Quốc tế

Mỹ - Triều rụt rè chìa cành ô liu, hòa bình trên bán đảo Triều Tiên vẫn cần một niềm tin

Tin vui lại đến trên bán đảo Triều Tiên khi lãnh đạo cấp cao Hàn - Triều đạt được những thỏa thuận mang tính đột phá. Dù vậy, tiến trình phi hạt nhân hóa có đạt được kết quả như mong muốn của phía Mỹ hay không, giờ phụ thuộc vào chính quyết định của Washington.

Quan hệ liên Triều: Hòa bình và tương lai mới đang được định hình rõ nét / Tổng thống Mỹ đánh giá cao cam kết của nhà lãnh đạo Triều Tiên

Gọi là tin vui bởi sau cuộc họp với nhà lãnh đạo Triều Tiên tại Bình Nhưỡng trưa 19-9, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố: “Một kỷ nguyên phi chiến tranh đã bắt đầu”. Đây là cuộc họp thượng đỉnh lần thứ ba giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chỉ trong vòng 5 tháng. Hai cuộc họp vào tháng 4 và tháng 5 giúp mở đường cho cuộc họp Thượng đỉnh Mỹ-Triều vào tháng 6 tại Singapore, nơi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên sẽ “sớm được khởi động”.

Thế nhưng, chính Tổng thống Mỹ cuối tháng 8 vừa qua đã hủy chuyến thăm của Ngoại trưởng Mike Pompeo tới Bình Nhưỡng với lý do không có tiến triển về các nỗ lực giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời tiếp tục siết chặt trừng phạt Bình Nhưỡng. Như vậy, sẽ không thể có tiến triển nào nếu Triều Tiên và Mỹ vẫn thiếu niềm tin, chưa nhượng bộ với những đòi hỏi của nhau.

Tình thế đó cần một trung gian hòa giải và không ai thích hợp hơn Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người tiếp tục đóng vai trò cầu nối trong chuyến thăm Bình Nhưỡng từ ngày 18 đến 20-9!

Thực ra, Triều Tiên và Mỹ đều đã rụt rè chìa ra cành ô liu hòa bình. Triều Tiên dỡ bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri, nơi diễn ra 6 vụ thử hạt nhân kể từ năm 2006 của nước này, đồng thời phá hủy một số cơ sở phóng tên lửa, trao trả một số hài cốt được coi là của quân nhân Mỹ thiệt mạng trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Mỹ cũng hủy một loạt cuộc tập trận chung thường niên với Hàn Quốc. Nhưng như thế chưa đủ. Mỹ cần Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn và tiếp tục hợp tác trong việc hồi hương hài cốt. Về phần mình, Bình Nhưỡng cần Washington bỏ cấm vận kinh tế và bảo đảm không đe dọa an ninh khi nước này từng bước loại bỏ vũ khí hạt nhân.

“Phi hạt nhân hóa hoàn toàn” là khái niệm khá mơ hồ và cần thêm những bước đi cụ thể của cả Washington và Bình Nhưỡng để cụ thể hóa khái niệm này. Khi hai bên chưa có thêm nhượng bộ khiến tiến trình phi hạt nhân bị đình trệ thì ông Moon Jae-in đã tạo thêm “cú hích” lớn. Lãnh đạo hai miền Triều Tiên thông báo hai bên sẽ cùng nộp đơn đăng cai Thế vận hội mùa Hè năm 2032; thông tuyến đường sắt và đường bộ phía tây và phía đông bán đảo Triều Tiên trong năm nay; sẽ khôi phục lại hoạt động của khu công nghiệp Kaesong và dự án du lịch Kumgang ngay khi các điều kiện cho phép.

Hai miền Triều Tiên đạt được những thỏa thuận này nhờ xây dựng được niềm tin ở nhau thông qua những hành động cụ thể và ý nghĩa, như tổ chức gặp mặt cho các gia đình bị ly tán bởi chiến tranh, nối lại đường dây liên lạc... Cũng chính nhờ niềm tin đó, ông Moon Jae-in đã thuyết phục được nhà lãnh đạo Triều Tiên chủ động tiến thêm một bước đi thiện chí nữa. Sau cuộc họp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên, ông Moon Jae-in cho biết Bình Nhưỡng đã đồng ý đóng cửa vĩnh viễn cơ sở thử động cơ và phóng tên lửa Tongchang-ri với sự chứng kiến của các chuyên gia từ những nước liên quan. Đặc biệt, Triều Tiên sẽ phá hủy bãi thử hạt nhân Yongbyon nếu Mỹ có “những biện pháp tương ứng”.

Như vậy, tiến trình phi hạt nhân hóa và bình thường hóa quan hệ Mỹ-Triều có tiến triển tiếp hay không giờ phụ thuộc vào hành động của Mỹ. Dù ông Trump đã nhanh chóng đăng trênTwittercá nhân bày tỏ vui mừng trước kết quả của cuộc họp thượng đỉnh liên Triều nhưng vẫn cần có “những biện pháp tương ứng” từ phía Mỹ để thúc đẩy tiến trình.

Trong tuần tới, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ tiếp tục bay tới Washington. Đó là thời điểm ông Trump phải đưa ra những bước đi cụ thể từ phía Mỹ để đáp lại thiện chí của Bình Nhưỡng. Triều Tiên đã tin tưởng và đã hành động. Mỹ cũng cần có niềm tin ở Triều Tiên để sớm đưa ra những hành động cụ thể và nếu được như vậy, chắc rằng tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên sẽ được đẩy nhanh hơn.


Theo QĐND
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm