Quốc tế

Mỹ để ngỏ khả năng khôi phục đoàn tàu tên lửa liên lục địa mạnh hơn Baguzin của Nga

Mỹ đang để ngỏ khả năng sẽ khôi phục hoạt động cho đoàn tàu tên lửa đạn đạo hạt nhân liên lục địa (ICBM) LGM-118A Peacekeeper nếu như Nga làm điều tương tự với loại Baguzin của mình.

Đoàn tàu tên lửa hạt nhân liên lục địa Baguzin trang bị tên lửa đạn đạo tầm xa RT-23 (NATO gọi bằng tên định danh SS-24 Scapel) là một trong những quân bài mà Nga đe dọa sử dụng nếu Mỹ rút khỏi hiệp ước New START.

Tên lửa TR-23 có tầm bắn lên tới 11.000 km, mang theo 10 đầu đạn hạt nhân có đương lượng nổ 550 kT và vòng tròn sai số (CEP) khoảng 200 m tạo ra sức hủy diệt cực lớn.

Nhờ khả năng ngụy trang cực kỳ khó nắm bắt khi sử dụng chung hạ tầng với đường sắt dân sự, đoàn tàu Baguzin được xem như một trong những át chủ bài của người Nga để chống lại Mỹ trong trường hợp nổ ra chiến tranh hạt nhân toàn diện.

Mặc dù người Nga vẫn tự hào đoàn tàu Baguzin của mình là thứ vũ khí độc nhất vô nhị nhưng có lẽ họ quên rằng Mỹ cũng từng sở hữu phương tiện tấn công tương tự, thậm chí còn có tính năng kỹ chiến thuật vượt trội.

Trong thập niên 1980, giới chức quân sự Mỹ đã quyết định sẽ chế tạo các đoàn tàu hạt nhân tương tự như Liên Xô và trang bị cho nó tên lửa đạn đạo liên lục địa LGM-118A Peacekeeper.

Điểm đặc biệt của đoàn tàu tên lửa Peacekeeper của Mỹ là chúng được triển khai sẵn tại các nhà ga và chỉ thay đổi trạng thái chiến đấu khi có tình huống đặc biệt phát sinh.

Bộ Quốc phòng Mỹ tại thời điểm tháng 10/1987 đã quyết định sẽ chế tạo 25 đoàn tàu tên lửa Peacekeeper để triển khai tại 10 nhà ga nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu nhất.

So với RT-23 của Nga, tên lửa đạn đạo liên lục địa LGM-118A của Mỹ có kích cỡ khá tương đồng với trọng lượng phóng 96,75 tấn; chiều dài 21,8 m; đường kính thân 2,3 m.

Tuy nhiên, điểm nổi bật của tên lửa LGM-118A là nó có tầm bắn vượt trội, lên tới 14.000 km nhờ động cơ có hiệu suất cao hơn và giữ đương lượng nổ của mỗi đầu đạn ở mức 350 kT.

Công nghệ đa đầu đạn của Mỹ được đánh giá ưu việt hơn Nga ở chỗ từng đầu đạn được xác định quỹ đạo trước khi tiến vào bầu khí quyển nhờ các động cơ hiệu chỉnh đặc biệt.

Khi chia tách khỏi tên lửa đẩy, đầu đạn kích hoạt động cơ tự thân tạo mô men xoáy để ổn định hướng bay, bên cạnh đó, nó còn tạo lập được đường bay phức tạp để lẩn tránh hệ thống phòng thủ của đối phương.

Vòng tròn sai số của đầu đạn W87 trang bị cho ICBM LGM-118A Peacekeeper chỉ vào khoảng 120 m, ít hơn rất nhiều so với RT-23, khiến cho việc đương lượng nổ nhỏ hơn không phải là yếu tố đáng ngại.

Phía Mỹ đã cảnh báo rằng nếu Nga khôi phục đoàn tàu tên lửa Baguzin thì Mỹ cũng có sẵn phương tiện răn đe tương xứng để khiến cho ưu thế quân sự của Nga không được duy trì.

Một cuộc Chiến tranh Lạnh phiên bản 2 dự báo sẽ còn khốc liệt hơn hẳn những gì từng diễn ra trong quá khứ nhờ những ứng dụng khoa học công nghệ tối tân, đây được xem là mối nguy lớn cho nhân loại.

Theo Việt Dũng/An ninh Thủ đô
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo