Mỹ cay đắng so tên lửa S-400 với AK-47
Khi S-400 được so với AK-47
Sputnik cho biết, trong cuộc thảo luận gần đây ở Washington, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Clark Cooper đã so sánh các phương pháp tiếp thị của Nga liên quan cung cấp hệ thống phòng không S-400 trên khắp thế giới với cách Liên Xô giành được thị trường bán cho loại súng tự động Kalashnikov (AK).
Ông Cooper nói: "Một chặng đường dài đã trôi qua kể từ khi AK-47 trở thành biểu tượng của các lực lượng được Liên Xô hỗ trợ từ Đông Nam Á đến châu Phi. Hôm nay, Nga tập trung nghiêm túc vào việc cung cấp S-400".
Quan chức Mỹ nhấn mạnh, nhờ việc tiếp thị các hệ thống như S-400, Nga tạo ra những trở ngại pháp lý và công nghệ đối với Washington trong việc chuyển giao các công nghệ quốc phòng tiên tiến nhất cho các đối tác của Mỹ.
Cũng nhân đây, quan chức Mỹ tìm cách “dìm” vũ khí Trung Quốc với đánh giá rằng, Bắc Kinh đang sử dụng việc cung cấp vũ khí với giá thấp nhất như một phương pháp để thuyết phục chính quyền một quốc gia "mở cửa". Khi điều này xảy ra, Trung Quốc có thể "thò chân" vào cánh cửa đã mở, ngăn không cho nó đóng lại và nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng của mình.
Ông Cooper lưu ý tới nguyên tắc Caveat emptor (Hãy để người mua hàng cảnh giác). Theo ông, các thương vụ giá rẻ với Trung Quốc có thể gây hại cho chính người mua, vì vũ khí, với giá trị lớn đáng kể, thường hỏng ngay sau khi mua. Ví dụ được nhà ngoại giao Mỹ đề cập là thực trạng trực thăng tấn công Z-9 mà Cameroon mua của Trung Quốc, một trong số này bị rơi ngay sau khi chuyển giao, và các xe bọc thép VN-4 bán cho Kenya đã khiến hàng chục binh sĩ nước này thiệt mạng.
Những phát biểu trên của quan chức Mỹ dường như thể hiện thái độ “cay cú” của Washington hơn là thực tế thị trường. Theo báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Mỹ vẫn là quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, chiếm 36% tổng lượng vũ khí xuất khẩu trên toàn thế giới. Xuất khẩu vũ khí của Mỹ đã tăng 29% so với giai đoạn 2009-2013.
Nga đứng ở vị trí thứ hai khi chiếm 21% tổng xuất khẩu vũ khí của thế giới. Tiếp đó là Pháp, Đức, Trung Quốc, Anh, Tây Ban Nha, Israel, Italy, Hà Lan. Trung Quốc dù được Mỹ “coi trọng” nhưng cũng chỉ chiếm 5,2% thị trường toàn cầu. Hiện tại thị phần xuất khẩu vũ khí của Nga đã giảm tới 6% so với 27% của 5 năm về trước.
Mỹ đã xuất khẩu vũ khí tới ít nhất 98 nước và vùng lãnh thổ trong vòng 5 năm qua. Những lô hàng này thường bao gồm các vũ khí tối tân như máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình tầm ngắn, tên lửa đạn đạo, và một số lượng lớn bom dẫn đường.
Trong khi đó, các nước nhập khẩu nhiều vũ khí nhất là Saudi Arabia, chiếm 12% tổng lượng vũ khí nhập khẩu của thế giới, sau đó là Ấn Độ, Ai Cập, Australia, Algeria, Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Iraq. Với danh sách này, rõ ràng các khách hàng “sộp” nhất vẫn là của Mỹ.
Cạnh tranh khốc liệt
Những phát biểu của trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Clark Cooper liên quan tới S-400 phản ánh thái độ “khó chịu” của Wasghington khi đang bị Nga và Trung Quốc giành giật cả những thị trường vũ khí truyền thống, có tầm quan trọng sống còn đối với ngành công nghiệp Mỹ như ở Trung Đông. Bên cạnh đó, Mỹ chưa thể chen chân vào các thị trường lâu năm của Nga như Ấn Độ hay Đông Nam Á, trong khi “muối mặt” vì bị chính đồng minh qua mặt.
Theo số liệu của Công ty nghiên cứu IHS Markit, thị trường vũ khí vùng Vịnh rất quan trọng đối với nền công nghiệp quốc phòng toàn cầu. Ví dụ, các thỏa thuận mua bán của Saudi Arabia lên tới 7,7 tỷ USD trong năm 2018, trở thành quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất Trung Đông, tiếp theo là UAE và Qatar cũng nằm trong 10 quốc gia nhập khẩu lớn nhất thế giới.
Saudi Arabia và UAE mỗi nước đã chi 40 triệu USD để mua vũ khí của Trung Quốc trong năm 2018. Con số này tương đối nhỏ nhưng lại đánh dấu một bước nhảy vọt so với những năm trước đây. UAE cũng có kế hoạch phát triển vũ khí với một công ty của Trung Quốc.
Nga cũng đã bán các hệ thống tên lửa cho UAE và súng trường quân sự cho Saudi Arabia, đổi lại là quyền được sản xuất vũ khí tại quốc gia lớn nhất vùng Vịnh này. Cả Saudi Arabia lẫn UAE đều đã mua máy bay quân sự không người lái của Trung Quốc.
Mỹ từng tự tin rằng công nghệ Mỹ sẽ giúp các nhà thầu giành được thế thượng phong tại khu vực đồng thời sử dụng chiến thuật đe dọa nhằm ngặn chặn các hợp đồng bán vũ khí của Nga và Trung Quốc. Nhưng dường như người Mỹ đã thất bại với cả hai “mánh khóe” này.
Thế thượng phong đâu chưa rõ nhưng những tổ hợp phòng không Patriot của Mỹ đã hoàn toàn bất lực trước các vụ tấn công vào cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia hôm 14/9. Đây là cơ hội để đích thân Tổng thống Nga lên tiếng mỉa mai vũ khí Mỹ, đồng thời tiếp thị cho hệ thống phòng không S-400 và S-500 của mình.
Cũng liên quan tới S-400, người Mỹ còn nhận một “thất bại” thảm hại vì không thể ngăn chặn đồng minh trong NATO là Thổ Nhĩ Kỳ mua loại tên lửa này của Nga. Ngày 23/10, Tổng Giám đốc Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport, ông Alexander Mikheev cho biết hợp đồng cung cấp S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ đã được hoàn tất trước thời hạn với tổng cộng 72 chuyến bay chuyển giao các linh kiện của hệ thống này tới Ankara. Ông Mikheev nêu rõ việc chuyển giao S-400 diễn ra "tốt đẹp và không gián đoạn".
Trong khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ chỉ như “muỗi đốt inox” thì người Thổ thậm chí đe dọa ngược lại Mỹ với ám chỉ mua máy bay Su-35 để thay thế những chiếc F-35 mà Mỹ không muốn chuyển giao!
Ngoài khu vực Trung Đông, vũ khí Nga tiếp tục chiếm ưu thế không nhỏ trước vũ khí Mỹ. Trong năm 2018, Ấn Độ trở thành khách hàng vũ khí lớn nhất của Nga. Vào tháng 10/2018, Moskva và New Delhi đã ký kết một siêu dự án về việc Nga cung cấp cho Ấn Độ tổng cộng 5 trung đoàn tên lửa S-400 trị giá hơn 5 tỷ USD. Đây là thỏa thuận lớn nhất trong lịch sử Rosoboronexport, đặc biệt là hai bên đã chọn hình thức thanh toán bằng đồng rúp.
Các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á cũng tích cực mua vũ khí Nga. Năm 2018, một hợp đồng đã được ký kết về việc Nga cung cấp cho Indonesia 11 chiếc máy bay chiến đấu Su-35 tiên tiến nhất trị giá 1,1 tỷ USD. Ngay lập tức, người Mỹ lại giở chiêu “bẩn” khi đe dọa trừng phạt Indonesia nhằm phá hợp đồng này. Trước đây, Jakarta đã nhiều lần tuyên bố muốn mua một số tàu ngầm diesel-điện Dự án 636 Varshiavyanka (NATO định danh là lớp Kilo).
