Quốc tế

Mỹ mải mê trừng phạt

Các nhà hoạch định chính sách Mỹ xem xét các biện pháp trừng phạt cực đoan hơn và ngày càng ít quan tâm đến những hạn chế của bước đi này.

Tháng 3/2016, không lâu sau khi Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt Iran liên quan đến chương trình hạt nhân nước này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ lúc đó là Jack Lew đã nói về những bài học chính quyền Tổng thống Barack Obama rút ra được. Theo ông, lệnh trừng phạt đã trở thành công cụ đầy sức mạnh phục vụ các mục tiêu chính sách đối ngoại rõ ràng và được điều phối nhưng Washington chỉ nên sử dụng chúng để xử lý các mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia.

Việc lạm dụng trừng phạt có thể làm giảm tính hiệu quả của nó. Lý lẽ ông Lew đưa ra thật đơn giản: Lệnh trừng phạt có tác dụng bởi chúng cắt đứt mối liên hệ giữa mục tiêu và công dân, các tổ chức tài chính tại Mỹ - nền kinh tế lớn nhất và trung tâm tài chính quan trọng nhất thế giới. Ông Lew cho rằng nếu Washington không sử dụng hiệu quả thứ sức mạnh này thì có thể khuyến khích các nước tìm kiếm đối tác bên ngoài Mỹ và vì thế làm suy giảm hiệu quả răn đe của lệnh trừng phạt.

Dù vậy, cả nhánh hành pháp lẫn lập pháp thời Tổng thống Donald Trump dường như đã bỏ ngoài tai cảnh báo của ông Lew. Mỹ vừa tái áp đặt lệnh trừng phạt đối với Iran; mở rộng các biện pháp trừng phạt Nga và Venezuela; theo đuổi chiến dịch gây sức ép kinh tế tối đa nhằm vào Triều Tiên. Ngoài ra, để đối phó Thổ Nhĩ Kỳ vì hành vi giam giữ mục sư Mỹ Andrew Brunson, chính quyền ông Trump đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với giới chức nước này.

Những ngày này, các nhà hoạch định chính sách Mỹ không chỉ áp đặt lệnh trừng phạt với tần suất cao hơn, họ còn xem xét các biện pháp cực đoan hơn và ngày càng ít quan tâm đến những hạn chế của bước đi này. Giờ đây, trừng phạt đang trở thành biểu hiện về thái độ không hài lòng của một đất nước Mỹ đơn độc, thường được sử dụng để phục vụ các ưu tiên đảng phái trong nước. Một hướng tiếp cận sơ suất như thế có thể vô hiệu hóa hiệu lực của công cụ mạnh mẽ này.

Mỹ mải mê trừng phạt - Ảnh 1.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (trái) đang phản ứng mạnh động thái trừng phạt của Mỹ. Ảnh: Reuters

Thiên hướng mới của Mỹ trong việc theo đuổi trừng phạt đơn phương đang hủy hoại quan hệ lâu đời với các đồng minh. Khi chính quyền ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Liên minh châu Âu (EU) phản ứng bằng cách cập nhật đạo luật cấm các công ty châu Âu tuân thủ những biện pháp trừng phạt nhất định của Mỹ. Hậu quả là Mỹ không chỉ mất đi một đối tác hữu ích. Trong lúc vận động các đối tác thương mại chính của Iran, như Ấn Độ và Trung Quốc tuân thủ trừng phạt mới, Mỹ vẫn đang sa lầy vào hành động ăn miếng trả miếng xuyên Đại Tây Dương.

Một vấn đề lớn khác liên quan đến việc sử dụng trừng phạt hiện nay: Mỹ không còn xem công cụ này là phương tiện dẫn đến sự kết thúc. Trừng phạt nhằm ép đối thủ vào bàn đàm phán và nên chấm dứt khi mục tiêu này đạt được. Dù vậy, bằng cách thường xuyên mở rộng yêu cầu, Mỹ có thể tạo ấn tượng xấu rằng họ không có thiện ý đàm phán mà chỉ tìm cách trừng phạt mục tiêu thay vì cố gắng đạt giải pháp ngoại giao.

Chính trường Mỹ cũng đang gây tổn hại cho chính sách trừng phạt. Quốc hội có xu hướng xem các biện pháp này là cách để giành lại quyền kiểm soát chính sách đối ngoại từ cơ quan hành pháp. Cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa đều đã sử dụng lệnh trừng phạt chống lại Nga để ghi điểm dù mỗi phe đều có lý do riêng. Đảng Dân chủ đang sử dụng sách lược này thông qua các biện pháp trừng phạt Triều Tiên.

Nếu các nước và doanh nghiệp xem một số biện pháp trừng phạt nhất định của Mỹ là điều bình thường mới, họ có thể tiến hành những điều chỉnh lâu dài, làm giảm hiệu quả của công cụ này. Họ thậm chí có thể xem lệnh trừng phạt Nga hoặc Iran chỉ như một điều bất tiện kéo dài hơn là cuộc khủng hoảng cấp bách.

Còn khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ phong tỏa những hoạt động kinh tế rộng lớn hơn, chúng lại thúc đẩy các mối quan hệ đối tác giữa các nước có chung hoàn cảnh. Nga và Venezuela đã tăng cường quan hệ đầu tư trong lúc có tin đồn Moscow giúp Caracas tạo ra một loại tiền ảo nhằm né tránh lệnh trừng phạt của Washington. Nếu quốc hội Mỹ hạn chế khả năng ký thỏa thuận với Bình Nhưỡng của chính quyền ông Trump, Trung Quốc có thể sẽ gia tăng giao thương với Triều Tiên.

Một hướng tiếp cận tốt hơn trong chuyện trừng phạt rốt cuộc sẽ phụ thuộc nhiều vào việc các nhà hoạch định chính sách cải thiện hiểu biết của họ về chuyện này. Điều không chắc chắn bây giờ là liệu họ có ý chí chính trị để làm thế sớm hơn hay không.

Theo nld.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo