn đề Đài Loan. Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy Trung Quốc có thể “tham vọng” hơn rất nhiều. Một ví dụ được báo chí nước ngoài đề cập là cuộc xung đột kéo dài hơn 2 tháng giữa Trung Quốc và Ấn Độ dọc biên giới chung Doklam hồi giữa năm 2017.
Bên cạnh những ý kiến lo ngại, giới phân tích cho rằng Trung Quốc cũng bộc lộ “gót chân Achilles” trong khi phô trương sức mạnh quân sự, nhất là trong cuộc duyệt binh quy mô khổng lồ hôm 1/10 vừa qua. Về hải quân, tác chiến tàu ngầm là một trong những điểm yếu chết người của Bắc Kinh. Vũ khí săn ngầm của Trung Quốc được cho là chưa đủ cả về số lượng lẫn chất lượng.
Một điểm yếu khác của quân đội Trung Quốc là những hệ thống vũ khí chiến lược như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), và thực tế là khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc cho đến nay vẫn là ẩn số. Bên cạnh đó, năng lực phòng thủ tên lửa của Trung Quốc khó có khả năng chống đỡ các đòn tấn công ồ ạt. Điều này được tiết lộ qua tuyên bố mới đây của Tổng thống Nga Putin rằng Moscow sẽ giúp Bắc Kinh xây dựng hệ thống cảnh báo sớm các đòn tấn công tên lửa.
Cuộc chiến thương mại với Mỹ hiện cũng đang gây tổn hại rất nhiều tới sức mạnh của Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng, trong 5 năm tới, nếu kinh tế suy yếu, Trung Quốc sẽ buộc phải triển khai một nhiệm vụ mới là làm thế nào để duy trì đà tăng trưởng kinh tế. Điều này sẽ tạo ra thế lưỡng nan cho Trung Quốc vì họ cũng muốn mạnh tay đầu tư cho quân đội.
End of content
Không có tin nào tiếp theo