Lào cũng đã nhận được vài chục chiếc T-72B1. Myanmar đã ký kết hợp đồng với Nga về cung cấp 6 chiếc máy bay tiêm kích hạng nặng hai chỗ ngồi Su-30SM và không loại trừ khả năng trong tương lai những chiếc Su-30 sẽ trở thành máy bay chủ lực trong đội máy bay tiêm kích của đất nước này. Ngoài ra, Myanmar cũng đã nhận được những chiếc tiêm kích huấn luyện Yak-130 đầu tiên theo thỏa thuận được ký kết trước đó.
Chiêu trò quen thuộc
Cách nói của trợ lý Ngoại trưởng Cooper thực ra không có gì lạ bởi người Mỹ thường sử dụng nhiều “chiêu trò” để dìm hàng vũ khí của Nga hoặc Trung Quốc. Ví dụ, khi bị cạnh tranh quyết liệt tại Trung Đông, tờ Wall Street Journal mới đây đã đưa ra nhận định rằng, Trung Quốc và Nga sẵn sàng bán vũ khí và trang thiết bị như máy bay không người lái tới một số nước tại Trung Đông khi một số nước khác đang do dự bán vũ khí cho các nước Trung Đông vì lo sợ vũ khí sẽ bị chuyển tới tay các đối tượng khủng bố.
Cũng theo tờ báo này, Bộ Quốc phòng Mỹ không chỉ quan ngại về các mối đe dọa tới các thương vụ bán vũ khí của Mỹ mà còn lo sợ Trung Quốc và Nga đang cố gắng thu thập bí mật công nghệ của các trang thiết bị quân sự hiện đại và các công nghệ thương mại khi hợp tác với các đồng minh của Mỹ.
Giới cho rằng những thay đổi hiện nay đang làm phức tạp các hợp đồng trong tương lai với các đồng minh vùng Vịnh của Mỹ vì các phần cứng (mua từ Trung Quốc/Nga) có thể không tương thích với các hệ thống của phương Tây.
Tuy nhiên, giới phân tích đã chỉ ra sự “đạo đức giả” của Mỹ trong các hợp đồng bán vũ khí một cách có chọn lọc, thường là với những cái cớ rất nhân đạo như lo ngại rơi vào tay khủng bố hay sử dụng để tấn công dân thường. Ví dụ, Mỹ thường hạn chế bán các máy bay tấn công tiên tiến nhất như F-35 cho đồng minh Trung Đông để giúp Israel giữ được lợi thế dẫn đầu về công nghệ.
Từ đây, người ta hoàn toàn có thể nghi ngờ chất lượng thực sự của những phiên bản vũ khí xuất khẩu của Mỹ dành cho các đồng minh. Có lẽ, đây chính là lý do khiến ngay cả các đồng minh của Mỹ như Saudi Arabia, UAE và Thổ Nhĩ Kỳ tìm đến vũ khí Nga.
Phát biểu so sánh S-400 với AK-47 của trợ lý Ngoại trưởng Mỹ thậm chí còn đi xa hơn khi cố tình chính trị hóa vấn đề, khơi lại quá khứ chiến tranh, và có thể, ám chỉ những “thất bại” của Liên Xô để cảnh báo các đồng minh và đối tác.
Ông Vladimir Yermakov, Trưởng Ban Không phổ biến và Kiểm soát Vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Nga, từng đưa ra nhận định rằng, những nỗ lực của Mỹ tìm cách phá vỡ hợp đồng cung cấp S-400 của Nga cho Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy vị thế yếu kém của Mỹ trên thị trường vũ khí.
Ông khẳng định: “Chúng tôi biết áp lực mà Washington đang trắng trợn gây ra với Ankara nhằm phá vỡ thỏa thuận này. Chúng tôi coi đây là nỗ lực thông qua con đường chính trị nhằm làm suy yếu vị thế của đối thủ cạnh tranh trên thị trường vũ khí toàn cầu. Đây là một minh chứng cho thấy sự yếu kém của Mỹ, Washington không thể chào hàng các sản phẩm quân sự có chất lượng tốt hơn trên thị trường thế giới".
Quan chức Nga cũng không ngần ngại nói thẳng rằng kho vũ khí của Washington "có đòn bẩy của áp lực chính trị không lành mạnh, nhưng các quốc gia có chủ quyền thường không chịu khuất phục trước áp lực đó”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo