Quốc tế

Mỹ “dịu giọng” với Triều Tiên sau màn khẩu chiến căng thẳng

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hy vọng rằng Triều Tiên sẽ không tiến hành thử hạt nhân hay tên lửa tầm xa trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước đang có dấu hiệu tăng nhiệt trở lại.

Tàu cảnh sát biển tối tân nhất Việt Nam sang Nhật Bản làm gì? / Người Mỹ phải chịu thêm 42 tỷ USD tiền thuế do các tranh chấp thương mại

Mỹ “dịu giọng” với Triều Tiên sau màn khẩu chiến căng thẳng - 1

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (Ảnh: EPA)

“Cá nhân Chủ tịch Kim Jong-un đã đưa ra cam kết về việc phi hạt nhân hóa, nói rằng sẽ không thử hạt nhân và tên lửa tầm xa nữa. Tất cả những cam kết đó khiến chúng tôi hy vọng rằng, Triều Tiên sẽ tiếp tục tuân thủ cam kết”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 11/12.

“Chúng tôi sẽ sẽ tiếp tục làm việc để nỗ lực xúc tiến những khía cạnh mà chúng tôi có thể đối thoại, các cơ chế đàm phán mà chúng tôi có thể trao đổi với họ về những chặng đường phía trước nhằm đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa, điều mà cả Ngoại trưởng Lavrov và tôi quyết tâm hỗ trợ Triều Tiên đạt được”, ông Pompeo cho biết thêm.

Theo Ngoại trưởng Pompeo, Tổng thống Donald Trump rất “rõ ràng” về “kỳ vọng” của Mỹ với Triều Tiên sau 3 cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

“Chúng ta cần cùng nhau xây dựng cách thức để hỗ trợ người Triều Tiên đạt được mục tiêu, từ đó giúp người dân Triều Tiên có tương lai tươi sáng hơn như Tổng thống Donald Trump vẫn thường nói”, ông Pompeo nói.

Về phần mình, Ngoại trưởng Lavrov một lần nữa nhắc lại lời kêu gọi của Nga về những động thái có qua có lại của Mỹ và Triều Tiên.

 

“Các ông không thể yêu cầu Triều Tiên làm tất cả mọi thứ ngay bây giờ, rồi sau đó mới quay lại bảo đảm an ninh cho họ và dỡ bỏ trừng phạt”, Ngoại trưởng Nga phát biểu.

Ông Lavrov đổ lỗi cho tình trạng bế tắc hiện nay là do cộng đồng quốc tế chưa sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu về nhân đạo khẩn cấp của Triều Tiên. Điều này xuất phát từ các lệnh trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng.

“Ngay cả những hàng hóa không nằm trong lệnh trừng phạt, bao gồm lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc và lệnh trừng phạt của Mỹ, vẫn rất khó để chuyển đến Triều Tiên vì các công ty sản xuất, cũng như các công ty vận tải, đều lo sợ. Họ chỉ đơn giản là cảm thấy lo sợ, mặc dù đó là giao dịch hợp pháp, nhưng giao dịch với Triều Tiên, họ có thể lại bị trừng phạt”, Ngoại trưởng Nga nói thêm.

Ông Lavrov đề nghị Mỹ quay lại đàm phán với Triều Tiên và dỡ bỏ trừng phạt Bình Nhưỡng.

“Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ để giúp vượt qua tình hình hiện tại. Chúng tôi kêu gọi lãnh đạo Triều Tiên kiềm chế”, Ngoại trưởng Nga nói.

 

Ngoại trưởng Mỹ đánh giá tốt những nỗ lực của Nga trong việc thực thi các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên. Ông Pompeo cũng hy vọng Moscow sẽ đưa tất cả các lao động Triều Tiên về nước trước hạn chót của Liên Hợp Quốc.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 2017 đã ra nghị quyết trừng phạt Triều Tiên, với mục đích cắt đứt mọi nguồn cung tài chính cho chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Nghị quyết yêu cầu các nước phải trục xuất người lao động Triều Tiên về nước trước ngày 22/12.

“Đây đều là những nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mà chính Nga đã bỏ phiếu thông qua. Có nhiều lao động Triều Tiên vẫn đang làm việc ở Nga. Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc yêu cầu họ phải rời đi. Chúng tôi hy vọng rằng Nga có thể hoàn tất việc này và tuân thủ chặt chẽ điều đó”, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.

Hơn 30.000 người Triều Tiên đã đăng ký lưu trú tại Nga tính đến tháng 12/2017. Họ chủ yếu tập trung tại các vùng viễn Đông thưa dân của Nga và làm việctrong các ngành xây dựng, nông nghiệp, nghề cá.

Liên Hợp Quốc ước tính có khoảng 100.000 người lao động Triều Tiên ở nước ngoài và lực lượng này sẽ gửi khoảng 500 triệu USD về nước mỗi năm. Hai quốc gia có số lượng công dân Triều Tiên làm việc nhiều nhất hiện nay là Nga và Trung Quốc.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm