Quốc tế

Mỹ chuẩn bị thử tên lửa mới sau khi rút khỏi hiệp ước hạt nhân với Nga

Mỹ đã chính thức dừng hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga và chuẩn bị thử nghiệm một tên lửa hành trình tầm trung mới.

CLIP: ‘Choáng ngợp’ với màn phóng tên lửa siêu thanh của Nga / "Bức màn sắt" đặc biệt trên "Quái vật biến hình" Stryker của Mỹ

Tên lửa 9M729 của Nga, vũ khí khiến Mỹ cáo buộc Moscow vi phạm hiệp ước hạt nhân (Ảnh: Sputnik)

Tên lửa 9M729 của Nga, vũ khí khiến Mỹ cáo buộc Moscow vi phạm hiệp ước hạt nhân (Ảnh: Sputnik)

CNN dẫn thông báo ngày 2/8 của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Washington đã chính thức rút khỏi INF với Nga. Mỹ cũng đang chuẩn bị cho việc thử nghiệm một tên lửa hành trình phi hạt nhân bệ phóng di động nhằm thách thức với Nga ở châu Âu.

Động thái của Mỹ đã đặt dấu chấm hết cho hiệp ước kiểm soát vũ khí có từ thời Chiến tranh Lạnh ngằm ngăn chặn việc phát triển các tên lửa phóng từ mặt đất trong khoảng tấn công 500-5.500 km. Điều này đồng thời làm dấy lên mối quan ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới.

“Nga hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc hiệp ước bị dừng lại. Moscow đã thất bại trong việc quay trở lại tuân thủ một cách đầy đủ và có thể xác minh khi họ không phá hủy một hệ thống tên lửa vi phạm hiệp ước”, ông Pompeo cho hay, ám chỉ tên lửa hành trình có khả năng mang đầu đạn hạt nhân 9M729/SSC-8 của Nga, tên lửa mà Washington cáo buộc là “vi phạm trực tiếp và liên tục” INF.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận định với CNN rằng việc hiệp ước kết thúc là “bước thụt lùi nghiêm trọng”. Ông cho rằng đây là một “ngày tồi tệ” cho những ai tin vào kiểm soát vũ khí và sự ổn định của châu Âu. Ông Stoltenberg cũng nhận định các tên lửa mà Nga phát triển trong thời gian qua có thể bay tới các thành phố châu Âu chỉ trong vài phút và rất khó có thể truy dò.

“NATO sẽ bảo vệ tất cả các đồng minh và chúng tôi sẽ có biện pháp cần thiết để duy trì nền phòng thủ đáng tin cậy của khối”, ông Stoltenberg nói.

 

CNN dẫn nguồn từ một quan chức quốc phòng cấp cao cho biết Mỹ sẽ thử nghiệm tên lửa mới trong vài tuần tới và đây được cho là câu trả lời cho việc “Nga nhiều năm không tuân thủ INF”. Tuy nhiên, quan chức này cũng nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ cần vài năm để triển khai vũ khí nói trên.

Tuy nhiên, hồi tháng 3, Lầu Năm Góc nói rằng tên lửa phóng từ mặt đất này có thể sẵn sàng để triển khai trong 18 tháng.

Nga từ trước tới nay luôn bác bỏ cáo buộc từ Mỹ rằng tên lửa 9M729 của họ vi phạm INF và cho rằng yêu cầu từ Mỹ là không thể chấp nhận được.

Nga cũng “tố” ngược lại rằng Mỹ vi phạm INF khi triển khai lá chắn phòng thủ Aegis Ashore ở Romania và Ba Lan. Họ cho rằng các bệ phóng Mk 41 của tổ hợp Aegis Ashore ngoài việc có thể triển khai tên lửa Standard Missile 3, thì còn có thể tích hợp được tên lửa hành trình Tomahawk. Vì vậy, Nga coi đây là mối đe dọa tới các mục tiêu nằm trong lãnh thổ của họ nếu Aegis xuất hiện ở châu Âu.

Sau khi INF chấm dứt, Mỹ và Nga chỉ còn lại duy nhất 1 hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân là New START. Nếu hiệp ước này không được đàm phán lại sau khi kết thúc vào năm 2021, hai nền quân sự hàng đầu thế giới sẽ có thể phát triển kho vũ khí mà không bị giới hạn bởi bất cứ thứ gì.

 

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 2/8 nói rằng INF mất đi đồng nghĩa với việc “thế giới mất đi một công cụ ngăn cản chiến tranh hạt nhân”. Ông kêu gọi Nga và Mỹ sớm đồng thuận một con đường chung khác trong nỗ lực kiểm soát vũ trang quốc tế.

Ngày 2/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết trong trường hợp nếu Nga và Mỹ thương lượng về thỏa thuận hạt nhân mới, Trung Quốc chắc chắn phải được bao gồm trong đó.

Theo Đức Hoàng/Dân Trí
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm