Quốc tế

Mỹ thử tên lửa bay xa 500 km sau khi rút khỏi hiệp ước hạt nhân

Quân đội Mỹ ngày 19/8 xác nhận lực lượng này đã phóng thử một tên lửa hành trình phóng từ mặt đất với tầm xa trên 500 km, vụ thử đầu tiên như vậy kể từ khi rút khỏi hiệp ước hạt nhân với Nga.

Thiết xa bay BMD-4M sẽ có tên lửa Kornet: Sức mạnh khủng khiếp / Quân đội Syria đã dùng vũ khí nào để bắn hạ tên lửa mồi bẫy tối tân của Israel?

1

Ảnh vụ thử nghiệm tên lửa ngày 18/8 (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ)

Trong một tuyên bố đưa ra hôm qua, Lầu Năm Góc cho hay “vụ thử nghiệm tên lửa hành trình phóng từ mặt đất thông thường” diễn ra hôm Chủ nhật trên đảo San Nicolas, bang California và tên lửa đã đánh trúng mục tiêu sau khi bay xa hơn 500km.

Theo hãng tin RT của Nga, các hình ảnh và video của vụ thử cho thấy tên lửa được thử nghiệm là Tomahawk, một tên lửa hành trình hiện có của Mỹ thường được phóng từ các tàu chiến và tàu ngầm. Điều này đã được phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Trung tá Robert Carver xác nhận.

Trong khi đó, một phát ngôn viên Lầu Năm Góc nói với Reuters rằng vụ thử nghiệm hôm 18/8 sử dụng một bệ phóng MK41, nhưng hệ thống được thử nghiệm không giống với hệ thống phòng thủ tên lửa gần bờ Aegis hiện đang hoạt động ở Romania và đang được xây dựng ở Ba Lan.

Nga ngay lập tức đã lên tiếng về vụ thử.

 

“Vụ thử nghiệm của quân đội Mỹ đối với một tên lửa trên bộ bị cấm theo Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) chỉ 2 tuần sau khi rút khỏi hiệp ước này là sự hoài nghi và nhạo bắng trắng trợn đối với cộng đồng quốc tế”, hãng tin RIA dẫn lời nghị sĩ Nga Frants Klintsevich.

“Tất nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức trong thời gian ngắn nhất để đảm bảo rằng Mỹ sẽ không có ưu thế trong các loại vũ khí này”, ông Klintsevich nói thêm.

Các vũ khí có tầm xa từ 500-5.000km bị cấm theo hiệp ước INF, một cơ chế kiểm soát vũ khí quan trọng từng giúp “hóa giải” các căng thẳng hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô ký kết năm 1987.

Hồi tháng 2 năm nay, Mỹ đã tuyên bố sẽ rút khỏi hiệp ước sau khi cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận và phát triển vũ khí bị cấm theo hiệp ước này, điều mà Moscow bác bỏ. Hiệp ước chính thức hết hiệu lực vào ngày 1/8. Nếu còn hiệu lực, tên lửa mới thử nghiệm của Mỹ bị cấm theo khuôn khổ hiệp ước.

Cuộc tranh cãi liên quan tới INF đã khiến quan hệ giữa Nga và Mỹ ngày càng xấu đi kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc năm 1991. Một số chuyên gia cho rằng sự sụp đổ của hiệp ước sẽ làm suy yếu các thỏa thuận kiểm soát vũ khí khác và làm tăng tốc sự xói mòn của một hệ thống toàn cầu được thiết kế nhằm ngăn chặn sự lan rộng của vũ khí hạt nhân.

 

Trong vài tháng qua, qiới chức Mỹ đã công khai tuyên bố về kế hoạch tiến hành vụ thử nghiệm tên lửa hành trình vào tháng 8. Lầu Năm Góc cũng lên kế hoạch thử nghiệm một tên lửa đạn đạo tầm trung vào tháng 11 tới.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper mới đây cho biết Lầu Năm Góc sẽ triển khai các tên lửa tầm trung, phóng từ mặt đất tại châu Á, nhưng có thể phải mất vài năm mới sẵn sàng để triển khai các tên lửa như vậy.

Theo An Bình/Dân trí
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm